| Hotline: 0983.970.780

Hoang tàn 'rốn lũ' Vực Mấu sau mưa to và xả lũ tần suất lớn

Thứ Bảy 01/10/2022 , 14:47 (GMT+7)

Mưa như thác đổ kết hợp xả lũ tần suất lớn biến thị xã Hoàng Mai thành biển nước, người dân quanh hồ Vực Mấu thêm khiếp đảm. Kí ức buồn 2013 lại ùa về.

Mưa lũ tràn qua cướp đi của người dân thị xã Hoàng Mai nhiều tài sản. Ảnh: Việt Khánh.

Mưa lũ tràn qua cướp đi của người dân thị xã Hoàng Mai nhiều tài sản. Ảnh: Việt Khánh.

Hồ Vực Mấu xả trong đêm, dân không kịp xoay trở

Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hoàn lưu bão số 4. Mưa thối đất thối cát bất kể ngày đêm, tiếp diễn liên hồi suốt nhiều ngày trời, kết hợp hồ Vực Mấu xả tràn đến 3 cửa khiến toàn vùng gần như “tê liệt”. Hiện tại mọi thứ vẫn hết sức rối bời, người dân ở các phường Quỳnh Thiện, Mai Hùng, Quỳnh Vinh, đặc biệt là xã Quỳnh Trang, nơi được xem là “rốn lũ” vẫn chưa hết bàng hoàng trước sức tàn phá khủng khiếp của đợt thiên tai lần này.

Dù chủ động di chuyển đồ đạc, vật dụng lên cao nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Dù chủ động di chuyển đồ đạc, vật dụng lên cao nhưng thiệt hại vẫn rất lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Khuya muộn ngày 30/9, từ đầu dây bên kia, ông Lê Công Vị, công dân xóm 5, xã Quỳnh Trang thông tin: “So với 2 ngày trước nước đã rút được một phần nhưng tình hình vẫn rất đáng lo, hôm nay lãnh đạo thị xã xuống kiểm tra phải di chuyển bằng thuyền mới vào được nhà dân. Nước sông Mai Hùng đang ở mức cao, nhiều điểm vượt cả đường dân sinh, di chuyển đêm hôm thế này rất nguy hiểm”.

Cuộc sống của người dân xã Quỳnh Trang bị đảo lộn, công tác khắc phục sau mưa bão hết sức khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Cuộc sống của người dân xã Quỳnh Trang bị đảo lộn, công tác khắc phục sau mưa bão hết sức khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Đến sáng 1/10, nước lũ rút đáng kể nhưng nỗi bất an của người dân Quỳnh Trang vẫn hiện hữu, các gia đình đang tất tả khắc phục hậu quả. Dù vậy, với diễn biến lúc này, xem ra còn lâu nữa nhịp sống thường nhật mới được hồi sinh.

Nét mỏi mệt còn hằn rõ, ông Lê Công Vị chia sẻ thêm những khoảnh khắc hãi hùng: “Mức độ lần này chỉ thua kém so với trận lũ lịch sử 2013 một chút, còn hơn đứt những năm gần đây. Vùng này thấp trũng, nghe phong phanh có thiên tai là lo cuống cuồng, để giảm thiểu thiệt hại chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế đón lũ, có điều lần này diễn tiến quá nhanh, quá khó lường nên đành lực bất tòng tâm. Nước lũ cao đến 2m, cao hơn bình quân các năm 1m, nhiều đồ đạc, vật dụng không kịp di chuyển đã hỏng. Sau bão lũ nảy sinh muôn vàn vấn đề bức bí, nan giải nhất là nước sinh hoạt, tình trạng trên kéo dài ngày nào dân chúng bất an ngày đó”.

Chị Đậu Thị Thu xót xa kiểm tra lại vườn rau ngập úng. Ảnh: Việt Khánh.

Chị Đậu Thị Thu xót xa kiểm tra lại vườn rau ngập úng. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng xóm nhà ông Vị, chị Đậu Thị Thu đến giờ vẫn chưa kịp hoàn hồn. Chị Thu kể, lũ năm nào cũng “ghé thăm” nhưng lần này quá tai ương, phút chốc đã làm đảo lộn tất cả: “Nửa đêm nửa hôm, nước tràn về như thác đổ khiến ai nấy đều hoang mang tột độ. 3h sáng, gia đình tôi tỉnh giấc thì tất cả đã muộn. Nước dâng quá nhanh, chỉ phút chốc đã ngập trắng băng, đến việc di chuyển còn khó khăn thì nói gì đến công tác ứng phó. Hì hục đưa được vật dụng thiết yếu lên cao thì mất nguyên đàn gà hàng trăm con lớn bé đủ loại, chưa kể nhiều diện tích rau màu cũng nát bấy đi rồi, quả thật khổ không sao kể xiết”.

Mưa lớn bất thường chỉ là một phần, nếu hồ Vực Mấu không xả tràn 3 cửa chắc chắn thiệt hại không lớn đến thế. Nhiều người dân khu vực lân cận quả quyết, họ chỉ nắm bắt thông tin xả tràn 2 cửa trong ngày 28/9, việc xả thêm cửa còn lại vào rạng sáng 30/9 chẳng khác nào đánh úp.

