Hoa Kỳ không có một hệ thống “trường chuyên" chính thống với nghĩa như một trường độc lập như hệ thống trường chuyên ở Việt Nam, vận hành bằng tiền thuế của dân. Bài này điểm qua vài nét về giáo dục phổ thông ở Hoa Kỳ và các loại trường.
Tất cả mọi trẻ em ở Hoa Kỳ, bất kể là con cái của công dân, thường trú nhân, hay của những người nhập cư trái phép, có “hộ khẩu” hay không, đều được quyền đi học 12 năm đến hết bậc phổ thông, gọi là K-12. Tất cả đều miễn phí. Mà cũng không phải chỉ là “được học”, tất cả trẻ em đều có nghĩa vụ phải đến trường. Học hết lớp 12 rồi thì tự chọn hoặc học nghề hoặc đi làm, hoặc tùy khả năng và ước muốn, nộp đơn xin vào một trường Đại học (University) hay Cao đẳng cộng đồng (Community College).
Học sinh quốc tế cũng được chào đón đến Hoa Kỳ học, nếu chứng minh được khả năng tài chính. Đó là đủ tiền nộp học phí và chi cho các sinh hoạt cần thiết, cùng với có một chỗ ở (cần người bảo trợ). Nếu được chấp thuận, các học sinh không có mục đích di dân sẽ được visa I-20 để học trong suốt chiều dài của chương trình học.
Học sinh quốc tế thì không hợp lệ để xin học bổng của chính phủ (vì đó là tiền thuế của dân), nhưng tùy trường và có thể được cấp học bổng, tuy hiếm. Những trường sinh viên quốc tế có thể xin học thường là trường tư, hoạt động dựa vào học phí vì không có nguồn ngân quỹ từ chính quyền các cấp, địa phương, tiểu bang, hay liên bang.
Hoa Kỳ rất chú trọng vào một môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các học sinh. Vì mục tiêu tối hậu là bảo đảm tất cả trẻ em dưới 18 tuổi đều học xong được trung học, chương trình học được xây dựng dựa trên trình độ của trẻ trung bình. Những em có vấn đề về phát triển, không học theo kịp các bạn cùng trang lứa thì trừ những trường hợp thật đặc biệt, thầy cô dạy riêng một số giờ và vẫn có thời gian học chung với các bạn trong lớp. Tùy trường, học sinh cá biệt có thể học riêng. Đến khi thấy khả năng theo được thì lại cho em ấy vào học cùng với những trẻ bình thường khác. Năm học 2021-22, trong số học sinh từ 3 đến 21 tuổi, có khoảng 7,3 triệu trẻ, tức 15%, tham gia các chương trình học dành cho trẻ ở tình trạng “đặc biệt” vì khiếm khuyết (Bộ Giáo dục Hoa kỳ, Annual Report). Tất cả đều miễn phí, kể cả đối với con cái của di dân vào Hoa Kỳ bằng cách bất hợp pháp. Tất cả đều được chăm sóc đồng đều không phân biệt xuất xứ, điều kiện tài chính, hay tư cách cư trú của cha mẹ.
Còn với những trẻ thông minh đặc biệt thì sao? Cha mẹ có thể nhận biết qua các biểu hiện như trẻ biết đọc sớm, có trí nhớ tuyệt vời, hiểu những điều người lớn nói dễ dàng, không ngồi yên được, ở lớp thì chán học, thiếu kiên nhẫn nghe thầy cô, nhạy cảm với những thứ như tiếng ồn, với lời nói đùa không đúng chỗ, hoặc thậm chí bực quá mức vì một đoạn chỉ tuột ra trên chiếc tất. Không phải lúc nào cha mẹ cũng dễ nhận ra những biểu hiện của tài năng (gifted) của con.
Trẻ thông minh thường là một “bí ẩn”, nhiều khi khiến cha mẹ kinh ngạc hay khâm phục về những việc chúng có thể làm, nhưng trẻ thường không thích chia sẻ. Vì thế việc dùng IQ test thử trí thông minh của trẻ giúp cha mẹ yên tâm, không ngại bị nói là “đừng khoe con suốt như thế”, “để con được lớn vui vẻ hồn nhiên”, hoặc “đừng ép con học quá sức của nó thế”.
Trẻ thông minh học những chương trình quá dễ sẽ chán, sinh nhiều tật chứng chứ không chỉ là chán học, như có thể bi quan, hoài nghi về năng lực của bản thân, nghĩ là mình không được bình thường như trẻ khác. Chúng không phải cố sức để làm những bài tập dễ nên không biết đến giá trị của việc cố gắng, và khi làm việc gì cần đến nỗ lực thì lại không biết phải nỗ lực ra sao.
Khi biết con thực sự có tố chất thông minh khác thường, nhiều cha mẹ tìm môi trường cho con phát triển. Với những trẻ này cha mẹ có thể không yên tâm để con học ở trường công. Thứ nhất vì trường công có một nhiệm vụ như đã nói ở trên: bảo đảm cung cấp những tri thức cần thiết cho tất cả các em, lấy sức học trung bình để đánh giá.
Vì vậy trường công không có các chương trình đặc biệt đủ khó để thử thách cho từng em. Thứ hai là cha mẹ muốn con có một môi trường nơi mà bạn bè trang lứa cũng có chỉ số IQ tương tự, để cùng nhau học và chơi, cùng khám phá những miền đất mới của tri thức.
