Sửa Luật theo hướng giải phóng nguồn lực
Chiều 21/2, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và môi trường, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hànhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, bao quát tất cả các lĩnh vực, có tính lịch sử và có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng.
Đất đai là tư liệu sản xuất đầu vào, nền tảng cho sự phát triển kinh tế, liên quan mọi mặt đời sống xã hội và mọi người dân. Giải quyết đúng chính sách pháp luật đất đai không chỉ giải phóng được nguồn lực mà còn là tiền đề để phát triển kinh tế xã hội.
Khái quát các điểm mới, nổi bật của dự thảo Luật sửa đổi, Phó Thủ tướng gợi ý các nội dung để các đại biểu cùng tham gia góp ý kiến, như các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất; vấn đề kinh tế đất đai, định giá đất đai, tài chính đất đai; các nội dung về thu hồi, đền bù, tái định cư… sẽ được thực hiện theo tuần tự nào khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần thiết phải chuyển dịch đất đai…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, quá trình sửa Luật Đất đai chính là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong việc thể chế hoá chủ trương của Đảng. Quốc hội đã cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân, ông mong muốn các ý kiến đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu.
Kiến nghị nâng thời hạn thuê đất nông nghiệp
Góp ý về nội dung các quyền về đất đai, cụ thể là quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm, PGS.TS Nguyễn Thị Nga (Phó trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội) đồng thuận bởi xét khía cạnh quản lý nhà nước, quy định này mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn.
Cụ thể, thời hạn cho thuê đất cho mục đích đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, thời hạn tối đa là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Nếu chủ thể lựa chọn phương thức trả tiền hằng năm, nhà nước sẽ chủ động điều tiết nguồn thu sát với thực tế biến động của thị trường từ đó, Nhà nước sẽ thu đúng, thu đủ tiền cho thuê đất mà không bị thâm hụt, lãng phí.
Xét ở góc độ nhà đầu tư, họ sẽ được lợi thế trong việc thu xếp nguồn tài chính (đóng tiền thuê đất nhiều lần, không phải đóng một lần), linh hoạt hơn trong việc gia nhập hay rút khỏi thương trường.
Ngoài ra, bà Nga kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến việc bán, cho thuê thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất có phải là điều kiện luôn song hành cùng nhau hay có thể tách rời khi thực hiện giao dịch; sự khác nhau giữa quyền cho thuê, cho thuê lại “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất”…
Khắc phục lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân
Tham luận tại Hội nghị, nguỵên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật Đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013.
“Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.
Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân” – đại biểu Phan Trọng Lý cho biết.
Theo ông Lý, Dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữ chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.
Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo kiểm tra giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.
Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Dự thảo lần này đã xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không khác so với Luật 2013, song đây là nguyên tắc chung nên hợp lý, tuy vậy với bối cảnh mới cần xem xét.
Cụ thể về việc giải thích từ ngữ: Dự thảo nêu 56 từ ngữ (Luật 2013 chỉ nêu 30 từ ngữ) như vậy là đã cập nhật một số khái niệm có tính thực tiễn. Tuy vậy cần xem xét điều chỉnh khái niệm đã nêu trong dự thảo về: đất xây dựng công trình ngầm, khái niệm hủy hoại đất, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất... còn chưa gắn với thực tế có thể hiểu khác nhau. Ngoài ra, cần bổ sung một số khái niệm như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất...
“Quan trọng là phải thống nhất khái niệm, thuật ngữ trong Luật lần này, bổ sung thêm các khái niệm mới để người dân cùng dễ hiểu” – ông Nghiêm nói.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo ông Nghiêm, dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định cụ thể hơn và khoa học hơn.
Tuy nhiên, ông đề nghị cần rà soát kỹ hơn để tránh trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh, huyện đang triển khai theo Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định lồng ghép trong quy hoạch cấp tỉnh.
Ngoài ra, quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) điều này bất khả thi bởi với khối lượng lớn (hơn 2.000 quy hoạch) thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế, cần nghiên cứu từ kết quả giám sát về quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017.
Ông Nghiêm cũng đề nghị khi lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.