Bão lũ qua đi, mất mát nằm lại

Ông Lê Đăng Thăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang thừa nhận thiên tai lần này lớn hơn các năm trước, trước mắt toàn bộ diện tích ao nuôi và rau màu của người dân gần như mất trắng.

Anh Lê Công Ý, con trai ông Lê Công Vị là một trường hợp như thế. Ngay trong đêm 29/9, anh Ý cùng vợ quần thảo ròng rã trong mưa bão hòng giữ đàn gà hơn 400 con, nhưng sức người có hạn, càng vẫy vùng càng thêm phần chua xót. Giữa đêm tối lọ mọ, nước lũ chảy xiết đến rợn người, hì hục mãi mới vớ được 2 tấm ván gác vội trên thành chuồng, con nào trụ vững thì sống, bằng không trôi tuột hết theo dòng nước bạc. Khi trời ló rạng, nhìn gà chết la liệt, nằm ngổn ngang quanh mép cống, người nuôi không kìm nổi lòng:

“Bao nhiêu vốn liếng, công sức chăm bẵm để rồi như thế này đây. Cả đàn gà chết gần hết, sáng nay phải vơ vội đem đi tiêu hủy để tránh ô nhiễm, xót tiền xót của nhưng chẳng biết xoay xở ra sao. Số gà còn lại họa lắm còn 100 con, chúng dầm mình lâu trong nước chắc cũng khó sống”, anh Ý buồn bã.

Đàn gà của gia đình anh Lê Công Ý chết nhan nhản sau khi nước lũ tràn về. Ảnh: Việt Khánh. 

Đàn gà của gia đình anh Lê Công Ý chết nhan nhản sau khi nước lũ tràn về. Ảnh: Việt Khánh. 

Cám cảnh hơn nữa là hộ ông Lê Công Thương, cũng trú tại xóm 5, xã Quỳnh Trang. 2 vợ chồng có với nhau 4 mặt con, do gia cảnh khốn khó tất cả đều phải đi làm xa, thành thử chỉ 2 người già ở nhà nương tựa vào nhau rau cháo sống qua ngày. Thế nhưng ông trời khéo trêu lòng người, bão lũ đi qua trong chớp mắt “cướp” đi tất cả:

“Ở tuổi này không thể làm việc nặng, tôi và bà nhà tranh thủ cải tạo ruộng vườn, vun trồng vài ba luống rau cốt kiếm đôi đồng trang trải cuộc sống, giảm tải gánh nặng cho con cháu chừng nào tốt chừng ấy, thế mà mất sạch. Thiên tai chẳng ai lường trước được, gia đình đã chủ động nâng nền nhà lên gần 1m nhưng nước vẫn tràn lênh láng khắp nơi, quả thực khốn khó vô cùng”, nói đến đây ông Thương thở dài thườn thượt.

Sau 1 đêm, vườn rau của ông Lê Công Thương không còn nguyên vẹn. Ảnh: Việt Khánh. 

Sau 1 đêm, vườn rau của ông Lê Công Thương không còn nguyên vẹn. Ảnh: Việt Khánh. 

Thiệt hại nặng nhất hẳn là trường hợp của gia đình chị Hoàng Thị Thúy. Chỉ sau 1 đêm, trang trại quy mô, nuôi đủ chủng loại (cá, gà, thỏ, dê…) của 2 vợ chồng chẳng biến thành 1 đống đổ nát, cảnh tượng quá kinh hoàng.

Trước đây, gia đình chị Thúy nuôi ngay tại nhà trên khoảng đất cao, lo sợ ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường chung nên quyết định di dời ra đây từ 6 năm trước, tuy nhiên làm đến đâu lỗ chổng vó đến đó. Năm ngoái cũng trải qua 1 phen điêu đứng vì lụt lội, cũng may được người dân hỗ trợ, di dời kịp thời gia súc, gia cầm nên hạn chế được phần nào.

Gia đình chị Lê Thị Thúy mất trắng 300 - 400 triệu. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình chị Lê Thị Thúy mất trắng 300 - 400 triệu. Ảnh: Việt Khánh.

Rút kinh nghiệm, năm nay gia đình đã chủ động nâng cấp sàn, chuồng lên cao, tưởng rằng đã ổn nhưng chung quy chẳng chẳng bì được sức nước kinh người, tính ra 37 con gà trống, 310 con gà mái đẻ, hơn 500 gà con, 2 bè cá, một bè khoảng 500 - 600 con đều chung số phận. Đã thế, nguyên đàn thỏ 46 con giờ chỉ sót lại độc nhất 1 con. Tổng cộng, mưa bão "ngốn" của gia đình khoảng 300 – 400 triệu. Đáng nói, phần lớn nguồn trên có được nhờ huy động người thân và cầm cố ngân hàng.

Dù cho trước đó đã chủ động di chuyển gia súc, gia cầm lên cao. Ảnh: Việt Khánh.

Dù cho trước đó đã chủ động di chuyển gia súc, gia cầm lên cao. Ảnh: Việt Khánh.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.