| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội cho xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Anh

Thứ Ba 12/01/2021 , 02:01 (GMT+7)

Bước sang năm 2021, Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực. Đây có phải là cơ hội tốt cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Anh?

Cá Tra là một trong những mặt hàng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh theo Hiệp định UKVFTA. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cá Tra là một trong những mặt hàng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh theo Hiệp định UKVFTA. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Hiệp định UKVFTA) đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực kể từ 23 giờ ngày 31/12/2020.

Việc ký kết Hiệp định UKVFTA sẽ tạo thêm cơ hội lớn cho nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Bởi Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm.

Các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cà phê, hạt tiêu … Sau khi Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam sẽ có thêm những cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Hiệp định UKVFTA bên cạnh các ưu đãi về thuế quan sẽ đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Về phía Việt Nam, đây là động lực quan trọng thúc đẩy việc cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đích, cụ thể là thị trường Anh - quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm cao. Chất lượng đầu ra được cải thiện không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Anh mà còn đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khác.

Về thủy sản, Anh là một trong những thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới, khoảng 4,4 tỷ USD/năm. Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính sang Anh là Trung Quốc, Ireland, Thụy Điển … Đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Anh hiện đang là thị trường lớn nhất ở châu Âu. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt 322 triệu USD, tăng tới 24,1% so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, thị phần của thủy sản Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của Anh hiện vẫn còn khiêm tốn (chiếm khoảng 6,7%).  Chính vì vậy, với UKVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng thị phần ở Anh.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản ở Anh. Người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm thủy sản dễ tiêu thụ ở nhà, dễ bảo quản, dễ chế biến, tiện dụng và có mức giá trung bình thấp. Do đó, cá tra đông lạnh của Việt Nam đang là một lợi thế lớn và là điểm sáng ngành thủy sản xuất khẩu sang Anh hiện nay. Việt Nam đang là nhà cung cấp cá Tra hàng đầu với mức giá phù hợp và quy trình chế biến của nhiều doanh nghiệp Việt Nam được thị trường EU và Anh chấp nhận.

Về gỗ và sản phẩm gỗ, Anh là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn thành phẩm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh trong giai đoạn năm 2016 – 2019 đạt trung bình 3,9 tỷ USD/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ là 2,5%/năm.

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào Anh với giá trị xuất khẩu 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của Anh. Dẫn đầu hiện đang là Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan và Mỹ. Riêng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 3 cho Anh với giá trị 224 triệu USD.

Hoạt động xuất khẩu đồ gỗ sang Anh có nhiều cơ hội vì sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường này đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Với Hiệp định UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2 - 10%). Do đó, ngành gỗ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này.

Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA (nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất lớn nhất tại Anh).

UKVFTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.

Với UKVFTA, Anh giành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) hơn 13 ngàn tấn gạo/năm, gồm: 3.356 tấn gạo đã xát; 5.001 tấn gạo đã xay; 5.001 tấn gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại. Ngoài ra, Anh còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng TRQ đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Hạn ngạch thuế quan một số mặt hàng nông sản khác xuất khẩu sang Anh theo UKVFTA: tinh bột sắn 12.215 tấn/năm; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao 2.724 tấn/năm; cá ngừ 1.566 tấn/năm; ngô ngọt 681 tấn/năm; trứng và lòng đỏ trứng gia cầm 68 tấn/năm; surimi 68 tấn/năm; tỏi 54 tấn/năm; đường đặc biệt 54 tấn/năm; nấm 48 tấn/năm.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2025

Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành gần 170 km các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, nhằm cơ bản nối thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.