Văn phòng SPS Việt Nam thường xuyên tổ chức phổ biến hướng dẫn cũng như giải đáp thắc mắc, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX xuất khẩu nông sản thực phẩm vào thị trường EU.
SPS hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản thực phẩm vào EU
EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm quan trọng của Việt Nam, nhưng để khai thác hiệu quả thị trường này và giảm thiểu các rủi ro không đáng có cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, vận chuyển nông sản, thực phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật thường xuyên các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của thị trường EU và tổ chức phổ biến hướng dẫn cũng như giải đáp thắc mắc, vướng mắc của doanh nghiệp, HTX trong quá trình đáp ứng các quy định SPS khi xuất khẩu nông sản thực phẩm vào thị trường EU.
PV Ông ĐẶNG ĐÌNH LONG, Chủ tịch HĐQT tập đoàn MEGA A, Tổng giám đốc công ty MEGA A Logistics
Đây là những cái bước đi rất là thiết thực, rất là cụ thể để mang hàng hóa của Việt Nam đi đến các thị trường quốc tế một cách nhanh chóng, thuận lợi và giảm thiểu chi phí. Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong Logistics xuyên biên giới và quản lý chuỗi cung ứng, nhất là về nông sản và thực phẩm. Bởi vì các tiêu chuẩn có hài hòa các quy định của nước quốc gia xuất khẩu cũng như quốc gia nhập khẩu thì sẽ làm cho sản phẩm sẽ được giao thương một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn và xóa bỏ đi các rào cản.
PV Bà BÙI THỊ MINH THẢO, Phó Giám đốc HTX Phước Tiến, Bù Đăng, Bình Phước
Hiện tại hợp tác xã của chúng tôi là trong 2023 đang xây dựng mã số vùng trồng và sẽ tiếp tục phát triển. Hiện tại thì chúng tôi vẫn đang tập trung phát triển sản phẩm chất lượng cao, đầu tư cho nông dân về thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các sản phẩm phân hữu cơ. Trong năm 2024 sắp tới chúng tôi sẽ định hướng đẩy mạnh việc phát triển sầu riêng chất lượng cao. 30 % sẽ dành hàng chất lượng cao cho thị trường trong nước và 70 % sẽ dành sản phẩm cho thị trường Trung Quốc.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023, EU đưa ra 3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, trong đó chỉ có 55 cảnh báo đối với nông sản thực phẩm từ Việt Nam, giảm khoảng 15 % so với năm 2022. Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 cảnh báo, tiếp đó là sản phẩm thủy sản với 19 cảnh báo, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác 13 cảnh báo. Trong số các cảnh báo trên, sản phẩm bị vi phạm do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép chiếm 58 %, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9 % và vi phạm khác chiếm 33 %.
PV Tiến sĩ NGÔ XUÂN NAM, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
Một sản phẩm nông sản thực phẩm mà chúng ta sản xuất để xuất khẩu sang thị trường EU thì bắt đầu đòi hỏi yêu cầu từ vùng trồng phải đáp ứng được các quy định về mức dư lượng, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau đó đến quá trình sơ chế, chế biến thì các nhà máy phải đáp ứng được quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa kể câu chuyện về sử dụng lao động, về nguồn gốc sản phẩm phải đáp ứng được vấn đề về tăng trưởng xanh, về phát triển bền vững, về sử dụng con người, sau đó đến quá trình vận chuyển Logistics sang đến nước bạn và đến tay người tiêu dùng. Toàn bộ chuỗi này đặc biệt quan trọng để chúng ta đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hay nói cách khác làm thế nào để chúng ta sản xuất, đáp ứng được tín hiệu thị trường.
Cũng theo Văn phòng SPS Việt Nam, với Hiệp định EVFTA, về cơ bản Việt Nam đã và đang thực thi tốt cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong thương mại nông sản thực phẩm với thị trường EU. Tuy nhiên, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này.
Nếu tuân thủ đúng các quy định SPS trong EVFTA, EU có thể xem xét giảm dần tần suất kiểm tra, giảm quy định thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU. Ngược lại, nếu không tuân thủ, hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.