| Hotline: 0983.970.780

Chính sách tốt, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai không ngừng mở rộng

Thứ Ba 16/08/2022 , 13:31 (GMT+7)

Trong bối cảnh giá đường ổn định mức cao, Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) tiếp tục có nhiều chính sách để mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu mía.

Cạnh tranh gay gắt thu mua nguyên liệu mía

Trong niên vụ ép 2021-2022,Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, đã thu hoạch được 21.170ha mía đứng, tổng sản lượng mía toàn vùng đạt 1.343.787 tấn. Trong đó, sản lượng mía nhà máy thu mua để sản xuất và làm giống là 1.203.787 tấn, chiếm 89,6% sản lượng mía toàn vùng. Sản lượng mía được bán cho Nhà máy Đường AyunPa và Kon Tum là 140.000 tấn, chiếm 10,4% sản lượng mía toàn vùng.

Qua kết quả thu mua mía nguyên liệu trong niên vụ ép 2021-2022 cho thấy, công tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê trong niên vụ vừa qua đã đạt được kết quả khả quan, sản lượng mía toàn vùng tăng cao. Năng suất mía do nhà máy đầu tư đạt năng suất bình quân 65,5 tấn/ha; trong đó, năng suất mía đầu tư cơ giới trồng máy đạt 70,7 tấn/ha, năng suất mía đầu tư cơ giới rạch hàng thủ công đạt 62,8 tấn/ha, năng suất mía đầu tư đại trà đạt 59,2 tấn/ha.

Trong niên vụ 2021-2022 vừa qua, sản lượng mía Nhà máy Đường An Khê thu mua để sản xuất và làm giống là 1.203.787 tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Trong niên vụ 2021-2022 vừa qua, sản lượng mía Nhà máy Đường An Khê thu mua để sản xuất và làm giống là 1.203.787 tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 63,5 tấn/ha; trong đó, năng suất mía bình quân cao nhất thuộc huyện Kong Chro đạt 73,5 tấn/ha, năng suất bình quân thấp nhất thuộc thị xã An Khê đạt chỉ 50,2 tấn/ha.

Nguyên nhân năng suất mía bình quân ở huyện Kong Chro đạt mức cao là nhờ vùng đất này được khai thác chưa nhiều, nên hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng trong đất còn nhiều; diện tích được trồng thửa lớn, trồng tơ hàng năm nhiều, tỷ lệ thực hiện cơ giới hóa trong các công đoạn cày, trồng, chăm sóc cao. Bên cạnh đó, trong niên vụ này, thời điểm mía vươn lóng, thời tiết tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, bón phân tập trung; lượng mưa đều và nhiều hơn vùng mía phía Bắc huyện Kbang và thị xã An Khê.

“Tuy sản lượng mía trên toàn vùng cao là vậy, nhưng kết quả thu mua mía của Nhà máy Đường An Khê đạt thấp hơn so kế hoạch đề ra. Bởi, sức cạnh tranh giá mua mía của các nhà máy khác khá gay gắt khi giá đường trong nước ổn định mức cao. Tình trạng cạnh tranh không sòng phẳng của các nhà máy trong vùng đã gây xáo trộn, mất ổn định vùng mía, thất thoát sản lượng mía trong vùng”, ông Nguyễn Hoàng Phước bộc bạch.

Diện tích vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê sản xuất trong niên vụ 2022-2023 trên địa bàn hiện có 25.060ha. Ảnh: V.Đ.T.

Diện tích vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê sản xuất trong niên vụ 2022-2023 trên địa bàn hiện có 25.060ha. Ảnh: V.Đ.T.

Hiệu quả đầu tư vùng nguyên liệu

Chính sách bảo hiểm giá thu mua mía liên tiếp 3 vụ của Nhà máy Đường An Khê đã tạo động lực, niềm tin cho nông dân trên toàn vùng mía yên tâm sản xuất. Vào đầu vụ thu hoạch, nhà máy ban hành giá thu mua mía nguyên liệu ở mức cao và tăng dần vào cuối vụ đã giúp người sản xuất, kinh doanh mía trên địa bàn có lãi, nên mức đầu tư chăm sóc mía tăng cao.

