| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng nhanh với Hiệp định UKVFTA

Thứ Ba 14/11/2023 , 08:38 (GMT+7)

Hiệp định UKVFTA được ký kết tạo cơ hội lớn đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào Vương quốc Anh, doanh nghiệp nắm vững quy định thị trường nhập khẩu là cần thiết.

Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu

Ngày 9/11, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) tổ chức Diễn đàn tuyên truyền, thực thi cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).

Diễn đàn nhằm mục tiêu cung cấp thông tin về những cam kết của Việt Nam đối với các biện pháp SPS trong Hiệp định UKVFTA. Giải đáp vướng mắc của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân thuộc các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ trong quá trình tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến và thực thi các cam kết SPS trong thương mại nông sản.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, việc phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thích ứng nhanh với các quy định của thị trường nhập khẩu là rất cần thiết. Ảnh: Kim Anh.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, việc phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thích ứng nhanh với các quy định của thị trường nhập khẩu là rất cần thiết. Ảnh: Kim Anh.

Thông tin từ ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đến nay Việt Nam đã tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã ký kết chính thức. Một số FTA được đánh giá là thế hệ mới, với nhiều cam kết sâu rộng và toàn diện về quy định an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật trong xuất khẩu nông sản.

Điển hình, Hiệp định UKVFTA có những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính. Hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP giữa ASEAN và 5 nước: Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Newzealand, Trung Quốc cũng đưa ra các thỏa thuận, điều khoản, bắt buộc doanh nghiệp phải thích ứng.

Do đó, ông Nam cho rằng, việc phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương thích ứng nhanh với các quy định của thị trường là rất cần thiết. Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam có 7 đơn vị hỗ trợ kỹ thuật đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ sẽ cùng đồng hành để giải quyết các vấn đề chuyên môn sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Mới đây, HTX trái cây sinh học OCOP ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đơn vị xuất khẩu trực tiếp khoảng 10.000 tấn trái cây có múi sang thị trường châu Âu và một số quốc gia khác, đã có văn bản gửi đến Văn phòng SPS Việt Nam mong muốn được hướng dẫn các thủ tục về kiểm dịch thực vật phù hợp với quy định.

HTX trái cây sinh học OCOP đang xây dựng chứng nhận Chanh organic tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh: Kim Anh.

HTX trái cây sinh học OCOP đang xây dựng chứng nhận Chanh organic tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh: Kim Anh.

Cụ thể, HTX này đã hợp tác với nhiều nông dân trong tỉnh và một số địa phương như Đồng Nai, Tây Ninh… tổ chức sản xuất, chuẩn bị hồ sơ xin cấp chứng nhận “Chanh organic tiêu chuẩn châu Âu”. Tuy nhiên, đối với các loại trái cây có múi nói chung và chanh không hạt nói riêng khi đưa vào thị trường châu Âu buộc phải qua xử lý kiểm dịch bằng dung dịch sodium hoặc calcium hypochlorite 200ppm trong 2 phút. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, chất calcium hypochlorite không nằm trong danh mục được phép sử dụng trực tiếp lên sản phẩm.

Sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ doanh nghiệp, Văn phòng SPS Việt Nam hiện đang phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho HTX.

Tổng quan quy định kiểm dịch thực vật thị trường Anh

Thống kê từ Văn phòng SPS Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD.

Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, 85,6% dòng thuế được xóa bỏ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh. Đến năm 2027, dự kiến con số này sẽ tăng lên 99,2%. Đặc biệt, sau khi Vương quốc Anh hoàn tất các thủ tục để trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2024. Điều này, dự báo những sản phẩm có tiềm năng lớn của Việt Nam như: Gạo thơm, cá ngừ, mật ong … nhất là nông sản, rau quả, thực phẩm sẽ tăng mạnh tại quốc gia này, nhờ ưu đãi thuế quan.

Một số mặt hàng trái cây như khóm, kiwi, dừa, sầu riêng, chuối, xoài, chanh dây… không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu vào thị trường Anh. Ảnh: Kim Anh.

