| Hotline: 0983.970.780

“Hóa kiếp” đào rừng

Thứ Tư 30/01/2008 , 10:25 (GMT+7)

Tây Bắc được mệnh danh là xứ sở của đào phai. Tết đến, khi cây đào vào “thì con gái”, đua săc cùng đất trời thì những cây đào cổ thụ của rừng bị mang về thành phố “hóa kiếp” trong mấy ngày tết.

Độ trung tuần tháng Chạp, nếu rong xe từ Tây Bắc về, dễ mắc nghẽn trong những chiếc xe cồng kềnh, tua tủa cành đào. Tất cả được tuồn về Hà Nội để phục vụ tết.

Người Mộc Châu (Sơn La), ai cũng xót xa cho những cánh đào rừng ngày càng héo mòn. Nhưng ngược lại họ cũng không cưỡng lại được sức mạnh của đồng tiền. Họ cầm dao vào rừng, mải miết phang được cành đào nào lại túa ra quốc lộ 6 để bán. Với nhiều người, công việc này sẽ đem lại một cái tết “ấm”. Cũng tùy từng giá cả mà hét. Cành nhỏ thì trăm nghìn, còn có những gốc cổ thụ to vật vã thì tiền triệu mới được mó tay vào.  Anh Tráng A Lênh ở xã Lóng Luông ( Mộc Châu) thật thà rằng: “Cũng biết phá đào rừng là không nên nhưng mà Tết cũng phải kiếm cho mấy cái… tầu há mồm cái bánh chưng chứ?”. Có vẻ như xót xa mà rất thực tế.

Anh Lênh nói rằng, từ lâu lắm rồi, tết đến vào rừng săn đào đã là…nghề của người dân trong bản. Trước đây, QL6 chưa làm xong thì giá cả bèo bọt, nay thì “cười nói rổn rảng rồi”. Lênh huy động cả vợ, con và thuê người vào rừng để lùng, sang cả mạn Sốp Cộp, Sông Mã, lần mò cả vài tháng trước tết. Chẳng giấu gì, Lênh khoe rằng đã bỏ túi hàng chục triệu mỗi vụ.

Ở Mộc Châu, đào người dân tự trồng cũng lên tới cả trăm ha. Nhưng đó chỉ là thứ đồ chơi lặt vặt. Theo Lênh, giới sành chơi bây giờ không chơi hoa đào đẹp nữa mà chơi gốc đào cổ thụ. Càng to càng quý. Mà cái món này thì chỉ có rừng “đẻ” ra được chứ trồng thì đến "mùa quýt" cũng chẳng thể có hàng độc. Vì thế, đội quân vào rừng ngày càng nhiều hơn. Lênh cũng thật thà bảo: “Với cánh buôn đào, mỗi năm chỉ cần mua được vài cây đào độc thì được một cái Tết đề huề rồi. Do vậy việc săn đào đẹp ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Các thợ “săn”càng phải đi sâu hơn vào các bản biên giới. Núi cao, rừng thẳm ở Sơn La, nơi nào cũng có dấu chân của cánh săn đào. Bây giờ, đào rừng đã hiếm lắm rồi”

Nhiều người sẽ cho rằng, cây đào cũng chỉ là thứ… mua vui trong dịp Tết, nó cũng chẳng phải là vàng bạc châu báu gì. Nhưng, hãy nghe ông Tràng A Sầu, 65 tuổi ở nông dân xã Phiêng Luông: “Rồi cây đào rừng cũng vắng như con hổ, con báo thôi…”. Không đáng ngậm ngùi sao?

Anh Giàng A Pẩu ở xã Vân Hồ là người săn đào rừng cự phách phân tích: “Đào rừng có 2 loại: Đào mốc, giống đào của người Mông, nụ ít, nhưng mập, hoa nở có màu hồng nhạt. Đào mốc thường mọc trong rừng sâu, trên các núi đá và khe suối nên thân và cành sần sùi, thô ráp. Nhiều cây còn có một lớp rêu phủ. Loại đào này khó kiếm nhưng luôn được giá. Loại thứ hai là đào phai, thân và cành chắc khoẻ, nụ nhiều, hoa nở có màu phớt hồng”. Pẩu cho hay, cả nửa năm trước, anh đã nhận được kế hoạch mua đào ở người xuôi. Pẩu nhận tiền rồi lùa đội quân vào rừng.

Năm ngoái anh Pẩu mua được trên 100 gốc đào mốc. Mua tại vườn của người Mông giá chỉ có 150.000đ/cây nhưng khi về đến QL6, nó được phù phép lên tới 500.000 đồng. Sau đó, nó được chuyển về Hà Nội hoặc Hà Đông và “phát tán” đi khắp nơi với giá cả tùy vào túi tiền người chơi.

Lang thang ở Nghi Tàm, Âu Cơ ( Hà Nội) vào những ngày này, sẽ chạm chán với cơ man là đào rừng. Đào rừng gần như thống trị vùng đào nổi tiếng Nhật Tân. Những “của độc” này luôn được hét giá cắt cổ. Một cành đào rừng mốc “có dáng” giá lên tới 7-8 triệu đồng. Cành trung bình cũng có giá 2-2,5 triệu đồng. Cành rẻ nhất khoảng 500.000 đồng. Trong khi đó, đào cành Nhật Tân chỉ có giá bằng nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3.

Những gốc đào mốc cổ thụ, to độ vài gang tay trở lên lại điểm ít hoa thì được bảo quản và trưng bày ở khu VIP, giá niêm yết nhìn qua thì...choáng, độ từ 15 – 20 triệu đồng. Anh Quách Thanh Mừng – một chủ hàng cho hay, chỉ có những siêu thị, khách sạn sang… mới dám xài những của độc đó, mà thường thì cũng phải đặt lịch trước. Còn nếu chỉ thuê chơi trong dịp tết thôi thì cũng chừng mươi triệu

Trái lại, thân phận cây đào Nhật Tân lại có vẻ ngậm ngùi – anh Mừng cho hay. Bởi theo khảo sát của chúng tôi, cành đào được coi là đỉnh nhất của Nhật Tân cũng chỉ cỡ độ 10 - 15 triệu đồng, thua xa cái giá của đào rừng…

Vào xã Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La, nơi được coi là thủ phủ của đào, người dân bảo, chính họ kiếm những cành đào đẹp chơi tết không phải là chuyện đơn giản. Những vựa đào nổi tiếng như Lóng Luông, Phiêng Luông, Vân Hồ (Mộc Châu) nay cũng dần vơi cạn, hoặc biến mất hẳn như vùng Chiềng Ngần…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất