Tối 29 Tết (ngày 9/2/2013) năm nay, là thời điểm người dân háo hức đón xem chương trình Gặp nhau cuối năm với màn chầu của các Táo, do các nghệ sĩ hài nổi tiếng thủ vai. Khán giả sẽ gặp lại Quốc Khánh, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Vân Dung, Chí Trung, Quang Thắng…, cũng như thư giãn với những vấn đề nóng trong năm được thể hiện qua cách diễn xuất hài hước, dí dỏm.
MƯỢN HIỆN TƯỢNG VĂN HÓA ĐÌNH ĐÁM
Nhằm phản ánh cuộc thi hát đình đám nhất năm 2012 là “Giọng hát Việt" (The Voice). Chương trình Táo quân 2013 chỉ có bốn Táo, bao gồm Giao thông (Chí Trung thủ vai), Văn thể (Minh Hằng thủ vai), Dân sinh (Vân Dung thủ vai) và Kinh tế (Quang Thắng thủ vai). Bốn Táo được ngồi trên những chiếc ghế “chính chủ”, mô phỏng theo 4 chiếc ghế xoay của các huấn luyện viên chương trình “Giọng hát Việt”.
Những câu nói gây cười hay hành động khá lố của chương trình này cũng được các Táo quân “mượn”. Khán giả đặc biệt cười ồ khi nghệ sĩ Chí Trung minh họa hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng giơ tay có chiếc nhẫn kim cương sáng loé và nói: “Hãy về với anh” như để dụ thí sinh. Còn nghệ sĩ Vân Dung thì cười: “Cường thì phải để cho Hà Hồ”.
Các vấn đề thời sự nóng bỏng trong năm được phản ánh như cải cách giáo dục liên tục thay đổi khiến học sinh và phụ huynh không phản ứng kịp; xếp hàng qua đêm nộp đơn xin học cho con; phong bì hối lộ trong ngành y tế; bất động sản đóng băng; vấn đề nợ xấu, tắc đường; vấn đề trùng tu di sản… Ngoài ra, vấn đề nổi cộm nhất là suy thoái bóng đá khi các nhà tài trợ rút lui, thất bại của đội tuyển Việt Nam ở kì AFF Cup gần đây cũng được đưa vào chương trình.
Về hình thức thể hiện, khán giả sẽ ngạc nhiên và thú vị khi các màn báo cáo đều lấy ý tưởng từ những hiện tượng văn hóa. Điển hình như Táo Kinh tế báo cáo bằng điệu nhảy flashmob Hoang Mang Style, được chế từ hiện tượng “nhảy ngựa” trong nhạc phẩm Gangnam Style của Psy, Hàn Quốc. Trong khi đó, Táo Giao thông thì lại báo cáo bằng thơ, Táo Dân sinh bị Ngọc Hoàng đưa vào tình huống dở khóc cười khi bị biến thành bệnh nhân bất đắc dĩ và cảm nhận nỗi khổ sở của họ khi người thầy thuốc thiếu y đức. Còn Táo Văn thể đưa cả đội bóng lên chầu, cầu thủ (Thành Trung thủ vai) thì than khổ vì vấn đề tài trợ, lương thưởng cắt giảm. Thổ Địa (Tự Long thủ vai) là nhân vật mới nhất năm nay, trong đêm diễn, Thổ Địa kể chuyện buồn của người nông dân bị lừa bán đất…
Hầu như các hình thức thể hiện xoay quanh hát, nhảy, có thêm phần đọc thơ nhưng câu chuyện của các Táo năm nay được thể hiện khá hài hước, thú vị và gây ấn tượng đặc biệt cho người xem. Đặc biệt hơn, ca sĩ Minh Quân cũng tham gia Táo Quân năm nay với vai Thiên Lôi, ca sĩ này không ngại làm xấu mình với làn da đen nhẻm và bộ răng vẩu; nhìn chung, Minh Quân chưa gây được nhiều ấn tượng vì lối diễn xuất khá non và cách thoại còn thiếu tự nhiên.
