| Hotline: 0983.970.780

Hội thảo quốc tế Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo

Thứ Tư 13/12/2023 , 13:38 (GMT+7)

Hậu Giang Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chiều 13/12, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo”. Đây là một trong nhiều sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức tại TP Vị Thanh.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong lúa gạo tại Việt Nam và trên thế giới gồm: Hệ thống canh tác tối ưu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giống mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn, mặn, năng suất, chất lượng, phát thải thấp, và đáp ứng thị trường.

Hội thảo cũng đưa ra những khuyến cáo về quy trình canh tác tiên tiến thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, giảm vật tư đầu vào; cơ giới hóa trong quá trình sản xuất đồng bộ và phù hợp chuỗi giá trị; giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

Một số công nghệ tạo các sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo; sản phẩm từ phụ phẩm rơm rạ, sản phẩm vật tư đầu vào; và nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm tăng giá trị, bền vững, và sản phẩm xanh, sạch cũng sẽ được giới thiệu.

Sự kiện này sẽ hội tụ các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, các nhà xây dựng, hoạch định chính sách, chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp, hội, hiệp hội liên quan đến ngành hàng lúa gạo, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì hệ thống lương thực, thực phẩm nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Các nhà tổ chức kỳ vọng, hội thảo sẽ tạo không gian để các bên liên quan trao đổi, thảo luận, chia sẻ và ký kết, xây dựng sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, sự cam kết tham gia, chung tay cùng phát triển, đồng thời bảo vệ môi trường, gảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ NN-PTNT sẽ ký Biên bản ghi nhớ với Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) để bổ sung những lĩnh vực hợp tác, cơ chế mới chưa đề cập trong MOU giai đoạn 2023-2030, đặc biệt nội dung về thúc đẩy các công nghệ mới và đổi mới sáng tạo cho ngành hàng lúa gạo

Hội thảo đồng thời đưa ra các vấn đề về hỗ trợ kỹ thuật, các công nghệ để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Dưới đây là một số hình ảnh các đại biểu tham dự Hội thảo:

Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Leocadio Sebastian.

Chủ tịch HĐQT Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Leocadio Sebastian.

Hai nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Bùi Bá Bổng tham dự Hội thảo.

Hai nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Bùi Bá Bổng tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia nông nghiệp trong nước tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia nông nghiệp trong nước tham dự Hội thảo.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 00 phút

ts dang kim son

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và là chuyên gia hàng đầu về chính sách nông nghiệp, đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Tham gia tọa đàm, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn và là chuyên gia hàng đầu về chính sách nông nghiệp, cho biết: Đứng trước những thách thức mới, chúng ta phải đối phó với hai vấn đề. Một là vướng mắc tồn tại từ lâu đến bây giờ vẫn chưa tháo gỡ hết và hai là những thách thức đang gặp phải.

Những thách thức cũ thấy rõ, còn thách thức mới, trước hết chúng ta phải xây được cung khoa học công nghệ để có thể xây dựng được lực lượng nghiên cứu khoa học thực sự mạnh mẽ cho lĩnh vực lúa gạo.

Tôi cũng cho rằng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp chính là địa bàn để thử nghiệm tất cả giống mới, máy móc mới, cách thức tổ chức sản xuất mới, quy trình canh tác mới… từ đó rút ra bài học nâng tầm chúng ta lên và lan tỏa cả ra quốc tế. Đưa tư nhân, đưa các tổ chức quốc tế cùng tham gia vào lực lượng nghiên cứu sẽ là đột phá mới trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong thời gian tới.

15 giờ 50 phút

Tăng cường máy thông minh trong nông nghiệp công nghệ cao

Nhập chú thích ảnh

Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Thành, trong một chuyến đi thực địa.

Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Thành, giới thiệu về một số trang thiết bị ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đặc biệt là việc nghiên cứu giải pháp CORS (Continuously Operating Reference Station). Đây là một hệ thống đo đạc toàn cầu dựa trên GPS (Global Positioning System) để cung cấp thông tin về vị trí địa lý và độ cao chính xác cho các ứng dụng địa lý.

Trong nông nghiệp, CORS cung cấp các điểm tham chiếu chính xác trên một khu vực rộng. Nhờ đó, người dùng có thể sử dụng các thiết bị đo đạc và định vị để thực hiện các công việc như đo diện tích ruộng, định vị ranh giới, xác định độ cao, đo lượng mưa, đo nhiệt độ, và các thông số khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Công ty Đại Thành đã hình thành cả một hệ sinh thái máy nông nghiệp và đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình trang trại kỹ thuật số ra cả nước. Cùng với đó, công ty dự định triển khai các trạm giám sát nông nghiệp.

