| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 26/08/2023 , 09:16 (GMT+7)
Andrea Hoa Pham

Andrea Hoa Pham

09:16 - 26/08/2023

Sách giáo khoa ở Hoa Kỳ

Bài viết của GS Andrea Hoa Pham về sách giáo khoa miễn phí, quá trình chọn lựa sách và phản biện những sách được chọn dùng từ lớp 1 đến lớp 12 ở Hoa Kỳ.

Ở Canada trẻ em học trường công không phải mua sách giáo khoa, vì giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 là bắt buộc (cái gì bắt buộc thì chính phủ giúp đỡ để ai cũng có thể làm được). Chính phủ dùng tiền thuế của dân để chi cho giáo dục, nên cha mẹ coi như đã mua sách cho con rồi. Tiểu học thì sách giữ trên phòng học. Lên trung học, chỉ khi nào sách bị hư hại hoặc bị mất thì phụ huynh mới phải đền vì đó là sách “mượn”, không phải là của riêng của học sinh. Học xong, học sinh để lại sách giáo khoa ở nhà trường.

Hoa Kỳ cũng vậy. Trừ Indiana và một số rất ít các bang khác, chính quyền tiểu bang không cho phép nhà trường thu tiền sách của học sinh. Bắt đầu từ năm học này, 2023-2024, các trường ở Indiana không thu tiền sách giáo khoa nữa, thậm chí không thu phí iPad và Chromebook (Appleton July 5, 2023).

Những năm con học tiểu học, tôi không biết mặt mũi những cuốn sách mà thầy cô dùng trên lớp hàng ngày là sách gì, vì con trẻ không mang gì về nhà cả. Ngày nào đi học cũng tung tăng như đi chơi. Trong ba lô chỉ có phần ăn trưa, vài thứ đồ chơi, đôi khi một cuốn sách vẽ gì đó mà cu cậu muốn đem khoe với bạn hay cô giáo. Chiều đi đón con về, trong ba lô vẫn thế, chỉ là hộp đựng thức ăn trưa đã rỗng.

Suốt 12 năm trung học chẳng bao giờ phải đóng khoản tiền gì ngoài một số tiền nhỏ cho chi phí những chuyến đi tham quan gần, như tiền xe và mua vé vào cổng. Có đóng tiền sách thì chắc cũng ít ỏi, vì nếu món tiền đáng kể thì lúc ấy người mẹ còn là một sinh viên nghèo đang đi học nhờ học bổng, đã nhớ. Chỉ biết là đến mùa khai giảng, cái gì cũng hạ giá nên tôi thường mua nhiều tập vở hay giấy trắng về để dành dùng dần.

Nếu muốn cho con học thêm những chương trình ngoại khóa thì cha mẹ có thể đóng thêm chút chi phí cho học liệu, ví dụ nếu học võ thuật thì mua bộ quần áo học võ. Giờ thể thao cũng chỉ một bộ đơn giản và dùng mãi tới khi chật hay ngắn. Nếu có tổ chức đi chơi xa thì tùy cha mẹ quyết định có cho con đi không. Còn lại tất cả hoàn toàn miễn phí.

Ai lựa chọn sách giáo khoa, và quá trình chọn như thế nào?

Việc này do nhiều cấp tham gia. Chẳng hạn ở tiểu bang Florida, Calise (2020) cho biết Sở Giáo dục giao cho từng quận hạt lo liệu quá trình chọn sách, song việc chọn sách là ở cấp tiểu bang. Ba chuyên gia giáo dục của tiểu bang hoặc thậm chí của liên bang được mời đánh giá các sách giáo khoa gởi lên, bảo đảm sách tuân theo các tiêu chuẩn chung của tiểu bang, như cuối mỗi lớp học sinh có được những kiến thức hoặc các kỹ năng gì (ví dụ xong lớp mấy thì biết đọc, biết các phép toán gì).

Các chuyên gia này phải có ít nhất bằng Cao học hoặc cao hơn; có bằng chứng nhận về giáo dục (educator certification); và chứng tỏ là có đủ kinh nghiệm chuyên môn về mặt nội dung chương trình và về các hoạt động hoặc các quyết định đưa lại các thành tựu của học sinh, hoặc được công nhận là chuyên gia giáo dục, thể hiện qua các giải thưởng hoặc các tác phẩm đã in ấn về các lĩnh vực liên quan.

Chỉ 2 trong số 3 chuyên gia này đánh giá chất lượng các sách giáo khoa được đề nghị. Nếu hai chuyên gia này ý kiến trái ngược nhau, thì người thứ ba sẽ tham gia để lấy quyết định chung. Sau đó, mỗi quận hạt (district) lại cử ra một giáo viên đứng lớp, hoặc một cố vấn về mặt nội dung ở cấp quận, để đánh giá một cách độc lập với ba chuyên gia kia về các sách giáo khoa được tiểu bang đề nghị.