Hoa Kỳ không cho thành lập những “trường chuyên” trong hệ thống trường công, dành riêng cho trẻ thông minh. Ở trường công, nếu học sinh nào quá xuất sắc, chúng có thể được học bổng hoặc được xét đi học những chương trình đặc biệt, sẽ nói ở dưới. Còn thì những gia đình có trẻ thông minh đặc biệt này mà muốn tự mình chăm lo, hoặc trẻ không đủ tiêu chuẩn học các chương trình đặc biệt trên, thì thường có 2 chọn lựa. Một là tìm trường tư có chất lượng cao cho con học, tuy không phải trường tư nào cũng có chất lượng cao, cũng như không phải trường công nào cũng không có những chương trình phù hợp cho trẻ thông minh. Hai là để con học ở nhà, mời các gia sư, dẫn đi các bảo tàng, thư viện, đi nghe các buổi nói chuyện, dự các sinh hoạt khoa học, v.v. Khả năng thứ hai hầu như không ai làm nổi vì nhiều lý do, từ yêu cầu về tài chính, thời gian, cho đến tình trạng đứa trẻ bị cô lập khỏi môi trường có bạn bè hàng ngày.
Nếu muốn tìm trường tư cho con, điều đầu tiên là cha mẹ cần tìm hiểu kỹ triết lý giáo dục của trường đó là gì, học trình của trường sẽ cung cấp các kiến thức gì cho trẻ, có đủ chương trình tốt và phù hợp để trẻ chọn theo khả năng và ý thích hay không, chương trình có thử thách một cách thông minh để khêu gợi và thỏa mãn trí tò mò và ham muốn học hỏi của trẻ không? Ngoài ra, vai trò của một người thầy cũng quan trọng không kém. Một người thầy dở ở một trường tư có chất lượng không thay thế được một người thầy giỏi ở một trường công bình thường.
Về mặt chính quyền, họ có giúp đỡ những gia đình có trẻ thông minh khác thường này không? Như đã nói ở trên, có những chương trình đặc biệt đáp ứng nhu cầu học của nhóm trẻ này, và tất nhiên là cũng miễn phí. Đây là những chương trình chuyên biệt, không phải dạy trong các “trường chuyên” riêng rẽ, và dạy đủ các môn như ở Việt Nam.
Các chương trình này được tổ chức theo “chủ đề” như Toán, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Khoa học, Sức khỏe, v.v. Đơn vị nào cũng có thể xin quỹ để dạy các chương trình này sau khi trình lên dự án, gồm cả chi phí có giải thích hợp lý, chứng minh có nhu cầu, đủ thầy cô và các điều kiện khác để làm được chương trình phục vụ các trẻ nhóm này.
Đặc biệt là vì các chương trình này được chính phủ tài trợ, nên tất cả mọi thứ đều phải tuân theo luật lệ của chính phủ. Ví dụ như ở Florida, việc nhận diện và đánh giá trẻ thuộc loại thông minh phải thực hiện theo tiêu chí của tiểu bang đưa ra.
Trên website của chương trình dành cho trẻ thông minh đặc biệt có ghi rõ các luật lệ và chương trình sinh hoạt cũng như các hướng dẫn chung của chính phủ. Đứng đầu diện ưu tiên, ngoài điều kiện trẻ có chỉ số IQ từ khoảng 130 trở lên, có động lực học hành, khả năng hợp tác của cha mẹ, được thầy cô đang dạy giới thiệu, thì quan trọng nữa là các em bé thông minh này cha mẹ thuộc các sắc dân thiểu số (di dân da màu), nói tiếng Anh không rành, và nhà nghèo, v.v. Chương trình cũng bao gồm việc rèn luyện trẻ các kỹ năng lãnh đạo, rèn đạo đức công dân qua các công việc xã hội và có tinh thần cộng đồng cao.
Các chương trình này, gọi là Educational Plan (EP), được thiết kế dành riêng cho nhu cầu của từng em. Cha mẹ có quyền tham gia vào những việc như thảo luận về nhu cầu của con mình, quyết định vào việc con mình tham gia vào chương trình học như thế nào, quyết định con sẽ nhận những dịch vụ gì do trường địa phương cung cấp và trong các điều kiện nào (những phần in đậm và gạch dưới trong ảnh kèm theo, trích từ tài liệu trên website).
Tiểu bang cũng có những hướng dẫn rất chi tiết về quyền tham gia của cha mẹ vào chương trình này như thế nào. Tùy địa phương, một số chương trình này được dạy xen kẽ ở các trường công và mở rộng cho em nào muốn học cũng được. Thông tin thì rất nhiều, không thể nói kỹ trong phạm vi một bài báo ngắn.
Tóm lại, việc cho các trẻ em thông minh đặc biệt một môi trường học để có thể đẩy sự phát triển của các em lên mức cao nhất và mang lại hiệu quả cao nhất trong một thời gian nhất định, là do cả gia đình và chính quyền thực hiện. Song việc tạo điều kiện giáo dục tốt nhất cho các trẻ này không đưa đến việc sinh ra hai “thế giới” học sinh tách biệt, một bên là con nhà giàu học giỏi chỉ chơi với nhau, và một bên là con nhà nghèo, học trường công. Điều đó vi phạm vào hành động “kỳ thị, phân biệt đối xử” mà Hoa Kỳ và các nước văn minh chủ trương tránh tối đa, như một nguyên tắc quan trọng để bảo đảm các quyền bình đẳng cho mọi người.