Họa sĩ Hoàng Võ có họ tên đầy đủ là Võ Hoàng Nhựt, sinh năm 1969 tại Long An. Họa sĩ Hoàng Võ tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp và làm giảng viên thỉnh giảng ở Trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM.
Năm 2001, khi ở tuổi 32, họa sĩ Hoàng Võ mới bắt đầu theo đuổi niềm đam mê trải nghiệm nghệ thuật của mình. Cọ, giấy, toan và màu vẽ đã trở thành những vật bất ly thân của ông. Càng dấn thân vào hội hoạ, hoạ sĩ Hoàng Võ phát hiện ra mình có thể vẽ hàng ngày, hàng giờ không chán, cứ như thể trong tiềm thức.
Trước khung tranh, họa sĩ Hoàng Võ luôn cảm thấy sốt ruột với những trải nghiệm và những mơ ước đang dần trôi khỏi cuộc đời vốn hữu hạn. Ông hối hả níu kéo những điều tốt đẹp đang nhạt nhòa dần, bằng những thể nghiệm trên nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, than, chì, phấn màu…
Bắt đầu chuyên tâm sáng tác từ năm 2011, họa sĩ Hoàng Võ quan niệm: “Hội họa, bản thân của nó đã là sự dẫn dắt con người hướng đến những gì đẹp đẽ nhất, lương thiện nhất; có thể hướng đến tột cùng vương giả hoặc rất đỗi bình thường. Hội hoạ, với tôi, không chỉ là nghề, là đam mê, mà còn là nơi trú ẩn an toàn nhất. Nơi đó, tôi tha hồ bộc lộ những góc cạnh khác nhau của bản ngã. Tôi không rõ là “cái đẹp có cứu rỗi thế giới” hay không; riêng cá nhân mình, tôi mang ơn hội họa. Đó không chỉ là đam mê, là nghề, là nghiệp, mà còn là thói quen, là hơi thở, là cuộc sống của tôi”.
Sau triển lãm “Những góc đời” vào năm 2016, họa sĩ Hoàng Võ quyết định thay đổi bút pháp. Thay vì tiếp tục cặm cụi với tranh tả thực, họa sĩ Hoàng Võ bung phá ý tưởng với tranh trừu tượng. Triển lãm “Vũ điệu hoang dã” với 70 tác phẩm trừu tượng, kéo dài từ ngày 27/11 đến ngày 1/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, là kết quả một cuộc phiêu lưu đầy thú vị của họa sĩ Hoàng Võ.
Vì sao lại đặt tên “Vũ điệu hoang dã” cho một lần trưng bày nhiều gửi gắm và nhiều hy vọng? Họa sĩ Hoàng Võ mong muốn những điệu múa của sắc màu sẽ mang những điệu múa của thiên nhiên để kích hoạt nguồn năng lượng tích cực luôn chờ đợi bùng nổ trong lòng mình và trong lòng người.
Cụ thể hơn họa sĩ Hoàng Võ nhấn mạnh: “Nếu triển lãm trước tôi bày đa số tranh vẽ người, thì triển lãm này tôi bày nhiều thứ, trừ… hình ảnh con người! Thiên nhiên, với lòng bao dung vô hạn, luôn bên cạnh, bao bọc, nuôi nấng và tha thứ cho chúng ta”.
Tranh trừu tượng của họa sĩ Hoàng Võ theo đuổi nỗi ám ảnh, bao giờ loài người mới tử tế với thiên nhiên? Và bao giờ chúng ta mới có thể gom góp sự trong sáng và sự chân thành để được trở lại cùng các vũ điệu hoang dã?
Dẫu trừu tượng, những tranh của họa sĩ Hoàng Võ vẫn có hình ẩn hiện, đủ để công chúng suy ngẫm câu chuyện nhất định và cũng để công chúng bay bổng trí tưởng tượng vô hạn.
Với triển lãm “Vũ điệu hoang dã”, tiến sĩ nghệ thuật Nguyễn Hồng Ngọc đánh giá: “Trong bối cảnh chung của mỹ thuật Việt Nam hiện tại, bầu không khí mang tinh thần “chiết trung” (eclecticism), pha trộn, hội nhập dường như là xu hướng đang có ưu thế. Hội hoạ của Hoàng Võ đi trên con đường mấp mé trong ranh giới giữa biểu hình và trừu tượng hóa, có lẽ cũng không nằm ngoài dòng chảy chiết trung. Lối tạo hình của anh là thứ ngôn ngữ tự do bày tỏ, tự do tìm tòi. Sáng tác của ông cho ta cảm nhận được một đời sống tinh thần hồn nhiên”.