Họa sĩ Thành Chương năm nay đã 73 tuổi. Ông là một trong 7 người con của nhà văn Kim Lân (1920-2007). Từ nhỏ, ở làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) thì cậu bé Nguyễn Văn Tài đã đam mê mỹ thuật trước khi trở thành nhà văn Kim Lân. Vì vậy, họa sĩ Thành Chương còn có người chị Nguyễn Thị Hiền và người em Nguyễn Từ Ninh đều rất nổi tiếng trong làng cầm cọ.
Nhà văn Kim Lân được xem như một hiện tượng độc đáo trên văn đàn. Nhà văn Kim Lân chỉ viết vỏn vẹn trong 20 năm, từ 1942 đến 1962. Tác phẩm của Kim Lân không nhiều, nhưng đều là những trang đặc sắc về làng quê Việt Nam. Tuyển tập “Người kép già” dự kiến ấn hành vào năm 2020 để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Kim Lân, nhưng do nhiều yếu tố khách quan mà sau Tết Tân Sửu mới có mặt trên thị trường.
Tuyển tập “Người kép già” chọn lọc 18 tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, trong đó có hai truyện ngắn viết cho thiếu nhi là “Ông Cản Ngũ” và “Anh chàng hiệp sĩ gỗ”. Mỗi truyện ngắn của nhà văn Kim Lân được họa sĩ Thành Chương vẽ một bức tranh để minh họa. Đây không chỉ là hành động báo hiếu của một đứa con, mà là sự kết hợp giữa văn chương và hội họa. Hay nói cách khác, đó là sự tung hứng nghệ thuật giữa cha và con.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không ngần ngại ca ngợi tài năng và nhân cách của nhà văn Kim Lân. Khẳng định nhà văn Kim Lân để lại “di sản chữ và di sản người”, vị đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong lời tựa “Người kép già” đã nhấn mạnh: “Những tác phẩm trong cuốn sách này của ông là những câu chuyện đời sống của gần một thế kỷ trước. Nhưng tất cả vẫn như vừa diễn ra. Ngôn ngữ và những thông điệp chứa đựng bên trong những câu chuyện của ông vẫn rực ấm như một dòng máu chảy trong cơ thể thời gian mà những người đương thời đang sống trong đó. Mọi hình thức xã hội luôn thay đổi nhưng bản chất của kiếp người không thay đổi, mọi ngôn ngữ có thể thay đổi nhưng bản chất của tình yêu thương con người và cái Thiện không hề thay đổi. Văn chương của nhà văn Kim Lân thuộc về những điều không thể thay đổi ấy”.
Nhà văn Kim Lân chỉ cần truyện ngắn “Vợ nhặt” đã có được chỗ đứng trong lịch sử văn học Việt Nam. Còn nếu đem truyện ngắn “Vợ nhặt” kết hợp với hai truyện ngắn khác là “Làng” và “Nên vợ nên chồng” thì công chúng có được bộ ba tác phẩm giá trị về lối sống nông thôn Bắc bộ đầu thế kỷ 20.
Với những tác phẩm đã quen thuộc như “Vợ nhặt”, “Làng” hoặc “Nên vợ nên chồng”, thì mỗi minh họa của họa sĩ Thành Chương gợi mở cho độc giả thêm một vẻ đẹp của câu chuyện. Cái văn bản màu sắc của họa sĩ Thành Chương đặt cạnh cái văn bản chữ nghĩa của nhà văn Kim Lân, bỗng khiến biên độ thẩm mỹ từng truyện ngắn được kích hoạt và được thăng hoa.
Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã đọc truyện ngắn của cha mình. Mỗi lần đọc đều có một cảm giác khác. Lần này, đọc lại để minh họa, tôi thực sự đứng trước một thử thách không đơn giản. Tôi tự nhủ mình đang thi thố với cha, làm sao đem được cái đẹp của tranh mình đến gần với cái hay của truyện ngắn Kim Lân. Có nhiều truyện ngắn khiến tôi vừa khóc vừa vẽ trong sự thương nhớ và kính trọng cha”.
Từ truyện ngắn đầu tiên “Đứa con người vợ lẽ” in trên báo Trung Bắc Chủ Nhật vào tháng 7/1942 đến truyện ngắn cuối cùng “Con chó xấu xí” được Nhà xuất bản Văn Học in năm 1962, nhà văn Kim Lân đã tạo ra một thế giới nhân vật của riêng ông. Ở đó, những con người nghèo khó và hắt hiu vẫn kiên trì đánh đu với số phận, bật ra bao nhiêu ngậm ngùi lẫn buồn vui sau lũy tre làng.
Sự cộng hưởng giữa người cha - nhà văn Kim Lân và người con - họa sĩ Thành Chương đã đem lại cho bạn đọc một ấn phẩm “Người kép già” hội đủ ý nghĩa vừa thưởng thức vừa sưu tập. Nhất là sự đầu tư in ấn công phu của Công ty Đông A càng khiến tuyển tập “Người kép già” dày hơn 300 trang có vóc dáng của một món quà dành cho những ai quan tâm đến văn hóa đọc. Giá bán của “Người kép già” không rẻ, nhưng giá trị của “Người kép già” thì không hề đắt so với số tiền giới mộ điệu phải bỏ ra.
Tuyển tập “Người kép già” có hai văn bản, một văn bản văn chương của nhà văn Kim Lân và một văn bản hội họa của họa sĩ Thành Chương. Điều ấy được thể hiện rất rõ ràng qua những tác phẩm ít phổ biến của nhà văn Kim Lân. Ví dụ, truyện ngắn “Cơm con” từng được in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy với bút danh Lan Kim vào tháng 8/1943, thì khi đưa vào tuyển tập “Người kép già” càng trở nên thấm thía với bức tranh minh họa của họa sĩ Thành Chương.