Họa sĩ Hồng Quân là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân và Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu. Họa sĩ Hồng Quân trải qua năm tháng tuổi thơ ở Hà Nội khi cha mẹ tập kết ra Bắc trong giai đoạn đất nước còn chia cắt.
Sau năm 1975, họa sĩ Hồng Quân có thời gian dài đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật sân khấu cho Đoàn Văn công tỉnh Đồng Tháp, và lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì vậy, cuộc sống làng quê đồng bằng sông Cửu Long trở thành một đề tài có sức lôi cuốn mãnh liệt để họa sĩ Hồng Quân sáng tác.
Sau triển lãm “Sông nước miền Tây” vào tháng 10/2019 và triển lãm “Những gì yêu thương nhất” vào tháng 1/2022, họa sĩ Hồng Quân tiếp tục triển lãm cá nhân thứ ba “Ngày nắng” với 60 bức tranh màu nước về cuộc sống làng quê phương Nam.
Tranh màu nước của họa sĩ Hồng Quân chú trọng vào tình cảm trong cách sắp xếp bố cục, màu sắc, đường nét, thậm chí trong từng nhát cọ… Kiểu như không đủ tình cảm thì không vẽ. Cách ông chuyển tải thông điệp cũng rất tình cảm, ý tứ nhẹ nhàng, giống như người bạn đường của đời thường. Trên các hành trình đó, anh ghé lại thủ thỉ cùng cảnh vật, cùng sự kiện, đôi khi chỉ là một công việc, một cánh chim, một bến đò...
Về điểm nhìn, họa sĩ Hồng Quân qua “Ngày nắng” dần thay đổi từ các nhìn phân tích sang nắm bắt, hướng đến năng lượng tích cực trong tư duy sáng tạo, cách kể chuyện.
Tranh màu nước đòi hỏi người vẽ khả năng kỹ thuật xử lý nhanh, linh hoạt, tinh tế và điêu luyện. Là một chất liệu khó thực hiện, nhưng lại thu hút nhiều họa sĩ bởi sự tiện dụng, nhỏ gọn, không cồng kềnh như các chất liệu khác. Và họa sĩ Hồng Quân là một gương mặt gây chú ý cho công chúng mỹ thuật bởi sự kiên trì và đam mê chất liệu màu nước.
Bút pháp của họa sĩ Hồng Quân dày dặn, nhiều tác phẩm tỉ mỉ trong chi tiết đạt được chiều sâu cho người xem. Những sinh hoạt bình thường đi vào tranh của họa sĩ Hồng Quân tạo ra nét quyến rũ của vẻ đẹp bình dị và gần gũi.
Đặc biệt là cảnh sắc vùng châu thổ nhiều kênh rạch lắm ghe thuyền đã đi vào tranh của họa sĩ Hồng Quân thật tự nhiên, đằm thắm và ngọt ngào như giọng hò của cô gái miệt vườn sông Hậu.
Vì sao họa sĩ Hồng Quân đượ đào tạo về tranh sơn dầu lại sáng tác tranh màu nước? Họa sĩ Hồng Quân chia sẻ: “Thời còn đi học, tôi rất thích màu nước, nhưng nhà trường không dạy bộ môn này! Lần mò đi tìm công cụ để vẽ màu nước thời đó ít lắm và cũng không có nhiều để lựa chọn. Đến thời gian gần đây tôi mới biết màu nước có rất nhiều hãng để lựa chọn. Bút lông và giấy chuyên nghiệp cũng vậy! Ngoài ra các công nghệ phục vụ màu nước cũng phong phú quá trời”.
Không lừng lẫy như người cha nhạc sĩ Phan Nhân vút cao giai điệu “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, cũng không quen mặt với đám đông như người mẹ diễn viên Phi Điểu hóa thân nhiều nhân vật trên màn ảnh, họa sĩ Hồng Quân lặng lẽ đi tìm “Ngày nắng” của mình.
Với triển lãm “Ngày nắng” tại tòa nhà Lê Bảo Minh (184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP.HCM) từ ngày 5/1 đến ngày 14/1, họa sĩ Hồng Quân ở tuổi 66 đã định vị được giá trị bản thân trong đời sống văn hóa. Ông thổ lộ về tâm đắc tranh màu nước: “Tranh sơn dầu và màu nước khác nhau cơ bản về chất liệu và hoá chất, cách vẽ cũng khác. Phải thay đổi phương cách vẽ mà mình đã học. Khi đi vẽ ngoài trời (trực họa) màu nước có thế mạnh là cộng cụ đi vẽ nhẹ nhàng hơn so với sơn dầu. Trong khi sơn dầu có thể vẽ đè lên màu khác hoặc cạo đi lớp màu cũ để phủ lên lớp màu mới rất dễ dàng thì đối với màu nước thì gần như không thể được”.