15 giờ 35 phút

Mô hình Bayer Forward Farm đã giảm hơn 50% phát thải trong trồng lúa

Ông Bùi Văn Kịp, Cố vấn cấp cao về khoa học cây trồng (Công ty Bayer Việt Nam) chia sẻ: Chúng tôi đã liên kết nghiên cứu và triển khai mô hình hoàn toàn có thể giảm 50% phát thải carbon trong trồng lúa.

canh tac lua

Công ty Bayer Việt Nam đã liên kết nghiên cứu và triển khai mô hình hoàn toàn có thể giảm 50% phát thải carbon trong trồng lúa (Ảnh minh họa).

Thực hiện cam kết sản xuất lúa gạo bền vững, giảm phát thải, tăng trưởng xanh, Công ty Bayer Việt Nam xác định cần phải có một diễn đàn mà ở đó các đối tác trong chuỗi lúa gạo có thể ngồi lại với nhau thực hiện mô hình dựa vào tập quán người nông dân. Đó là mô hình Bayer Forward Farm.

"Khi chúng tôi thực hiện mô hình này ở Cần Thơ, kết quả ngoài mong đợi. Lợi nhuận của người nông dân tăng 46%. Chúng tôi liên kết với doanh nghiệp Sài Gòn Kim Hồng sạ bằng máy giảm 60% lượng giống, kết hợp với Bình Điền bón phân cân đối hợp lý tổng lượng đạm giảm hơn một nửa, năng suất vẫn cao, lợi nhuận tăng. Để chứng minh cụ thể, chúng tôi đang phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đo lượng phát thải của mô hình ngay trong vụ này. Bayer tin tưởng chúng ta hoàn toàn có thể giảm phát thải", ông Kịp nói.

15 giờ 25 phút

Phụ phẩm nông nghiệp hưởng lợi từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhận xét, việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, giảm phát thải không những để tăng cường xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho người dân, mà còn rất phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hoạt động thu gom rơm rạ giúp mang lại thu nhập cho người trồng lúa.

Hoạt động thu gom rơm rạ giúp mang lại thu nhập cho người trồng lúa.

Theo ông Thuận, các phụ phẩm từ lúa chất lượng cao, như rơm rạ, vỏ trấu có chất lượng tốt hơn so với mặt hàng thông thường. Chẳng hạn, rơm rạ từ lúa chất lượng cao sẽ còn tồn dư dinh dưỡng, rất thích hợp cho việc trồng nấm rơm. Hoặc vỏ trấu từ các loại lúa chất lượng cao sẽ cho năng suất sinh khối tốt hơn.

“Vỏ trấu, qua công nghệ xử lý, hoàn toàn có thể thay thế cho gas tự nhiên. Nếu là phụ phẩm của lúa chất lượng cao, vỏ trấu qua chế biến thậm chí xuất khẩu được”, ông Thuận nói.

Qua các khối tư nhân, HTX, người dân sẽ có đầu ra ổn định hơn cho các sản phẩm từ lúa chất lượng cao, đặc biệt là việc nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Ông Thuận tin rằng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chắc chắn sẽ mang lại sức sống mới cho toàn ngành hàng.

15 giờ 15 phút

4 nội dung trọng tâm WB đồng hành cùng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

z4970646185174_76fe598251d304d589ed7b2c28de440c

TS. Guo Li, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, WB cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên 4 nội dung trọng tâm

TS. Guo Li (chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới - WB) bày tỏ sự vui mừng trước việc Đề án 1 triệu ha lúa của Việt Nam vừa được thông qua, và đã được thông báo rộng rãi tại Dubai trong sự kiện COP28.

WB tự hào khi được đồng hành cùng Bộ NN-PTNT trong việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, WB cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ trên 4 nội dung trọng tâm: tiếp tục cung cấp những đóng góp, kinh nghiệm quốc tế quý giá để giúp Việt Nam xây dựng khung chính sách, pháp lý phù hợp, bao trùm hơn; hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về thể chế tài chính, huy động các nguồn khác nhau, tuy nhiên, con số hỗ trợ bao nhiêu thì phụ thuộc vào đề xuất của Việt Nam. “Quan trọng nhất là chúng ta sử dụng nguồn tài chính vào việc gì”, TS. Guo Li nói.

