| Hotline: 0983.970.780

Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A (Hậu Giang):

Phát huy tối đa các nguồn lực để đạt tiêu chí nâng cao

Thứ Ba 08/09/2020 , 08:44 (GMT+7)

Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM huyện Châu Thành A đã chia sẻ với NNVN về mục tiêu xây dựng NTM.

Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Ảnh Trọng Linh.

Ông Võ Quốc Sử, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Ảnh Trọng Linh.

Thưa ông năm 2020, mục tiêu đặt ra trong chương trình xây dựng NTM của huyện Châu Thành A như thế nào và kết quả đạt được đến nay?

Cuối năm 2019, huyện Châu Thành A đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt trước thời gian 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao. Để tiếp tục thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh việc duy trì, nâng chất các tiêu chí huyện NTM, huyện đã triển khai kế hoạch số 1071/KH-UBND ngày 15/6/2020 về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng xã NTM nâng cao năm 2020. Theo đó phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện sẽ có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt chuẩn NTM tối thiểu đạt từ 8 đến 12 tiêu chí nâng cao.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, cùng với sự nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị và sự chung sức của nhân dân huyện Châu Thành A, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 8 năm 2020), việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2020 của huyện đã đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, xã Thạnh Xuân đã được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao tại Quyết định số 994/QĐ-UBND ngày 10/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Các xã còn lại tự đánh giá kết quả thực hiện đạt từ 5-6 tiêu chí NTM nâng cao (xã Trường Long Tây, Trường Long A, Tân Hòa: 6 tiêu chí/xã; Tân Phú Thạnh, Nhơn Nghĩa A: 5 tiêu chí/xã.

Được biết năm 2020, mục tiêu của huyện là phấn đấu để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Thạnh Xuân. Theo đó, đến nay mục tiêu này đã đạt được như thế nào?

Ngày 15/6/2020 vừa qua, UBND huyện đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng xã NTM nâng cao năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2020 huyện sẽ có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, cụ thể là xã Thạnh Xuân.

Xã Thạnh Xuân được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2017, sau gần 3 năm phấn đấu, đến ngày 20/6/2020 xã Thạnh Xuân đã được UBND tỉnh Hâu Giang quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Xuân nói riêng, huyện Châu Thành A nói chung.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Châu Thành A đến nay đã đạt được những kết quả như thế nào? Trong triển khai thực hiện chương trình này huyện có những thuận lợi khó khăn gì?

Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện luôn xác định giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của mình khi tham gia thực hiện chương trình.

Để tạo được sự đồng thuận, tạo sự lan toả rộng rãi từ trong nhận thức đến hành động, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, họp dân, tập huấn, gửi tài liệu về nội dung chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phù hợp với từng địa phương. 

Cổng chào huyện NTM Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Cổng chào huyện NTM Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trọng Linh.

Trong năm 2020, huyện lựa chọn 5 sản phẩm đề nghị tỉnh đánh giá xếp hạng. Kết quả có 4 sản phẩm đạt 4 sao bao gồm: sữa dê thanh trùng Ngọc Đào, yaourt sữa dê Ngọc Đào, sữa chua dê sấy khô (sấy thăng hoa), phô mai sữa dê Ngọc Đào và 1 sản phẩm trà (chè) mãng cầu đạt 3 sao.

Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã đạt được những thuận lợi như sau: Huyện Châu Thành A có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, Chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm. 

Tuy nhiên, bênh cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn hạn chế như: Trước hết là tư tưởng và nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về chương trình OCOP, chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình OCOP. Cơ sở sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường. Người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng trong và ngoài huyện.

Kết quả, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống của người dân nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành A đến nay?

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống của người dân nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành A với các nội dung cụ thể như sau: 

Về kết quả đẩy mạnh sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Thực hiện đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huyện đã tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, kết quả tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,18%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp đạt 87,21%, giảm 1,58 % so với năm 2015 (88,79%), thủy sản đạt 12,46%  tăng 1,65% so với năm 2015.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống của người dân: Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực, đúng hướng, phát huy hiệu quả, trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá. Năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng.

 Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung sản xuất có hiệu quả như: Cây lúa (5.000 ha), cây có múi (2.000 ha), xoài (613 ha). Xây dựng 2 cánh đồng lớn ở xã Trường Long Tây và Trường Long A với diện tích 945 ha có 651 hộ tham gia. Đa số nông dân trong cánh đồng lớn đều áp dụng tốt mô hình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm". Chi phí sản xuất trung bình trong năm giảm khoảng 5%, giá thành sản xuất trung bình giảm 6,2%, năng suất trung bình tăng 1,12%, lợi nhuận trung bình tăng 12,97%, công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả.

Chuyển dịch cơ cấu trong từng lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã theo hướng tích cực, giá trị gia tăng ngày càng cao. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 802 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, trong đó có 354 mô hình cho thu nhập đạt từ 50 đến 99 triệu đồng/ha, 208 mô hình đạt từ 100-150 triệu đồng/ha, 240 mô hình đạt từ trên 150 triệu đồng/ha.

Tóm lại, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện Châu Thành A, từ đó ra sức phấn đấu xây dựng làm cho diện mạo nông nghiệp nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.