| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/06/2023 , 16:15 (GMT+7)
Andrea Hoa Pham

Andrea Hoa Pham

16:15 - 13/06/2023

Học hàm Giáo sư ở Bắc Mỹ và luận án Tiến sĩ

PGS.TS Andrea Hoa Pham chia sẻ về hệ thống học hàm ở Bắc Mỹ và việc hướng dẫn luận án Tiến sĩ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 30/1/2023 đăng bài “Chuyện tiến sĩ - thật và giả” của PGS.TS Andrea Hoa Pham. Trong bài này, tác giả chia sẻ về hệ thống học hàm ở Bắc Mỹ và việc hướng dẫn luận án Tiến sĩ.

Tiến sĩ là học vị, đạt được sau khi học xong một chương trình cấp cao nhất của một ngành khoa học nào đó. Đối với các ngành xã hội thì chương trình Tiến sĩ trung bình là 4 năm, nhưng sinh viên thường mất khoảng 6 năm hay lâu hơn nữa mới xong. Theo một điều tra của Đại học Franklin, chỉ khoảng 50% sinh viên bậc tiến sĩ theo đuổi tới cùng và tốt nghiệp. Học hành đã vất vả như vậy rồi mà sau đó trong số 70% tân tiến sĩ mong muốn được làm một công việc trong các trường đại học hoặc ở viện nghiên cứu, chỉ có khoảng 10-30% có thể tìm được những công việc ấy. Sau khi qua cửa ải của chương trình tiến sĩ, đến cửa ải xin việc.

PGS.TS Andrea Hoa Pham sống và làm việc nhiều năm trong môi trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada.

PGS.TS Andrea Hoa Pham sống và làm việc nhiều năm trong môi trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada.

Tiến sĩ được bổ nhiệm vào làm việc ở một trường đại học Bắc Mỹ thường là vào một trong hai ngạch. Thứ nhất là giảng viên (lecturer, từ instructor thường có nghĩa là người giảng dạy một môn, có thể có học vị Tiến sĩ hoặc không).

Vị trí giảng viên thường yêu cầu chỉ cần có bằng cao học, nhưng đa số người xin lại có bằng Tiến sĩ vì như đã nói, số người xin được việc ở các đại học hoặc viện nghiên cứu có tỷ lệ rất thấp. Giảng viên thường làm việc theo hợp đồng từ một đến ba năm. Hết hợp đồng, tùy theo nhu cầu và khả năng kinh tế của đơn vị bổ nhiệm mà có thể gia hạn hay không.

Công việc chính của giảng viên là giảng dạy, thường mỗi học kỳ ba môn, ngoài ra còn làm việc trong một vài hội đồng. Giảng viên không yêu cầu phải nghiên cứu. Nếu có thì khi xét điểm để tăng lương họ cũng được tính theo tiêu chuẩn rõ ràng của merit raise (tăng lương theo công trạng) song hiếm khi họ nghiên cứu hay in ấn vì việc dạy như con mọn, chiếm hết thời gian trong ngày.

Ngạch thứ hai là bổ nhiệm làm Giáo sư (Professor). Những người này có bằng Tiến sĩ (trừ những trường hợp rất đặc biệt, có các công trình đã xuất bản số lượng và chất lượng cao, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm). Giáo sư thường dạy hai môn mỗi học kỳ vì họ còn phải dành thì giờ làm nghiên cứu. Người Việt thường dịch Giáo sư là Giảng viên là không chính xác.

Giáo sư có ba bậc (hay học hàm): Assistant Professor, tiếng Việt chưa dịch được từ này. Đó không phải là “trợ giảng” hay “giảng viên tập sự” bởi vì họ không tập sự hay trợ giảng cho ai. Họ đứng lớp, chịu trách nhiệm 100% về các môn dạy và các lớp dạy. Assistant Prof. thường là sinh viên TS mới ra trường, một giảng viên hoặc một Assistant Professor từ trường khác xin đến. Sau đó đến bậc Associate Professor (Phó Giáo sư). Cuối cùng là Full Professor (Giáo sư).

Nếu Giáo sư (Professor) dùng như một từ xưng hô thì thầy cô bậc nào cũng có thể dùng. Chẳng hạn ở Trung Quốc có những giảng viên chỉ mới có bằng Cao học vẫn ký tên, xưng là Giáo sư. Thậm chí ở Argentina một người dạy Tango cũng có thể xưng là Professor.

Tầng lớp giảng viên chịu thiệt thòi nhất là những “adjuncts”. Đó là những người có bằng cấp, có thể hội đủ điều kiện làm giảng viên nhưng được bổ nhiệm việc bán thời gian, trả công theo giờ dạy, không có quyền lợi gì khác như bảo hiểm y tế. Lương không đủ sống nên họ thường tìm thêm vài chỗ dạy bán thời gian khác.

Sau khi xin được vị trí tenure track (Assistant Professor) rồi, cửa ải cuối cùng là lấy được tenure trong thế giới hàn lâm. Hôm tôi bảo vệ xong luận án, trên đường trở về Khoa, một Giáo sư trong Hội đồng hướng dẫn nói “Chúc mừng qua được cửa ải luận án, bây giờ đến cửa ải tenure”. Lúc ấy tôi ngơ ngác không hiểu gì. Tenure là một loại hợp đồng mãn đời không văn bản của nhà trường với người được nhận (kiểu như “biên chế” thời bao cấp của Việt Nam). Tenure được ngầm xem là một bảo đảm vững chắc về công việc, không lo bị thất nghiệp hoặc sa thải trừ những trường hợp thật đặc biệt.

Để lấy được tenure, người này phải qua một thời gian thử thách xem thực sự có khả năng nghiên cứu và giảng dạy hay không, và sẽ có thể cống hiến lâu dài cho Khoa học được không. Thời gian này hiện nay là 6 năm, dài hơn một năm so với 30 năm trước. Họ phải chứng tỏ xuất sắc ít nhất về hai trong ba lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ, trong đó quan trọng nhất là nghiên cứu, được đánh giá thông qua những công trình xuất bản và các hoạt động khoa học.

Không phải cứ có in ấn là xong, mà còn uy tín của những nhà xuất bản hoặc tạp chí mà họ in bài hay sách. Uy tín này được đánh giá qua ảnh hưởng của những công trình trong ngành chuyên môn của họ, thể hiện qua con số trích dẫn những bài báo hoặc cuốn sách và những nghiên cứu khác dùng lại kết quả từ công trình của họ. Những bài báo in trong kỷ yếu hội nghị không có sức nặng đáng kể vì không qua quá trình phản biện gắt gao như đối với các tạp chí chuyên ngành mà tác giả không biết người phản biện (2 đến 3 chuyên gia) là ai.

Các hoạt động khoa học khác phải làm là đi trình bày kết quả nghiên cứu mới của mình ở các hội nghị chuyên ngành, cấp quốc gia và quốc tế. Các “nghiệm thu đề tài” cũng không có bao nhiêu sức nặng, trừ khi nó biến thành một bài báo, được đăng trên các Tạp chí chuyên ngành có phản biện kín và độc lập.

Trường đại học càng uy tín thì càng khó đạt được các học hàm ấy.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai đối với một Assistant Professor là giảng dạy và hướng dẫn sinh viên. Cuối cùng là làm việc trong những hội đồng khác, như hội đồng xem xét việc dự giờ và đánh giá, hội đồng phụ trách website, hội đồng Cố vấn cho Trưởng khoa, hội đồng xem về tu sửa các quy định của Khoa, hội đồng xem xét các loại học bổng như học bổng cho sinh viên giỏi hoặc cho những người đi dự hội nghị (thường là chỉ một phần các phí tổn còn thì cá nhân phải tự bỏ tiền túi ra),...

Việc hướng dẫn luận văn, luận án Tiến sĩ là một trong những bổn phận của các Giáo sư, đã được bao gồm trong lương rồi. Nếu xin được quỹ nghiên cứu làm đề tài nào đó, thì các khoản tiền phải chi minh bạch, như các khoản mua máy móc cần thiết cho công việc, tiền ghi danh đi trình bày kết quả ở các hội nghị khoa học, tiền chi phí cho sinh viên đi điền dã hoặc phụ tá nghiên cứu,...

Giáo sư nếu có đi điền dã mới được “thanh toán” chi phí. Tuyệt đối không được nhận thêm một xu nào cho những việc đã thuộc về trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào, như tiền khen thưởng, bồi dưỡng thêm, hoặc quà cáp của sinh viên. Luật hiện nay của Trường Đại học Florida là nếu nhận quà của sinh viên hay đối tác trị giá trên 100 đô la thì phải khai báo. Tôi giảng dạy bao năm, dăm thì mười họa sinh viên tặng một cái ca uống nước, một cái đồng hồ để bàn đơn sơ, hoặc một cái khung ảnh có lồng ảnh chung của lớp.

Sau thời gian thử thách, Assistant Professor nộp đơn xin tenure. Quá trình xét duyệt mất một năm cho nên họ thực sự chỉ có 5 năm để tự chứng tỏ bản thân. Nếu xét và được tenure thì ở lại làm việc và được thăng lên học hàm Phó Giáo sư. Nếu không được thì phải xách gói ra đi.

Bị từ chối tenure vì lý do chuyên môn là một cú đánh trời giáng vào lòng tự trọng của cá nhân. Những trường hợp bị từ chối này không phải không xảy ra, nhưng khá hiếm vì quá trình tuyển chọn ban đầu đã nghiêm ngặt. Không được tenure thì người giáo sư này phải đi tìm việc ở trường khác, hoặc nếu trường có nhu cầu thì họ có thể xin ở lại và "xuống" làm giảng viên.

