| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng: Cần có giải pháp sống chung với hạn mặn

Chủ Nhật 07/04/2024 , 16:53 (GMT+7)

ĐBSCL Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý các địa phương ĐBSCL cần rút ra các bài học kinh nghiệm trong phòng chống hạn mặn cũng như giải pháp chủ động sống chung lâu dài.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/4, tại tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL về công tác này.

Kiến nghị khép kín hệ thống thủy lợi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí rất quan tâm, trách nhiệm phản ánh vấn đề hạn mặn ở ĐBSCL, đặc biệt là ảnh hưởng của hạn mặn đến đời sống người dân. Tại tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo địa phương hết sức chủ động, tinh thần là từ sớm từ xa để đưa ra công bố tình huống, thông tin dự báo, giải pháp.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công cống Nguyễn Tấn Thành tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Qua kiểm tra và ghi nhận thực tế ý kiến của người dân tại một số địa bàn, nhất là khu vực khó khăn, vùng hoàn toàn sống trong điều kiện mặn của tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng đánh giá, việc cung cấp nước cho người dân đang được duy trì tốt, việc thiếu nước chỉ xảy ra vào một số thời điểm và mang tính cục bộ ở một số khu vực.

Riêng các hệ thống cấp nước của Nhà nước hoặc hệ thống kết hợp đầu tư công tư, tỉnh Tiền Giang đã bố trí hệ thống cấp nước tập trung cũng như thực hiện nhiều giải pháp huy động các lực lượng để mang nước đến tận nhà cho những người cao tuổi.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết, hiện nay tỉnh có vùng chuyên canh cây ăn trái khoảng 84 ngàn ha; trong đó có nhiều chủng loại có giá trị cao như sầu riêng, thanh long, mít… chủ yếu tập trung tại các huyện phía Tây với diện tích hơn 70 ngàn ha. Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn phía Nam quốc lộ 1A khoảng hơn 36 ngàn ha.

Bên cạnh 6 cống trên đường tỉnh 864 được đầu tư và cống âu Nguyễn Tấn Thành chuẩn bị hoàn thành, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư xây dựng thêm 3 cống: Trà Tân, Ba Rài và Phú An với kinh phí khoảng 887 tỷ đồng khép kín vùng dự án Bảo Định nhằm mở rộng diện tích bảo vệ khoảng 130 nghìn ha. Đồng thời kiến nghị trung ương nâng cấp mở rộng ao chứa nước Phú Thạnh 10ha và ao Tân Thới 6ha để phục vụ người dân huyện Tân Phú Đông. Nâng cấp mở rộng ao Gia Thuận 10ha, ao Bình Thành 30ha, ao Gò Dừa 15ha, kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng để phục vụ cho người dân vùng Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Tại công trường Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi giúp ĐBSCL chủ động ứng phó với hạn mặn, và đã phát huy hiệu quả, nhất là trong mùa khô này. Ảnh: Minh Đảm.

Tại công trường Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi giúp ĐBSCL chủ động ứng phó với hạn mặn, và đã phát huy hiệu quả, nhất là trong mùa khô này. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT đầu tư thêm một số công trình thủy lợi. Cụ thể địa phương đã được Bộ NN-PTNT đầu tư một âu thuyền Rạch Mọp và 5 cống thủy lợi trên tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, tuy nhiên hiện còn 7 cống trên tuyến quốc lộ này có nhu cầu xây dựng mới. Bên cạnh đó 14 cống trên tuyến quản lộ Phụng Hiệp cũng cần được xây dựng để bảo vệ trên 100.000ha đất sản xuất vùng trũng.

Còn tại Cà Mau, Kiên Giang ảnh hưởng của hạn mặn chủ yếu là sụt lún và sạt lở. Tại Kiên Giang, thiệt hại do nắng hạn gây ra chủ yếu tại Kiên Giang là tình hình sụt lún, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường giao thông trong vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng.

Đến nay, đã xảy ra 323 điểm sạt lở, sụt lún đất, lộ giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 8,7 km và làm sập 26 căn nhà ven kênh, rạch của người dân, ước tổng thiệt hại hơn 88,6 tỷ đồng. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì số điểm sạt lở sẽ tăng thêm. Huyện đã thống kê có tổng số 434 căn nhà cất cặp mé kênh, trong đó có 54 căn có nguy cơ tiếp tục sụp đổ cao. Chính quyền địa phương đang thực hiện tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời.

Sạt lở giao thông vùng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Sạt lở giao thông vùng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi, nhất là cụm công trình Cái Lớn - Cái Bé và vận hành hiệu quả các công trình nên đã giảm thiệu được thiệt hại.

