Hơn 6.000 hộ dân nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Theo nhận định của Sở NN-PTNT Bình Định, vụ hè thu năm 2024 trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều diện tích không thể sản xuất được vì thiếu nước. Ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp khẩn trương chống hạn, đồng thời tiết kiệm nước tưới. Hiện trên địa bàn Bình Định có 22 hồ chứa đã cạn kiệt, tăng 6 hồ so với một tuần trước. Lượng nước tích trữ trong các hồ chứa còn lại cũng đang bốc hơi nhanh do nắng nóng.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, khả năng vụ hè thu năm nay toàn tỉnh sẽ có hơn 1.900ha đất canh tác lúa phải dừng sản xuất. Nếu trong tiết tiểu mãn sắp tới không có mưa, nắng nóng tiếp tục gay gắt, thì hơn 6.000 hộ dân tại các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, An Lão và thành phố Quy Nhơn có nguy thiếu nước sinh hoạt. Đáng quan ngại là nhiều cánh rừng trên địa bàn Bình Định sẽ đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết thêm: Hiện nay, có một số hồ chứa ở huyện Phù Cát, phía Bắc huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn đã khô kiệt, dung tích chứa của các hồ nói trên còn dưới 30% so dung tích thiết kế. Thêm vào đó, năm nay trên địa bàn Bình Định có 12 hồ chứa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Theo đó, sẽ có 650ha đất sản xuất phụ thuộc nguồn nước các hồ nói trên cũng sẽ phải dừng sản xuất để sửa chữa hồ.
Hỗ trợ diện tích phải dừng sản xuất
Trước tình hình trên, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN-PTNT và các địa phương đặt công tác phòng, chống hạn là nhiệm vụ hàng đầu, khơi thông dòng chảy, chống thất thoát nước. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng chống hạn hán, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận để người dân sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt là phải ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu ngành chức năng và các địa phương phải đề ra phương án phòng chống cháy rừng thật cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, cho biết đơn vị này đã tiến hành kiểm kê, rà soát nguồn nước do Công ty quản lý để khoanh vùng đảm bảo cấp nước tưới. Đồng thời thông báo cụ thể những khu vực không thể cung cấp nước trong vụ hè thu để các địa phương chỉ đạo sản xuất phù hợp, không để nông dân sản xuất tự phát trên những diện tích nguy cơ thiếu nước tưới. Lượng nước còn lại trong các hồ chứa ưu tiên cung cấp nước cho sinh hoạt, vật nuôi; phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ ưu tiên tưới những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa giống, vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn.
“Chính quyền các địa phương ngay từ bây giờ phải tổng rà soát lại hệ thống thủy lợi, phương án phòng chống hạn, phương án tưới tiêu, cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; khẩn trương xử lý những vướng mắc phát sinh và kịp thời báo cáo Sở NN-PTNT để trình UBND tỉnh xem xét. Đặc biệt, ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải chủ động cập nhật tình hình nguồn nước, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ nguy cơ của hạn hán và sử dụng tiết kiệm nước. Đối với những hộ dân không thể sản xuất được vì không có nguồn nước tưới, Sở NN-PTNT cùng với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh xem xét, đề xuất UBND tỉnh nguồn hỗ trợ và phương án hỗ trợ cụ thể...", ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh.