| Hotline: 0983.970.780

Hội An xây dựng NTM từ nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch

Thứ Bảy 12/09/2020 , 20:05 (GMT+7)

TP Hội An (Quảng Nam) đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí NTM để xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Văn phòng điều phối NTM Thành phố Hội An, sản xuất nông nghiệp hướng đến tạo sản phẩm phục vụ cho du lịch hoặc gắn với thu hút khách du lịch (như tạo điểm tham quan trải nghiệm cho du khách) đã được khai thác một cách hiệu quả trong gần 10 năm qua.

Làng rau Trà Quế là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP Hội An. Ảnh: L.K.

Làng rau Trà Quế là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP Hội An. Ảnh: L.K.

Nổi bật như điểm làng rau truyền thông Trà Quế, phiên chợ thế kỷ 17 trên cánh đồng lúa… và gần đây là các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng tạo cho du khách một sự hấp dẫn trong trải nghiệm làm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Nhiều doanh nghiệp trên cơ sở các mô hình nông nghiệp hữu cơ đã phát triển thành một tour du lịch theo chuỗi (sản xuất, thu hoạch, chế biến và thưởng thức các món ăn từ nguyên liệu hữu cơ) mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Để du lịch phát triển bền vững, trong chiến lược phát triển, TP Hội An đã tập trung các giải pháp xây dựng thành phố văn hóa và sinh thái; trong đó môi trường sinh thái cần được tạo dựng không chỉ làm tốt công tác bảo tồn mà còn bảo vệ, nói không với các hoạt động hủy hoại môi trường sống.

“Ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thì phương pháp canh tác không dùng hóa chất của nông nghiệp hữu cơ là giải pháp tối ưu cho việc bảo vệ nguồn đất, nước đang ngày càng bị ô nhiễm trên các diện tích sản xuất nông nghiệp vốn đã ít của thành phố và rất được du khách quan tâm. Điều này chúng tôi cũng học được từ cách làm nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch tại Chiang mai, Thái Lan”, Đại diện Văn phòng điều phối NTM Hội An cho biết.

Với sự giúp đỡ của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tổ chức Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD), từ nguồn kinh phí sự nghiệp NTM của tỉnh và Trung ương, từ năm 2013 đến nay, TP Hội An đã xây dựng 11 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với trên 5,3 ha (trong đó đã chứng nhận 1,4 ha; đang chuyển đổi 2,7 ha và đang triển khai 1,2 ha) với nhiều chủng loại cây.

Trong đó mô hình rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) của 10 hộ nông dân được đánh giá là mô hình tiên tiến nhất, điển hình nhất về sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch của thành phố và của cả nước. Đây là điểm không những phục vụ cho các tour du lịch trải nghiệm mà còn là điểm học tập ngoại khóa của học sinh, sinh viên cả Việt Nam và quốc tế.

Nhóm Thanh Đông đã và đang sản xuất gần 20 chủng loại rau quả khác nhau, được sản xuất quanh năm tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, đạt bình quân 1.000kg/tháng, thu nhập đạt bình quân 4 triệu đồng/tháng/400m2 và đã được thanh tra cấp chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ PGS từ tháng 12/2014.

Bên cạnh thu nhập đạt được từ sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng được tăng thu nhập và nâng cao năng lực từ các hoạt động du lịch trải nghiệm, đào tạo các lớp nấu ăn như kết hợp điểm giáo dục ngoại khóa về sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, điểm tham quan du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch, nông nghiệp truyền thống (hàng tháng đón khoảng 100 – 150 khách du lịch  - Hợp đồng với Cty Etours Hội An), thu nhập tăng thêm từ hoạt động này từ 2 – 3 triệu đồng/nông dân/tháng.

Đặc biệt, từ cuối năm 2019, từ Tổ hợp tác, nhóm Thanh Đông đã phát triển thành Hợp tác xã rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông, đánh dấu bước phát triển về hình thức tổ chức sản xuất của mô hình.

Để thúc đầy nông nghiệp hữu cơ phát triển, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố. Theo đó, địa phương tiến hành phân vùng sản xuất hợp lý, nhấn mạnh vùng trọng điểm nông nghiệp hữu cơ thành phố, lồng ghép phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các đề án xây dựng NTM các xã, các Đề án chuyên đề của thành phố để sử dụng tổng hợp các nguồn kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, thành phố cũng thành lập Ban điều phối PGS gồm nhiều thành viên (người sản xuất, ngành kỹ thuật, các hội đoàn thể, người tiêu dùng, doanh nghiệp…). Đây là hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và cá nhân có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ;  thực hiện quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ trên địa bàn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.