Chủ động sống chung với hạn mặn

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã chia sẻ những khó khăn mà vùng ĐBSCL đang chịu tác động của hạn mặn do mực nước thượng nguồn giảm, nắng nóng, dòng chảy của sông Mê Kông đã biến dạng hoàn toàn.

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của từng hộ gia đình cùng tham gia phòng chống hạn mặn, sống chung với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác trữ nước ở từng gia đình, có giải pháp tiết kiệm nguồn nước.

Đồng thời, cần gắn kết giữa nguồn nước và trồng trọt, quy hoạch lại dân cư trong không gian sống và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn chỉnh dự án dữ liệu cấp quốc gia, tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân vùng ĐBSCL phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng phải có một chiến lược tổng thể hơn cho câu chuyện hạn mặn của ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng phải có một chiến lược tổng thể hơn cho câu chuyện hạn mặn của ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng phải có một chiến lược tổng thể hơn cho câu chuyện hạn mặn của ĐBSCL. Theo Bộ trưởng, câu chuyện của ĐBSCL chính là câu chuyện của nông nghiệp. Cần có nghiên cứu nhịp nhàng có sự gắn kết giữa ngành trồng trọt và thủy lợi để chủ động thích ứng hơn. Như trong trồng trọt cần quy hoạch lại mùa vụ.

“Thiệt hại lúa tại ĐBSCL, trong đợt hạn vừa rồi chúng tôi cũng phân tích chỗ nào mà xuống giống theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp thì chỗ đó không bị thiệt hại. Chỗ nào do người dân thấy giá lúa lên cao hay ngành NN-PTNT không khuyến cáo thì chỗ đó bị thiệt hại. Đây là dẫn chứng cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa thủy lợi và trồng trọt”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Do đó, Bộ NN-PTNT cũng sẽ đề nghị quản lý các cống điều tiết mặn ngọt theo hệ thống, quản lý liên vùng, theo khu vực chứ không nên cục bộ.  

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng cho rằng cần thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng dự án cấp nước sạch cho 30.000 hộ dân vùng khó khăn ở các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt các tỉnh ven biển, liên quan đến hạn mặn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Phát biểu kết luận buổi làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà  ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh trong vùng đã chủ động có những giải pháp hữu hiệu ứng phó với hạn mặn nên đến thời điểm này chưa gay gắt như năm 2019-2020 và chưa gây thiệt hại nào nghiêm trọng cho sản xuất, kinh doanh, nước sinh hoạt có khan hiếm cục bộ, nhưng chính quyền các địa phương đã có phương án đồng bộ, kịp thời, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong mùa khô hạn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý các địa phương vùng ĐBSCL cần rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống hạn mặn, đánh giá lại nguồn nước ngầm, có giải pháp chủ động sống chung hạn mặn theo từng địa bàn, khép kín các hệ thống thủy lợi, triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước sắp có hiệu lực.

ĐBSCL còn phải đối mặt 3 đợt hạn mặn

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn - Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho hay, thời gian tới, dự báo hiện tượng El Nino đã chuyển sang trung tính và sẽ chuyển sang Lanina. Song, tác động của hiện El Nino vẫn còn nhưng không kéo dài. Cụ thể, nắng nóng dự báo còn dài đến khoảng 20/4, hơn 10 ngày nữa.

Từ 20/4 trở đi sẽ có những cơn mưa trái mùa nhưng không liên tục, chỉ giải quyết vấn đề nắng nóng và cung cấp một lượng nước không đáng kể, chỉ làm dịu đi vấn đề căng thẳng của tình hình hiện nay. Mùa mưa năm nay đến muộn so với mọi năm và khoảng 10-15 ngày, chính vì vậy từ 10-15/5 mới bắt đầu có những cơn mưa dài hơn và lúc đó tình hình hạn hán mới được khắc phục và khoảng ngày 20/5 trở đi thì mùa mưa mới chính thức bắt đầu ở Nam bộ.

Từ nay đến cuối mùa khô, ĐBSCL còn phải đối mặt với 3 đợt xâm nhập mặn nữa. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 8-13/4, đợt 2 từ ngày 22-28/4 và đợt 3 từ ngày 7 đến 11/5. Độ mặn 4 phần nghìn, trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập từ 70-95km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 50-62km; sông Hàm Luông từ 60-68km; sông Cổ Chiên từ 45-55km; Sông Hậu từ 40-45km; sông Cái Lớn 45-50km.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.