Tuy độc lập với nhau, khi được tenure thì đồng thời cũng được xét phong học hàm lên Phó Giáo sư. Học hàm được xét hoàn toàn dựa trên công trình khoa học. Vì vậy khi một Phó Giáo sư đã có tenure quyết định đi khỏi trường, họ không thể mang theo tenure, nhưng học hàm Phó Giáo sư thì sẽ mang suốt đời. Nó là một loại chứng nhận cho các công trình khoa học họ đã đóng góp. Họ đến trường khác, “làm lại từ đầu” với tư cách là Phó Giáo sư. Với những người này, thời gian thử thách để xin tenure ngắn hơn rất nhiều, có thể chỉ 1-2 năm. Thậm chí họ có thể “mặc cả” trước điều này trong khi phỏng vấn nếu được nhận.

Đa số Giáo sư về hưu với học hàm này, bởi vì khác với Assistant Professors, những người hoặc là được tenure và lên học hàm, hoặc mất việc, các Phó Giáo sư không bắt buộc phải xin tiếp lên học hàm Giáo sư (Full Prof.).

Phó Giáo sư và Giáo sư đến tuổi không bị buộc phải về hưu như giảng viên (tuổi về hưu là 65 đối với cả nam và nữ). Họ có thể làm việc tới khi nào không muốn. Khoa của tôi đã có một Giáo sư giảng dạy đến tận trước ngày mất vì bệnh.

Khi về hưu, bất kể với học hàm nào, họ cũng có thể xin được danh xưng "Giáo sư về hưu" (Emeritus Prof.). Có những trường, như Đại học Washington, yêu cầu phải làm việc ít nhất 10 năm trước khi về hưu thì mới xin được danh xưng này. Những giáo sư về hưu vẫn giữ một số quyền lợi, như tiếp tục dùng địa chỉ email của trường, tham gia các buổi họp của Khoa, có thể có văn phòng riêng, và vẫn được dùng thư viện của trường. Họ cũng có thể dạy hợp đồng nếu Khoa cần người.

Ở Canada, khi được phong học hàm thì thường là lương vẫn như cũ. Học hàm chỉ được xem là một vinh dự, làm tăng uy tín khoa học. Đa số các trường ở Hoa Kỳ khi được phong học hàm thì lương cũng tăng, nhiều ít tùy trường. Lương của những người dạy các ngành luật pháp, kỹ sư, kinh tế, và y tế thường cao hơn nhiều những người dạy khoa học chính trị, sinh học và các ngành khoa học xã hội khác. Ngoài thuế trừ trực tiếp vào lương, còn nhiều khoản đóng góp khác như bảo hiểm sức khoẻ, mắt, răng và bảo hiểm tai nạn, quỹ hưu, lệ phí công đoàn, lệ phí đậu xe,...

Về việc làm luận án Tiến sĩ, đầu năm thứ tư, sinh viên chọn đề tài, rồi bảo vệ đề cương chi tiết với ít nhất một chương đã viết xong. Sau khi được thông qua, sinh viên bắt đầu viết luận án. Nếu không phải sửa nhiều thì có thể bảo vệ vào cuối năm tư. Chỉ có hội đồng hướng dẫn có mặt và Giáo sư phản biện, một người trong ngành nhưng thuộc một đại học khác hoặc có thể ở một quốc gia khác.

Vì việc viết luận án được cả hội đồng kiểm soát nghiêm ngặt như vậy nên đề tài phải là một cái gì mới, và hứa hẹn có đóng góp nhất định gì đó. Nếu sinh viên đề nghị một đề tài mà giáo sư cho là mông lung, ít liên quan đến ngành học, không đủ để đóng góp một cái gì đó thậm chí cho lý thuyết, thì họ không nhận hướng dẫn, hoặc không muốn ngồi vào Hội đồng hướng dẫn, nhất là Giáo sư phản biện. Người ta bảo vệ cái tên của họ như giữ gìn tròng mắt con ngươi vậy. Cho nên chỉ có luận án dở chứ không có đề tài dở.

Tuy không phải luận án nào cũng là một công trình có đóng góp quan trọng cho ngành, nhưng nhất định nó có những khám phá mới. Phần lớn luận án sau khi bảo vệ sẽ nằm mãi trên giá sách để chờ lau bụi. Những luận án có tính đột phá thường có thể được xuất bản ngay dưới dạng “sách-luận án Tiến sĩ”. Còn lại thì nếu tác giả mong muốn xuất bản, họ sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện thêm trước khi gởi đến các nhà xuất bản để được phản biện, xét duyệt. Bên Văn học thì đa số như vậy. Bên Ngôn ngữ học, từ luận án Tiến sĩ, người ta thường nhặt ra viết thành vài bài báo để nộp cho Tạp chí.

Tóm lại, người ta nhất định phải đạt được học hàm Phó Giáo sư để có điều kiện trụ được trong môi trường nghiên cứu. Họ chỉ làm điều đó nếu đó là công việc họ say mê đeo đuổi. Nếu không thì áp lực của việc xuất bản các kết quả nghiên cứu sẽ làm họ luôn sống trong căng thẳng, mà đồng lương khiêm tốn thì chẳng bõ phải luôn chịu vất vả lo toan như thế.