Họa sĩ Lê Minh Phong sinh năm 1985 tại Hà Tĩnh. Vốn có trình độ thạc sĩ văn chương, họa sĩ Lê Minh Phong lại thành danh trong giới cầm cọ bằng con đường tự học. Sau mấy năm công tác ở tạp chí Sông Hương, họa sĩ Lê Minh Phong rời khỏi môi trường công chức để viết và vẽ.
Không rõ đó là may mắn hay bất hạnh, họa sĩ Lê Minh Phong chia sẻ: “Tôi không được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ, tôi đã nhận thấy rằng mỗi thành viên trong gia đình mình đều có một số phận khác nhau, mỗi số phận ấy đều có những câu chuyện để kể. Việc của tôi là phải học cách kể cho đúng về những câu chuyện ấy. Cuộc mưu sinh thuở ấy nghiễm nhiên đi vào tiềm thức của tôi, cấu nên những giấc mơ trong tôi, đôi khi là những giấc mơ bé mọn, cũng có khi đó là những giấc mơ đáng tự hào”.
Với triển lãm cá nhân có tên gọi “Thiên di” tại Hakio Let’s Art (38 Trần Cao Vân, Quận 3, TP.HCM) từ ngày 2/12 đến ngày 18/12, họa sĩ Lê Minh Phong trình bày ý tưởng nghệ thuật: “Chúng tôi đi từ khởi thủy cho tới bây giờ, đi từ những khúc hát đồng dao cho tới những điệp trùng sử thi, đi từ rừng núi đến biển cả, đi từ bóng tối ra ánh sáng, đi từ đau khổ tới hạnh phúc, đi từ nô lệ tới tự do. Chúng tôi đi từ những huyền thoại, dã sử mịt mùng, đi từ Xích Quỷ tới Văn Lang, từ Văn Lang tới Đại Việt. Chúng tôi đi như để tìm về miền đất hứa, mong số phận được đổi thay. Và trên những cuộc chuyển dời đó, chúng tôi thấy nước mắt, thấy lầm than, thấy cả những tủi hờn, hạnh phúc”.
Những bức tranh ở triển lãm “Thiên di” thể hiện rõ nét phong cách chín muồi của họa sĩ Lê Minh Phong. Anh đã thiên di từ văn chương sang mỹ thuật, và tiếp tục thiên di trong màu sắc: “Thiên di cũng chính là những cuộc chuyển dời của chính tôi trong ngôn ngữ nghệ thuật, trong cách tôi nhìn và phản ánh số phận con người thông qua mỗi tác phẩm. Con người trong thế giới nghệ thuật của tôi không tĩnh tại. Họ luôn dời đi trong sự vẫy gọi của những miền đất hứa”.
“Thiên di” là triển lãm cá nhân thứ ba của họa sĩ Lê Minh Phong, sau hai triển lãm cá nhân “Bên trong” vào năm 2015 và “Nối tiếp” vào năm 2018 tại Huế. Những người thích thú với tranh Lê Minh Phong cũng biết anh là một nhà văn từng có những tác phẩm như tập truyện ngắn “Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc” in năm 2011, tập truyện ngắn “Trong tiếng reo của lửa” in năm 2015, tập truyện ngắn “Điều tìm thấy” in năm 2019, tiểu thuyết “Đường đi” in năm 2019…
Tay đao tay kiếm tung hoành ngang dọc, họa sĩ Lê Minh Phong lấn át nhà văn Lê Minh Phong hay nhà văn Lê Minh Phong che chở họa sĩ Lê Minh Phong? Rất chân thành, anh bày tỏ: “Tôi không dám nhận bản thân giỏi vẽ và giỏi viết, nhưng tôi dám khẳng định suốt thời gian dài vừa qua, tôi đã thực hành liên tục với số lượng lớn các tác phẩm trên cả hai lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực, tôi nỗ lực tìm kiếm những bút pháp khác nhau và cách thức khác nhau để chuyển tải trọn vẹn tư tưởng của mình.
Với tôi, đau khổ là nơi nghệ thuật khởi đi, đau khổ là bản mệnh của nghệ thuật. Ai chọn lộ trình trong đêm đen, ai biết cách rút tỉa năng lượng từ đêm đen thăm thẳm, kẻ ấy sẽ có được những cách nhìn khác biệt, kẻ ấy sẽ tìm được suối nguồn của mình. Lịch sử đã chứng minh, rất nhiều bậc thầy nghệ thuật đã lấy đau khổ làm căn nền cho mọi gửi gắm với đời và nghệ thuật của họ trở thành nguồn cảm hứng cho những người cùng thời và những người tới sau”.
Tranh của họa sĩ Lê Minh Phong đã có mặt trong nhiều bộ sưu tập trong nước và quốc tế. Kế hoạch của họa sĩ Lê Minh Phong sau triển lãm “Thiên di” là hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai và thử sức với điêu khắc. Lại một cuộc “thiên di” mới chăng?
Nhà văn kiêm họa sĩ Lê Minh Phong thừa nhận: “Thực ra sự biểu đạt của hội họa và văn chương gần như nhau. Dựa trên những chất liệu khác nhau và cách thức thực hành khác nhau, nhưng tôi nghĩ văn chương và hội họa đều nỗ lực để truyền tải tư tưởng cá nhân ra bên ngoài cuộc sống.
Nếu như một tác phẩm văn học cần hơn đến một cốt truyện để kể, thì một bức tranh lại cần hơn đến tính tự thân của mình, tính tự thân này không phụ thuộc vào hội họa hữu thể hay vô thể, mà chứa đựng sức mạnh biểu đạt nằm ở linh hồn của bản thân chúng. Tác phẩm văn chương hay tác phẩm hội họa cũng vậy, nếu chúng có thể tự mở rộng biên giới của chính mình trong sự cảm thụ của cộng đồng tiếp nhận thì đã thực sự trở thành những nghệ phẩm giá trị”.