Ông cho biết, nên sử dụng tiền được hỗ trợ để xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi – thứ góp phần để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; WB hỗ trợ Chính phủ Việt Nam vượt qua khó khăn về tài chính để thực hiện các gói giải pháp khác nhau.

Sau dự án VnSAT, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm quý báu có thể chia sẻ với các quốc gia khác trong lĩnh vực phát triển nền nông nghiệp. “Tuy nhiên, sự phát triển của các quốc gia khác trong thời gian qua ở lĩnh vực nông nghiệp cũng rất thần kỳ, nếu Việt Nam không chạy nhanh, sẽ bị các quốc gia khác vượt qua. Chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam duy trì giữ được khoảng cách an toàn này”, chuyên gia cao cấp của WB cảnh báo.

Ngoài ra, WB sẽ hỗ trợ về lĩnh vực tín chỉ carbon. TS. Guo Li nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới việc làm sao để huy động, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân bởi khu vực tư nhân đóng vai trò là những điểm kết nối thị trường. Để đạt mục tiêu ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy cải tạo thương hiệu gạo Việt ở khu vực ĐBSCL, từ đó đạt được giá cao nhất, cần có sự tham gia của khu vực tư nhân.

15 giờ 00 phút

Công nghệ có vai trò quan trọng trong canh tác lúa giai đoạn hiện nay

ong shin 1

TS. Jongsoo Shin, Giám đốc khu vực châu Á IRRI, phát biểu ý kiến trong phần tọa đàm của Hội thảo.

TS. Jongsoo Shin, Giám đốc khu vực châu Á IRRI cho biết, công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc canh tác lúa giai đoạn hiện nay. Lý giải về điều này, ông Shin nhìn nhận, đây là một xu thế tất yếu bởi những nền tảng như Google đã phủ sóng toàn cầu và có hàng tỷ người dùng khắp thế giới.

Để có thể giải quyết những vấn đề trong ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, TS Shin khuyến cáo nên dựa vào những công nghệ sẵn có, và đã được phát triển tới đỉnh cao như trí tuệ nhân tạo (AI). Đây cũng là một cách để người nông dân có thể ứng dụng nhiều hơn cơ khí hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp.

Vừa qua, IRRI đã phần nào hiện thực hóa mục tiêu này trong việc nghiên cứu, chọn tạo ra 2 loại gạo cụ thể: Japonica và GI thấp. Đây là thành quả từ việc lai ghép từ khoảng 100 giống để chọn ra khoảng 30 giống trồng phù hợp với hạ nguồn sông Mekong, cụ thể là tại Campuchia.

Một vấn đề nữa được TS Shin nhắc khi bàn về quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, đó là tăng cường mối quan hệ hợp tác đa bên. Điều này có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển của các hệ thống nông nghiệp trên thế giới. “Bằng cách hợp tác, IRRI và các quốc gia sẽ mở đường cho việc trồng các giống lúa thân thiện với môi trường, năng suất cao và bổ dưỡng”, ông nói.

14 giờ 50 phút

3 thành tố đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo

ong nguyen hong son

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) nêu 3 thành tố đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng lúa gạo thời gian qua.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, sự phát triển của ngành hàng lúa gạo thời gian qua có đóng góp bởi 3 thành tố, trong đó có sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, thủy lợi.

Ở góc độ các viện, ông Sơn đánh giá, thành công nhất chính là cơ sở nghiên cứu, chọn tạo ra những giống cao sản, chống chịu sâu bệnh. Từ đó, những cải tiến thêm nữa về kỹ thuật canh tác giúp hạt gạo Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới.

Theo ông Sơn, hạt gạo Việt Nam đã tiến bước rất nhanh, trong một thời gian ngắn. Điều ấy được thể hiện trong việc nâng nhanh chóng tổng sản lượng lúa gạo, hiện được giữ ổn định ở mức 42 - 43 triệu tấn lúa. Bên cạnh đó, là những giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế đón nhận.

“Phát triển cây lúa trong thời đại hiện nay đứng trước nhiều khó khăn. Người nông dân không chỉ phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải thích ứng với những yêu cầu về giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn”, ông Sơn nói.

Cùng với chăn nuôi, trồng lúa vấp phải vấn đề lớn về phát thải khí nhà kính. Đây chính là đòi hỏi thực tiễn mà lĩnh vực trồng trọt đặt ra với các khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo lãnh đạo VAAS.