Một số mặt hàng trái cây như khóm, kiwi, dừa, sầu riêng, chuối, xoài, chanh dây… không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu vào thị trường Anh. Ảnh: Kim Anh.

Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, Vương quốc Anh sẽ dần thay đổi các biện pháp SPS. Thống kê, 10 tháng năm 2023, cơ quan này đã cập nhật 1.000 thông báo liên quan đến các biện pháp về thay đổi biện pháp SPS xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ các quốc gia thành viên WTO. Trong đó, Vương quốc Anh có 23 thông báo dự thảo thay đổi trong năm 2023.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), quy định về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật của Vương quốc Anh và Bắc Ai Len được phân chia thành 6 nhóm mặt hàng. Bao gồm: Cây giống; Hoa quả; Hạt giống; Hoa cắt cành, các bộ phận của cây và rau; Củ kể cả khoai tây; Các loại máy móc, phương tiện phục vụ nông, lâm nghiệp.

Quốc gia này sẽ thực hiện 5 mức kiểm soát kiểm dịch thực vật. Thứ nhất là bị cấm, hàng hóa từ nước ngoài vào thị trường Anh phải có giấy phép hoặc giấy bảo lãnh.

Thứ hai là bị cấm, và phải được Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn nước này đánh giá nguy cơ, sau đó cơ quan chuyên môn sở tại sẽ có biện pháp quản lý đối với từng nguy cơ.

Thứ ba là được quản lý và thông báo, sản phẩm khi xuất nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và thông báo trước về việc nhập khẩu. Giấy chứng nhận này do nước xuất khẩu cấp. Tại Việt Nam, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu do các Chi cục kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật thực hiện. Vùng ĐBSCL, có Chi cục kiểm dịch thực vật vùng IX chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận này.

Thứ tư, mức kiểm soát được quản lý, đối với sản phẩm thuộc diện này, hàng hóa bắt buộc phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Thứ năm, là sản phẩm không phải kiểm soát, đồng nghĩa sản phẩm không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc phải thông báo trước.

Ngoài ra, theo quy định về kiểm dịch thực vật, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản là không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Đồng thời phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho hầu hết tất cả các loại cây và bộ phận sống của cây, bao gồm tất cả hạt giống để trồng.

Riêng với vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15). Một số mặt hàng trái cây (khóm, kiwi, dừa, sầu riêng, chuối, xoài, chanh dây…), rau quả đã được chế biến và đóng gói (salad, bánh mì, nguyên liệu đông lạnh), sản phẩm tổng hợp (bơ hạt, hạt có chứa trái cây) không cần giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Các doanh nghiệp tham quan và tìm hiểu thực tế hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Công ty TNHH trái cây Mekong – Đơn vị có 90% thị phần xuất khẩu sang các quốc gia: Mỹ, Canada, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc. Ảnh: Kim Anh.

Các doanh nghiệp tham quan và tìm hiểu thực tế hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Công ty TNHH trái cây Mekong – Đơn vị có 90% thị phần xuất khẩu sang các quốc gia: Mỹ, Canada, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc. Ảnh: Kim Anh.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ ra một số đối tượng kiểm dịch của Vương quốc Anh đã phát hiện ở Việt Nam như: Bệnh héo vi khuẩn, Bọ phấn thuốc lá, Sâu khoang, Ruồi đục lá rau cần tây… Đặc biệt, Ruồi đục lá hại rau thuộc diện nguy cơ cao có mặt trên sản phẩm.

Do đó, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo tùy từng đối tượng kiểm dịch thực vật, bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ lựa chọn các biện pháp quản lý phù hợp.

Đối với phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) với các biện pháp quản lý từ giống, canh tác, biện pháp sinh học và hóa học... bà con nông dân nếu được hướng dẫn sẽ biết cách phòng trừ bệnh đúng cách, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết chính thức vào ngày 29/12/2020.

Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.