Những sách được chọn sẽ đưa lên mạng trong vòng hai tuần lễ để công chúng cùng đánh giá. Cuối cùng, Ủy viên Giáo dục (Commissioner of Education) mới xem lại các đánh giá của quận và của tiểu bang, xem các ý kiến của quần chúng, cân nhắc giá cả của các sách giáo khoa được đề nghị, và ra quyết định chấp thuận hay từ chối.

Sau khi những sách này được chấp thuận, mỗi trường vẫn được quyền bổ sung các tài liệu giảng dạy khác tùy họ. Quan trọng là mỗi quận phải cho công chúng ít nhất thời hạn 20 ngày để xem xét trước các tài liệu này, trước khi quận mở cuộc họp với dân, thảo luận về những tài liệu đang được cân nhắc sẽ dùng trong giảng dạy.

Sách giáo khoa thay đổi theo chu kỳ quy định, mỗi 5 năm một lần. Trong mỗi chu kỳ, mỗi năm lại hướng vào một vài lĩnh vực hay môn học cụ thể. Chẳng hạn ở Florida, chuẩn bị cho niên khoá 2019-2000, các chuyên gia khi xem xét các sách giáo khoa đưa lên, chú trọng về đề tài các ngôn ngữ trên thế giới, nghề nghiệp, giáo dục kỹ thuật và khoa học máy tính. Niên khoá 2020-2021 lại dành cho việc nhấn mạnh các tài liệu dạy các môn nghệ thuật tiếng Anh. Các niên khoá sau đó chuyên chú về toán, khoa học và nghiên cứu xã hội.

Việc duyệt chọn sách giáo khoa đôi khi xảy ra bất đồng giữa quận và dân chúng. Ở Florida, năm 2017 thống đốc Rick Scott đã ký một luật gây ồn ào. Luật này cho phép bất kỳ công dân nào của tiểu bang, không cần phải là phụ huynh, cũng có quyền chất vấn các tài liệu dùng giảng dạy trong trường. Người dân có quyền lên tiếng nếu nghi ngờ tài liệu giảng dạy nào đó có hơi hướm “khiêu dâm”, “kỳ thị” (màu da, dân tộc, xuất xứ, tầng lớp, khuynh hướng giới tính...), “không thích hợp với nhu cầu của học sinh” hoặc nội dung “không thích hợp với lứa tuổi học sinh” (ví dụ quá khó).

Sau khi các trường trong Quận chính thức tuyên bố dùng sách giáo khoa gì, người dân nào không đồng tình thì có quyền nộp đơn phản đối trong vòng 30 ngày sau đó. Những đơn này đều phải được xem xét và trả lời. Những người có trách nhiệm quyết định chọn sách phải giải thích lý do chọn sách và trả lời các chất vấn trên.

Trường tư thì tự chọn sách giáo khoa.

Cha mẹ nếu muốn giúp con học hành thêm, thì tìm hiểu và cung cấp thêm kỹ năng và kiến thức từ các nguồn khác, chẳng hạn mượn sách về nhà cho con đọc hoặc cho dự các sinh hoạt ở thư viện công cộng.

Con trai tôi mê đọc sách từ nhỏ, đến nỗi quá giờ đi ngủ còn trùm chăn lén đọc bằng đèn bấm. Có lần đi học về còn phụng phịu “Ở lớp cô nói đứa nào mỗi tuần đọc một quyển sách thì cô thưởng cho cái này cái kia, còn mẹ thì lại không cho con đọc sách".

Mùa hè, các thư viện công cộng có nhiều chương trình cho trẻ em, mỗi chương trình kéo dài vài tuần lễ. Tôi đưa cháu đi dự những chương trình đọc sách. Thế là buồn ngủ gặp chiếu manh. Mỗi tuần họ chọn một cuốn truyện thiếu nhi cho các em đọc, hoặc mỗi em tự chọn một cuốn. Đọc xong kể lại hoặc phát biểu ý kiến cảm tưởng của mình về câu chuyện. Các em được khuyến khích nói lên ý nghĩ riêng. Phát biểu như thế nào cũng được khen. Nếu nói gì trái đạo đức chung, như chê bai nhân vật về màu da hay giới tính thì thầy cô giải thích ngay. Có bạn nào cười cợt cũng được ngăn lại ngay.

Tinh thần tôn trọng sự khác biệt, không được mạt sát người khác vì ý kiến khác mình, trẻ được học ngay từ nhỏ. Các em tham gia chương trình đọc sách đều có các giải thưởng để khích lệ thói quen đọc sách, và nhất là để không em nào cảm thấy mình kém cỏi hơn các bạn khác. 

Ở bậc Đại học thì Giáo sư, giảng viên có toàn quyền quyết định dùng sách gì. Nhưng đây là chủ đề sẽ bàn ở một bài khác.

* Alexksandra Appleton. “Indiana families will no longer be charged textbooks fees. Here is what to expect”. 5/7/2023. Education reporting in Indiana.

* Gabrielle Calise. “How are textbooks in Florida chosen? Florida Wonders explores”. Tampa Bay Times. 24/8/2020.

Bình luận mới nhất