14 giờ 30 phút

Xây dựng hệ thống phòng chống bệnh đạo ôn trên cây lúa ở châu Á

ong obara

Ông Obara - nghiên cứu viên cao cấp của Dự án châu Á xanh (Tổ chức JICA – Nhật Bản).

Theo ông Obara - nghiên cứu viên cao cấp của Dự án châu Á xanh (Tổ chức JICA – Nhật Bản), JICA là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp của Nhật Bản với nhiều chương trình về môi trường khác nhau, có lịch sử thành lập từ năm 1970. Tại Dự án châu Á xanh, Chính phủ Nhật Bản xây dựng một chiến lược có tên Midori để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Nhật Bản đã cam kết thực hiện với quốc tế, như giảm phát thải từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, giảm phân bón hóa học; tăng diện tích canh tác lúa hữu cơ…

Dự án châu Á xanh là dự án vùng của JICA, do Bộ Nông lâm Nhật Bản chủ trì. Quá trình thực hiện dự án, JICA đã có những nghiên cứu để tìm hiểu về đặc điểm chung của nền nông nghiệp vùng châu Á gió mùa nắng nóng, độ ẩm cao; là khu vực trồng lúa rất lớn, nông vụ nhỏ, sản xuất manh mún, và là ngành phát thải khổng lồ khí nhà kính chiếm tới 40% tổng số khí thải…

JICA đã xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện dự án, bao gồm các ban tư vấn về mặt chính sách, khoa học; có những phân tích để có thể thúc đẩy ứng dụng KHCN; nghiên cứu các khu vực khác nhau; xây dựng Trung tâm quốc tế cho chiến lược Midori; các hoạt động danh mục công nghệ được đưa ra cho trung tâm này.

Một nghiên cứu trọng điểm được JICA thực hiện đó là nghiên cứu về bệnh đạo ôn trên cây lúa. Các chuyên gia của JICA nhận thấy, bệnh đạo ôn trên cây lúa là bệnh nguy hại nhất làm sụt giảm tới 30% sản lượng, năng suất. Nếu nghiên cứu được các giống lúa có khả năng kháng bệnh thì sẽ hiệu quả, năng suất hơn.

Một dự án nghiên cứu chuyên sâu về bệnh đạo ôn trên cây lúa được thực hiện, từ việc nghiên cứu thời gian lây nhiễm cho đến cách xử lý của người dân như thế nào… Có những giống lúa có khả năng kháng bệnh ở vùng này nhưng một số thì có thể không kháng ở vùng khác, cái mà JICA gọi là giống lúa nhiễm gen đối gen…

Từ việc nghiên cứu, phân tích, JICA đã xây dựng được Hệ thống phân biệt đạo ôn cấp vùng nhằm giám sát được sự bùng phát của bệnh đạo ôn, sử dụng hệ thống đó để chủ động trong phòng chống bệnh đạo ôn trên cây lúa.

14 giờ 15 phút

ts shin

TS. Jongsoo Shin - Giám đốc phục trách Vùng Châu Á (Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế).

TS. Jongsoo Shin, Giám đốc phục trách Vùng Châu Á (Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế) phát biểu: Như TS. Cao Đức Phát đã đề cập, trong quá khứ giữa IRRI và Bộ NN-PTNT đã có quá trình hợp tác lâu dài, với khoảng hơn 100 dự án, cùng nhau có những đóng góp góp phần canh tác lúa bền vững ở Việt Nam.

Những giải pháp cũ không thể đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, để tiếp tục các chương trình hợp tác, lãnh đạo IRRI luôn định hướng nghiên cứu tập trung vào những vấn đề mang tính giải pháp, vượt qua những thách thức, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới.

Thứ nhất là vấn đề nghiên cứu giống thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam. Trọng tâm trong hoạt động IRRI là cung cấp giống mới, đặc biệt là giống lúa gạo có giá trị cao, đề cao vấn đề dinh dưỡng trong lúa gạo. Hiện IRRI đang có 2 dự án lớn tập trung nghiên cứu các loại giống lúa gạo có chỉ số đường huyết GI thấp. Nếu ứng dụng thành công, người nông dân Việt Nam sản xuất giống lúa gạo này có thể bán cho người tiêu dùng với giá rất cao.