Quỹ đất mở rộng trồng mới còn khá cao, thêm vào đó nguồn giống mới chất lượng đủ đáp ứng cho nhu cầu trồng mới để thay thế các giống mía cũ đã thoái hóa. Đặc biệt, Nhà máy Đường An Khê cùng Xí nghiệp Cơ giới nông nghiệp (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã phối hợp điều hành linh hoạt theo từng thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế từ khảo sát vùng đất; xác lập kế hoạch, triển khai cày, trồng, chăm sóc mía; đồng thời kết hợp năng lực máy cày của tư nhân đáp ứng nhu cầu tiến độ, thời vụ trồng mới để phục hồi diện tích mía trên toàn vùng nguyên liệu.

“Quyết định áp dụng thuế chống phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với 1 số sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công thương đã tác động đến giá đường trong nước tăng ổn định, tạo cho người sản xuất, kinh doanh mía trên địa bàn có tâm lý tốt, mạnh dạn đầu tư phát triển cây mía”, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê Nguyễn Hoàng Phước cho hay.

Vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê cơ giới hóa khâu làm đất. Ảnh: V.Đ.T.

Vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê cơ giới hóa khâu làm đất. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Phước, trong niên vụ này diện tích mía trồng tơ trên toàn vùng tăng 9.126ha, chiếm 36,4% diện tích mía toàn vùng. Trong đó, diện tích mía trồng tơ được cơ giới hóa là 5.571ha, đạt 101,3% kế hoạch, chiếm 61% tỷ lệ mía trồng tơ trên toàn vùng. Trong vùng nguyên liệu đã hình thành 1 số mô hình có diện tích thửa lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng giống mới, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng mía làm tăng hiệu quả sản xuất.

Thống kê cho thấy, diện tích mía cho niên vụ 2022-2023 trên địa bàn hiện có 25.060ha, năng suất bình quân dự kiến đạt 67 tấn/ha, sản lượng mía toàn vùng dự kiến đạt 1,68 triệu tấn. Nhà máy Đường An Khê đưa ra kế hoạch trong 2 vụ đến, diện tích mía trồng mới trên toàn vùng mỗi vụ đạt 9.000ha; trong đó, diện tích mở rộng mỗi vụ từ 4.500-5.000ha, nâng tổng diện tích mía toàn vùng trong vụ thu hoạch 2024-2025 lên 30.000ha, sản lượng mía dự kiến đạt 2,1 triệu tấn.

Để đạt được kết quả trên, trong thời gian tới, Nhà máy Đường An Khê sẽ phát huy những yếu tố thuận lợi, tận dụng nguồn quỹ đất, thiết bị cơ giới và giống mới để phục hồi, phát triển diện tích mía trên toàn vùng. Giữ ổn định diện tích mía đứng, đảm bảo mở rộng tăng diện tích toàn vùng lên 3.000ha/vụ, sản lượng mía tăng thêm hơn 200.000 tấn/vụ.

Vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê cơ giới hóa khâu chăm sóc mía. Ảnh: V.Đ.T.

Vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê cơ giới hóa khâu chăm sóc mía. Ảnh: V.Đ.T.

“Để năng suất bình quân cây mía trên toàn vùng đạt 70 tấn/ha, chúng tôi sẽ thực hiện cơ giới hóa 6.000ha mía trồng tơ/vụ, nâng tỷ lệ diện tích cơ giới hóa trong toàn vùng đạt tỷ lệ 60%. Lập phương án đánh giá phân loại đất, nhóm đất, vùng đất… để có kế hoạch đầu tư, áp dụng các giải pháp canh tác linh hoạt, phù hợp với thực tế đồng ruộng, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Nhà máy tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giống mía xây dựng ruộng nhân giống mía sạch bệnh trên từng địa bàn, hướng dần đến việc đầu tư trực tiếp nguồn giống cho nông dân để kiểm soát tỷ lệ  cơ cấu giống, hạn chế mầm bệnh phát sinh”, ông Nguyễn Hoàng Phước chia sẻ.

“Chúng tôi sẽ tính toán, điều hành linh hoạt giá thu mua mía phù hợp với từng giai đoạn của thị trường, giữ bình ổn, ít biến động giảm sâu, đảm bảo hài hòa lợi nhuận giữa nhà máy và người trồng mía. Tăng cường công tác quản lý mua mía theo chất lượng thực tế để kích thích nông dân chăm sóc mía đúng quy trình, sử dụng giống chất lượng, từng bước hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.