DẤU ẤN BỘ 3: QUỐC KHÁNH - XUÂN BẮC - CÔNG LÝ
Có thể nói, các nghệ sĩ khác có thể luân phiên thay đổi vai diễn nhưng bộ 3 Quốc Khánh, Xuân Bắc và Công Lý, gần như đã trở thành “tâm điểm” của chương trình này. Ngay từ khi chương trình này ra mắt, khán giả đã quá ấn tượng với vai diễn kiệm lời, trầm ngâm nhưng bằng cử chỉ, lời thoạt “đắt”, Quốc Khánh đã “chết vai” với vị trí Ngọc Hoàng.
Tương tự là Xuân Bắc và Công Lý, 2 vai diễn tung hứng và cung cách khác nhau, Nam Tào và Bắc Đẩu là “đặc sản” riêng của nhà đài. Trong 2 đêm diễn tại Cung Văn hóa Việt Xô, Hà Nội, vai “cô Đẩu” của Công Lý khiến khán giả cười ồ, sau cánh gà, Công Lý liên tục chụp ảnh cùng người hâm mộ và kí tặng. Cách hóa trang thành “cô Đẩu” năm nay của Công Lý được nhiều người khen, càng ngày càng nét và điệu bộ thuần thục, đanh đá hơn. Trong khi đó, Xuân Bắc gây được dấu ấn bằng diễn xuất tự nhiên, lời thoại thông minh và đầy chất ngẫu hứng.
Có thể nói, sau nhiều năm gây dựng chương trình Táo quân thì bộ 3 Quốc Khánh - Xuân Bắc - Công Lý là những vai diễn “đóng đinh”, khó có thể thay thế. Sau cánh gà sân khấu, Xuân Bắc chia sẻ: “Đóng bao nhiêu phim, bao nhiêu vở hài nhưng… thỉnh thoảng, đi ra đường vẫn bị gọi là Nam Tào. Về nhà dạo này, vợ con còn gọi là anh Tào ơi”.
LÙM XÙM VIỆC KIỂM DUYỆT
Sau khi hoàn thành việc quay hình, theo dự kiến Táo quân 2013 sẽ được phát sóng vào đêm Giao thừa và song song là phát hành đĩa DVD. Tuy nhiên, thời gian qua, Phòng Quản lý - Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Cục NTBD) đã gửi văn bản tới Đài Truyền hình Việt Nam yêu cầu giải trình xung quanh chương trình Táo quân 2013. Cụ thể, có nhiều chi tiết phản cảm cần được xem xét. Cục NTBD còn cho rằng, chương trình Táo quân 2013 diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô tối 25 - 27/1 chưa được thẩm định nội dung và cấp phép.
Trao đổi với phóng viên báo chí, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ: “Văn bản của Cục NTBD gửi đến VTV không phải kết luận chúng tôi sai phạm. Vấn đề đầu tiên mà chúng tôi sẽ trao đổi kỹ lưỡng với Cục NTBD là chương trình Táo quân tổ chức ghi hình tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô là chương trình biểu diễn để kinh doanh hay chương trình biểu diễn để ghi hình nhằm mục đích phát sóng. Sau khi giải thích đầy đủ xong thì mới có thể trao đổi tiếp các vấn đề khác”.
“Chúng tôi hiện đang xúc tiến công việc biên tập nội dung vì so với thời lượng ghi hình tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô là hơn 200 phút thì chương trình phát sóng chỉ khoảng 100 phút. Ngoài ra, chúng tôi còn chèn thêm những đoạn video mới phù hợp hơn và để chương trình thú vị hơn. Một chương trình phát sóng vào đêm Giao thừa và có thương hiệu sẵn như Táo quân thì những người làm càng phải kỹ lưỡng mọi khâu để chương trình đạt chất lượng nhất”, đạo diễn của “Gặp nhau cuối năm” chia sẻ thêm.