Đây là nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng và gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có hàng chục nghìn người nghèo, cận nghèo.
Theo quyết định mới ban hành của tỉnh Quảng Ninh, nhóm lao động tự do tại các quán ăn, các điểm hoạt động du lịch, dịch vụ sẽ được nhận hỗ trợ nếu bị ngừng việc trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Căn cứ số ngày nghỉ việc thực tế do yêu cầu phòng chống Covid-19, những đối tượng này được nhận hỗ trợ ở mức 50.000 đồng/người/ngày.
Cùng với đó, nhóm lao động tự do, người thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hoá; lái xe mô-tô, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số, thợ cắt tóc, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điếm cố định; người làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; thợ xây, thợ sơn, thợ các công trình xây dựng... cũng được thụ hưởng khoản hỗ trợ này khi phải dừng việc do yêu cầu của chính quyền để phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài các nhóm đối tượng nêu trên, Quảng Ninh cũng triển khai những chính sách riêng đặc thù, hỗ trợ khoảng 14.000 hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và chuẩn nghèo của tỉnh Quảng Ninh. Các đối tượng này phải không thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và bảo hiểm xã hội theo các quy định.
Hiện Quảng Ninh đã hỗ trợ khoảng 200.000 đối tượng với số tiền trên 68 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh đã chủ động rà soát, tiếp cận hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ vay vốn, giải ngân cho vay trả lương ngừng việc cho 2 doanh nghiệp với 56 lao động, tổng số tiền trên 610 triệu đồng.