| Hotline: 0983.970.780

Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn đến hết ngày 8/7

Thứ Tư 07/07/2021 , 13:22 (GMT+7)

Áp thấp nhiệt đới khi đi vào vịnh Bắc Bộ có khả năng mạnh lên nhưng chỉ ở mức cấp 6-7, giật cấp 9.

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp sáng ngày 7/7. Ảnh Vũ Sinh.

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp sáng ngày 7/7. Ảnh Vũ Sinh.

Sáng 7/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Thông tin tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết ngày trong trưa ngày 7/7, Tổng cục sẽ cử cán bộ trực tiếp xuống Nam Định, Thái Bình để cùng địa phương trực, theo dõi diễn biến thiên tai, việc bắn pháo hiệu cảnh báo...

Tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến sẽ họp với bộ phận trực ban để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai phù hợp đối với các địa phương để có hướng dẫn ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Ngoài ra, ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của áp thấp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Song song tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới chỉ đạo, theo dõi sát tình hình đê điều, mưa lớn, ngập úng... để đảm bảo an toàn đê, hệ thống hồ chứa, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới khi đi vào vịnh Bắc Bộ có khả năng mạnh lên nhưng chỉ ở mức cấp 6-7, giật cấp 9. Khả năng áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Hải Phòng - Thanh Hóa từ khoảng 22h tối nay đến sáng mai (8/7) với cường độ cấp 6-7.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết điểm đáng lưu ý nhất của cơn áp thấp này là hoàn lưu gây mưa lớn từ hôm nay đến hết ngày 8/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt (khu vực mưa lớn nhất tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An). 

Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần đề phòng dông lốc trước và sau khi áp thấp đổ bộ.

Cảnh báo ngập lụt ở các thành phố tại Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi cần lưu ý ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong đêm nay và ngày mai.

Ngoài ra, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ có đợt mưa tương đối lớn.

Đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết Bộ Quốc phòng đã có công điện yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra với tổng số 264.000 người ứng trực và 1.979 phương tiện. 

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.