Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội và môi trường của tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hoá nói riêng.
Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 557/QĐ-TTg ngày 11/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ, cũng là nhà máy thủy điện đầu tiên trên dòng sông Rào Quán.
Công trình có các hạng mục gồm khu vực lòng hồ thuộc xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng; khu vực đầu mối gồm đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước thuộc xã Hướng Tân; khu vực nhà máy thủy điện gồm 2 tổ máy với tổng công suất 64 MW, đường ống áp lực, tháp điều áp, nhà van, trạm biến áp 110 kV thuộc xã Tân Hợp.
Đầu năm 2007, công trình đưa vào vận hành những hạng mục xây dựng chính gồm đập dâng, đập tràn xả lũ, đường hầm áp lực, nhà van thủy lợi, tháp điều áp; các hệ thống công nghệ được thí nghiệm, hiệu chỉnh chạy thử kỹ thuật. Đến tháng 9 và tháng 11 cùng năm lần lượt tổ máy số 1 và tổ máy số 2 phát điện. Đến năm 2009 công trình chính thức được đưa vào vận hành thực hiện nhiệm vụ đa mục tiêu là cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, cắt lũ và phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị…
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thuỷ điện Quảng Trị cho biết, sau gần 20 được kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động cho đến nay, công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Quảng Trị đã thực hiện trọn vẹn chức năng điều tiết, bổ sung nước tưới cho hạ du, cấp nước sinh hoạt, giảm lũ cho vùng đồng bằng Triệu Hải; đồng thời cung cấp điện lên lưới quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội địa phương.
“Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, Công ty đã sản xuất được 131 triệu kWh điện, ước tính 6 tháng đầu năm đạt 156 triệu kWh/149 triệu kWh theo kế hoạch và đạt 78,7% kế hoạch điện lượng Tổng Công ty Phát điện 2 giao. Với sản lượng hàng năm đạt và vượt kế hoạch, chúng tôi tự hào là một trong những nhà máy hoạt động tốt nhất trong số các nhà máy thủy điện của hệ thống điện quốc gia”, ông Hùng thông tin.
Ngoài hiệu quả phát điện thì công trình cũng làm tốt việc điều tiết, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng hạ du, nhất là hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn với trung bình 200 triệu m3 nước mỗi năm, phục vụ canh tác trên tổng diện tích khoảng 20.000 ha. Đây chính là một trong những điều kiện cơ bản để làm nên diện mạo, tầm vóc mới của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Đồng thời, công trình còn phát huy tốt chức năng phòng lũ theo thiết kế, nhiều năm qua đã phối hợp tiến hành điều tiết nước hợp lý, giảm thiểu tối đa lũ lụt cho vùng hạ lưu. Để thực hiện tốt chức năng quan trọng này, góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của hàng vạn người dân ở vùng hạ lưu, đơn vị quản lý và khai thác công trình đã làm tốt công tác bảo đảm an toàn hồ đập, hằng năm trước mùa mưa bão sớm lập kế hoạch chuẩn bị ứng phó với những tình huống xấu xảy ra.
Công ty cũng thường xuyên phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa lập phương án, tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão tại khu đầu mối và tổ chức diễn tập xả lũ tại đập tràn; tổ chức kiểm tra, sửa chữa, tu bổ các thiết bị công trình, cơ sở vật chất, nhà xưởng, đường vận hành trước mùa mưa lũ; xây dựng quy chế phối hợp vận hành điều tiết xả lũ cho các công trình thủy điện bậc thang trên sông Rào Quán.
Hiện nay, để bắt kịp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở thực hiện chủ đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, Công ty đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2021 với một số nội dung như: Khảo sát, đánh giá và thực hiện nâng cấp hệ thống cơ sở công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai phần mềm số hóa tài liệu số hóa quy trình, thực hiện nghiên cứu các bước tiếp theo sau khi ứng dụng phần mềm khai thác dữ liệu đã số hóa đồng thời áp dụng AI, Big data vào nâng cấp phần mềm để xây dựng được một ứng dụng văn phòng và quản trị công việc thông minh. Phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số.
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, công tác an sinh xã hội cũng được Công ty Thuỷ điện Quảng Trị chú trọng. Vừa qua, Công ty đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời độc lập tại trạm kiểm soát Cửa khẩu phụ Cóc thuộc bản Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị phục vụ các chiến sĩ biên phòng phòng chống dịch Covid- 19. Công ty cũng tham gia các hoạt động an sinh xã hội khác như ủng hộ chương trình nối vòng tay nhân ái, ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Quảng Trị, Quỹ Tương trợ xã hội của EVN, ủng hộ phòng chống dịch Covid- 19, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp 1 địa chỉ nhân đạo trong 3 năm. Đến nay, tổng số tiền công ty đã tham gia các hoạt động xã hội đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ngày 30/11/2004, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức chặn dòng sông Rào Quán trên công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị và 3 năm sau đó phát điện tổ máy số 1. Từ đây những suối nguồn gom nước cho con sông Rào Quán đã góp phần làm ra dòng điện, hòa vào lưới điện quốc gia, thu về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là chính công trình đã góp phần cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường sống và phân lũ cho vùng đồng bằng phía hạ du; cùng với công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn liên tục đem lại những mùa vàng cho người nông dân Quảng Trị, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững trên vùng đất nổi tiếng gió Lào, nắng lửa.