Thứ hai, là vấn đề giảm phát thải trong quá trình canh tác lúa gạo. IRRI tập trung nghiên cứu quy trình sản xuất giảm sử dụng vật tư đầu vào, giảm sử dụng nước để từ đó giảm phát thải khí mê tan trong quá trình canh tác. Cơ giới hóa gieo sạ là một giải pháp điển hình, giúp giảm ít nhất 50% lượng giống, 20% lượng đạm, tăng năng suất lên 5%, đồng thời giảm 10% phát thải carbon trong quá trình sản xuất.

Thứ ba, IRRI cũng nghiên cứu hỗ trợ nâng cao năng lực khuyến nông, hỗ trợ phát triển khuyến nông điện tử với nguồn hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới. Các chương trình nâng cao vai trò khuyến nông, nâng cao năng lực người nông dân sẽ được tập trung cải thiện, nhất là trong quá trình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

14 giờ 00 phút

Lúa gạo hiện vẫn chỉ đơn giá trị

ong tran ngoc thach

TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nêu ra các thách thức trong nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam.

TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nói lúa là cây trồng phổ biến ở khắp nơi của Việt Nam, trong nhiều năm qua, mặc dù diện tích trồng giảm dần nhưng năng suất lúa của Việt Nam liên tục tăng. Có thể nói, nhiều khu vực ở Việt Nam, sản lượng lúa gạo làm ra đều dư thừa, có nơi gấp 2, gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.

Đó là kết quả của những cơ chế chính sách hợp lý, có những công trình thủy lợi tốt được đầu tư bài bản, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức và cuối cùng là sự năng động, sáng tạo, cần cù của người nông dân.

Trong công tác nghiên cứu, có nhiều đơn vị trong và ngoài nhà nước tham gia, trong đó có nhiều viện, trường của Bộ NN-PTNT. Hiện nay, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam được xem là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu lúa gạo và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chuyên nghiên cứu cho khu vực này.

Trong quá trình phát triển, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ lai chọn giống lúa (lúa thuần và lúa lai), trong đó chọn giống theo phả hệ và lai hồi giao có ứng dụng dấu chỉ thị phân tử (MABC) là chủ đạo. Ngoài ra, phát triển được bộ giống lúa nội địa: có tiềm năng năng suất và chất lượng cao cho sản xuất, chiếm > 80% diện tích gieo trồng lúa cả nước.

Ông Trần Ngọc Thạch cũng nhấn mạnh, công tác nghiên cứu giống lúa mới giúp nâng cao năng suất và khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện bất thuận của môi trường (hạn, phèn, mặn, ngập...) Bên cạnh đó là nghiên cứu chọn tạo giống lúa nâng cao chất lượng, dinh dưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài nghiên cứu, cũng phải lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa gạo cho từng vùng sinh thái ở Việt Nam. Ví dụ như, quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pest Management-IPM) hay quản lý dinh dưỡng tổng hợp (Integrated Nutrient Mannagement- INM), bón phân theo vùng chuyên biệt (Site-specific Nutrient Management-SSNM), kết hợp với Bảng so màu lá lúa (Leaf colar chart-LCC)... Đối với sâu bệnh, công tác nghiên cứu đã phát triển các chế phẩm vi sinh phòng trừ sâu bệnh trên lúa.

Tổng kết lại, ông Trần Ngọc Thạch nêu ra những bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đó là những vấn đề liên quan đến bộ giống lúa mới, quy trình kỹ thuật canh tác lúa, sự vào cuộc của Hệ thống khuyến nông, vai trò hợp tác quốc tế và sự năng động, cần cù và sẵn sàng tiếp nhận và áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất của người nông dân.

Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng nêu ra các thách thức trong nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam, đó là sâu bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, lúa gạo vẫn chỉ đơn giá trị và hạn chế trong nghiên cứu cơ bản.

13 giờ 50 phút

Cần tăng 70 triệu tấn gạo sản xuất đến năm 2050

ong phat

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu tại Hội thảo.

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, lúa gạo gắn bó với cuộc sống của gần một nửa nhân loại.

Thời gian qua, nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, sáng tạo và có nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được đưa vào sản xuất. Nổi bật là nhiều giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng gạo ngon trồng ở nhiều nước châu Á, châu Phi; gạo có hàm lượng Glycemic thấp của IRRI; lúa lâu năm ở Trung Quốc; nhiều giống lúa kháng sâu bệnh, chống chịu các điều kiện bất lợi; kỹ thuật trồng lúa giảm phát thải KNK…

Đối với thế giới, cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng năng suất lúa khoảng 0,5%/năm để tiếp tục tăng sản lượng gạo từ khoảng 520 triệu tấn hiện nay lên khoảng 580-600 triệu tấn vào năm 2050, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho khoảng 4 tỷ người”, ông Phát nói.

