Theo Sở NN-PTNT Hòa Bình, đây hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc “Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc năm 2022” tổ chức tại tỉnh Hòa Bình.
Tọa đàm được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho hợp tác xã (HTX), nông dân trao đổi, thảo luận cùng các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách trong công tác phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP; chia sẽ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc. Từ đó, cùng nhau đưa ra những giải pháp trong sản xuất, đi tới thống nhất định hướng phát triển sản phẩm nông sản của tỉnh, hướng tới cung cấp những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: Trong năm 2022, ngành NN-PTNT Hòa Bình tập trung đẩy mạnh việc phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao, sản phẩm OCOP để phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, hoạt động này đã có những chuyển biến rất tích cực, giá trị, giá bán các loại nông sản không ngừng tăng lên, giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.
Theo ông Hùng, năm 2022, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp ước đạt 4,84%, giá trị sản xuất đạt 12.500 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt 7.200 tỷ đồng (tăng trưởng 5,23%); chăn nuôi đạt 3.800 tỷ đồng (tăng 3,7%); lâm nghiệp đạt hơn 1.100 tỷ đồng (tăng 3,5%); thủy sản đạt 347 tỷ đồng...
Diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh hơn 9.600 ha, sản lượng dự kiến hơn 166.000 tấn. Nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao đã và đang từng bước được mở rộng và phát triển như cây gai xanh...
Về sản phẩm OCOP, năm 2022 tỉnh Hòa Bình có thêm 23 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 123 sản phẩm.
Về xuất khẩu, hiện tại Hòa Bình đã có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đi thị trường các nước như nhãn, mía, chuối... Dự báo, năm nay tỉnh sẽ có trên 1.000 tấn nông sản xuất khẩu đi thị trường các nước, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc...
Ông Vương Đắc Hùng thông tin thêm: Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lớn đối với các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế phục vụ chế biến và xuất khẩu; nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nông sản cho các chủ thể; phát triển đa dạng các hình thức quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, xuất khẩu để từng bước nâng cao giá trị cho các loại nông sản...
Trên cơ sở đó, tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề xoay quanh việc phát triển vùng nguyên liệu, chỉ ra những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là những loại nông sản có thế mạnh như bưởi, cam, mía...
Các đại biểu kiến nghị: UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Hòa Bình sớm ban hành đề án phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và những chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách thiết lập, giám sát mã số vùng trồng; chính sách hỗ trợ cước vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đối với các loại sản phẩm như mía ăn tươi, quả có múi, chuối; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản đối với nhóm sản phẩm phục vụ chế biến như dong riềng, chè và một số cây trồng khác.
Ngoài ra, đầu tư nguồn lực về kinh phí để hỗ trợ cơ sở sản xuất, chế biến đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu như (ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...); hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kho lạnh bảo quản sản phẩm, bao bì, tem truy xuất và xây dựng các mô hình, dự án về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Nhiều hộ sản xuất cũng đề nghị các doanh nghiệp, chủ động xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu, trong đó đưa ra các yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, thời điểm thu mua, giá thu mua; kịp thời thu mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch, tuân thủ các cam kết hoặc hợp đồng đã ký với người sản xuất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ ban đầu để giảm bớt khó khăn về tài chính cũng như tạo niềm tin cho người sản xuất...