Hiểm nguy thường trực
Hồ đội 8 là sản phẩm của nông trường chè Sông Cầu. Sự ra đời cũng như tồn tại của hồ lụi dần cũng như sứ mệnh lịch sử nông trường. Tháng 09/2014, Hồ đội 8 được Công ty chè Sông Cầu bàn giao tại thực địa cho UBND thị trấn Sông Cầu quản lý.
Tuy nhiên, khi điều động, luân chuyển công tác, việc thực hiện bàn giao đất công, bàn giao tài sản cố định còn thiếu sót. Kết quả, lòng hồ cũng như hầu hết các hạng mục an toàn của công trình bị xâm hại, xuống cấp. Hồ đội 8 trở thành túi nước khổng lồ lơ lửng trên cuộc sống nhân sinh cận kề.
Báo cáo của UBND thị trấn Sông Cầu khẳng định, hiện nay, công trình tiềm ẩn nguy cơ lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng của hơn 200 hộ gia đình quanh khu vực và giáo viên, học sinh của 2 nhà trường mầm non, tiểu học ngay bên cạnh mép nước của hồ.
Cụ thể, hồ được xây dựng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên hệ thống mang cống đã bị thấm, tiêu năng sau cống xuống cấp trầm trọng, hiện tượng rò rỉ nước thấm qua thân và nền đập đã xuất hiện. Đặc biệt, quá trình sạt lở và ảnh hưởng từ việc giao thông qua khu vực làm cửa xả lũ của hồ đã bị lấp, việc tiêu thoát nước rất khó khăn.
Tứ bề hỏng hóc
Từ thân đập cao nhìn xuống mặt hồ có diện tích theo đo đạc hơn 7 ha, hầu hết các vị trí ven hồ đã bị xâm lấn bởi công trình, ruộng nương đồi bãi. Nhiều công trình lồi hẳn ra tạo những khúc của gấp của mép nước. Trường tiểu học thị trấn Sông Cầu có phân trường năm ngay cạnh hồ.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Bình (Tổ trưởng phân hiệu) cho biết, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên nhà trường lúc nào cũng nhắc nhau coi sóc chặt chẽ hơn 100 học sinh. Không chỉ lo các cháu ra bờ hồ chơi mà còn yêu cầu các cháu không đến gần tường xây cạnh hồ. Năm nào nước hồ cũng dâng ngang tường nên bức tường có thể đổ sập bất cứ lúc nào, sân trường bị ẩm, trơn nên rất nguy hiểm cho các cháu hiếu động. Cũng bởi ngấn nước mà bức tường của trường mầm non ngay bên cạnh đã nứt toác, chuẩn bị sụp xuống.
Bà Đỗ Thị Bình (Hội trưởng hội phụ huynh học sinh của phân trường) lo lắng cho biết, hồ này rất nguy hiểm, nước sâu tới cả chục mét. Có năm nước ngập sân trường cao hơn 1 mét. Phụ huynh chẳng dám cho con đi học.
Ngay bên cạnh vị trí cửa xả lũ của Hồ đội 8 là nơi ở, sinh hoạt của gia đình ông Nguyễn Đình Vận. Gọi là cửa xả lũ nhưng mặt tràn là một con đường cao vống (so với mực nước lúc cao nhất của hồ) dẫn thẳng từ hồ xuống cánh đồng. Trên con đường ấy, còn tồn tại 2 trụ bê tông mục vữa vô hồn. Ông Vận kể, tràn xả lũ này đã từng vỡ vào năm 1986. Kể từ ấy, chưa thấy nước dâng lên tràn bao giờ.
Cửa tràn vô tác dụng tạo sức ép lên thân đập chính của hồ suốt mấy chục năm qua, đặc biệt mỗi lần nước lớn. Sức ép ấy khiến thân đập chính của hồ luôn trong tình trạng rò rỉ. Tấm cống điều tiết cũng róc rách suốt nhiều năm. Trong khi đó, việc tiêu thoát sau thân đập rất khó khăn bởi các công trình và ruộng nương của người dân bịt kín. Mỗi khi nước hồ ngập khu dân cư và trường học, UBND Thị trấn lại huy động phương tiện và nhân dân đào rãnh thoát nước bề mặt qua khu vực tổ 8; vừa đảm bảo hoạt động của nhân dân tại chỗ, vừa đảm bảo an toàn cho hồ cũng như khu vực hàng chục hộ dân sau thân đập chính.
Nan giải khắc phục
Bà Nguyễn Hương Quỳnh (Cán bộ quản lý đô thị và môi trường thị trấn Sông Cầu) cho biết, hồ sơ công trình, tại liệu thiết kế của hồ đã thất lạc. Khi bàn giao hồ về địa phương lại chỉ thực hiện bàn giao thực địa, chưa cắm mốc quản lý đối với hồ thủy lợi. Thực tế đó gây khó khăn cho công tác quản lý vì không thể xác định được ranh giới của hồ với đất ở, đất canh tác của nhân dân, hành lang an toàn cũng như hành lang bảo vệ hồ vì đó cũng không thể xác định được.
Chính quyền địa phương thực hiện việc đôn đốc người dân không xâm hại đến công trình. Tuy nhiên cả về pháp lý cũng như tài chính không được đảm bảo nên việc nâng cấp, sửa chữa Hồ đội 8 nhiều năm qua không được thực hiện.
Vậy là chính quyền thì chạy theo việc xử lý tình huống, người dân nơm nớp quanh năm trong khi nguy cơ vỡ đập xảy ra bất kể lúc nào. Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần vào cuộc coi Hồ đội 8 là điểm nóng cần ưu tiên xử lý nhanh, giải quyết trước.