Để phát triển có hiệu quả, mỗi nước sẽ có những hướng đi riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nghiên cứu khoa học cần bám sát đáp ứng yêu cầu của các định hướng phát triển đó.

Qua hội thảo chiều 13/12, ông Phát kỳ vọng, các bên liên quan sẽ giúp làm rõ hơn các hướng trọng tâm và giải pháp để nâng cao hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị lúa gạo cho không chỉ cho Việt Nam mà còn đóng góp cho nỗ lực chung toàn cầu.

13 giờ 40 phút

Kéo người nông dân đến gần hơn con đường tăng trưởng xanh

ong dong van thanh

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh khẳng định, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) là xu thế và là hướng đi lâu dài để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, bền vững.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ, những thành quả về năng suất, sản lượng của ngành hàng lúa gạo hiện nay là sự đóng góp không ngừng nghỉ, là thành quả lao động của đội ngũ chuyên gia, nông dân trong chọn tạo giống. Trong bối cảnh nhiều thách thức đến từ nguồn thiên nhiên cạn kiệt, biến đổi khí hậu... gây ảnh hưởng lớn tới phát triển nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng, việc đưa vào và nhân rộng KHCN, ĐMST là hướng đi cần thiết để phát triển ngành lúa gạo bền vững với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp vào an ninh lương thực thế giới.

Cũng theo lời ông Đồng Văn Thanh, việc ứng dụng KHCN, ĐMST là xu thế và là hướng đi lâu dài để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, bền vững.

Đề cập về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang nhận định đây sẽ là cơ hội để ĐBSCL tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như thực hiện cam kết của quốc gia về phát triển xanh, giảm phát thải ròng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bày tỏ tin tưởng rằng, với trí tuệ, sự tâm huyết của các nhà khoa học, người nghiên cứu, cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp... sẽ kéo người nông dân đến gần hơn con đường tăng trưởng xanh, phát thải thấp với sự góp sức của khoa học công nghệ.

13 giờ 30 phút

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần làm nên lịch sử ngành hàng lúa gạo Việt Nam

z4970219796718_a762dc4db8b691e5ef27801dd5d0de7a

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tin tưởng Hội thảo sẽ là sự kiện kết nối giữa các quốc gia, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực...

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung lưu ý về tác động của El Nino đối với sản xuất nông nghiệp và tình trạng nguồn cung gián đoạn sẽ tiếp tục gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nông nghiệp toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải đảm bảo nhu cầu lương thực, dinh dưỡng vừa chịu áp lực gia tăng dân số, mất tài nguyên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong đó, ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo và hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới, và hiện giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, để có được những thành tựu nổi bật trong ngành hàng lúa gạo, không thể thiếu vắng sự đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Về giống lúa, các nhà chọn tạo giống Việt Nam đã làm chủ công nghệ và chọn tạo được bộ giống lúa rất đa dạng, phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu cụ thể như bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chịu phèn, mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, giống lúa năng suất cao phục vụ chế biến... Đến nay, các giống lúa do các nhà khoa học chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước.

Về quy trình thâm canh, các kỹ thuật tiên tiến, qui trình canh tác lúa tổng hợp đã được phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Quy trình sử dụng phân bón cân đối, từ liều lượng và tỉ lệ, bón đúng thời kỳ và đúng cách, đúng chủng loại và phù hợp về dạng phân bón cho mỗi vùng đặc thù đã được ứng dụng, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân; các với các kỹ thuật canh tác giảm lượng giống gieo sạ, bón phân hợp lý, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng nấm đối kháng để quản lý dịch hại…

Về công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu, để giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch.

"Việc ứng dụng KHCN và ĐMST trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã góp phần làm lên lịch sử ngành hàng lúa gạo với những kết quả như ngày hôm nay. Tuy nhiên, để KHCN và ĐMST tiếp tục là động lực phát triển một ngành hàng lúa gạo với giá trị gia tăng cao, bền vững, phát thải thấp thì việc tiếp tuc đầu tư nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là giải pháp tất yếu và quan trọng", Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT tin tưởng, Hội thảo quốc tế KHCN và đổi mới sáng tạo về lúa gạo là sự kiện kết nối giữa các quốc gia, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực...

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.