Họa sĩ Ngô Thanh Hùng sinh năm 1982 tại Vinh, Nghệ An. Ngoài công việc giảng dạy ở Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, họa sĩ Ngô Thanh Hùng có niềm đam mê đặc biệt về tranh sơn mài.
Những tác phẩm được vẽ theo phong cách trừu tượng và “chất liệu mài tổng hợp”, được họa sĩ Ngô Thanh Hùng chia sẻ: “Đối với tôi, trừu tượng như là huyết mạch, như một sự giải phóng cảm xúc, giải phóng nguồn năng lượng tích tụ để đạt được cái thăng hoa. Vẽ trừu tượng rất khó, vì đó là cả quá trình nghiên cứu, tu luyện với hình và vẽ hình rất nhiều, thì mới có được cảm giác “vô hình”. Phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng trước khi vẽ, còn trong quá trình vẽ, thì sẽ kết hợp đường nét, mảng hình, màu sắc với cảm xúc, ý niệm”.
Những tác phẩm trong triển lãm “Dòng chảy” của họa sĩ Ngô Thanh Hùng (tại The World Artspace, 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.HCM) thực sự mang lại cảm xúc mới mẻ cho công chúng mỹ thuật. Những tác phẩm “Bốn mùa”, “Phù sa”, “Trầm tích” hoặc “Ánh trăng” cho thấy họa sĩ Ngô Thanh Hùng đang nỗ lực tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện khác biệt cho tranh sơn mài.
Với “chất liệu mài tổng hợp” mà họa sĩ Ngô Thanh Hùng đã tự khám phá trong thời gian đại dịch Covid-19, được anh giải thích: “Tôi dùng tổng hợp giữa các loại sơn vẽ truyền thống và sơn công nghiệp, đắp lớp tuần tự theo kỹ thuật sơn mài lên nền gỗ nhựa đã được xử lý độ bám dính màu, loại bỏ tối đa nguy cơ ẩm mốc, cong vênh, chống cháy. Sau đó, dùng kỹ thuật mài của sơn mài cho đến khi nào lộ ra được các lớp màu, mảng màu, hình thù mà mình mong muốn.
Điều đặc biệt ở đây là loại sơn tôi dùng vẽ chính là màu của đất sét tự nhiên kết hợp với một ít phụ gia của ngành sơn, sau khi hoàn thiện, sẽ không có mùi và khá thân thiện với môi trường sống, độ bền và độ bão hòa của màu rất cao”.
Tranh sơn mài trừu tượng của họa sĩ Ngô Thanh Hùng là một thế giới nhiều nghĩ ngợi về cái đẹp bất tận. Với tư cách giám tuyển cho triển lãm “Dòng chảy”, nhà nghiên cứu Lý Đợi đánh giá: “Về mặt thị giác, mới nhìn thoáng qua, thấy tranh Ngô Thanh Hùng chịu ảnh hưởng chút ít của Jackson Pollock (1912-1956), bậc thầy vảy sơn (drift painting), mang lại một hiệu ứng thị giác đặc biệt cho kỹ thuật biểu hiện trừu tượng sống động (abstract expressionist movement).
Thế nhưng, điều thú vị ở đây là “chất liệu mài tổng hợp”, nó vốn được định hình từ các tính toán về lớp lang và mài, không thể tung tẩy giống như vảy sơn. Chính vì vậy mà, dù về bề mặt thị giác có chút tương đồng, nhưng quá trình tạo tác và định hình cảm xúc là hoàn tác khác nhau, trở thành một liên nối thú vị"
Tương tự, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thanh Bình ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế, cảm nhận: “Sự trải nghiệm, tìm kiếm nào cũng phải được tích tụ bằng những kết quả sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ, nên “Dòng chảy” của Ngô Thanh Hùng là một kết quả của nỗ lực sáng tạo, tìm kiếm không hề ngắn, mà lại không trôi theo một lối mòn có sẵn. Vì thế, nếu còn có những điều có thể chưa thể khẳng định và hiểu hết, có những hiệu quả chất liệu và khả năng về độ bền, tính biểu cảm phải có thời gian dài lâu mới tỏ tường hoặc những hiệu quả nghệ thuật không phải tất cả đều đã mỹ mãn, thì âu cũng là bình thường. Hy vọng “Dòng chảy” sẽ tiếp tục lan tỏa về những bến bờ phía trước”.