| Hotline: 0983.970.780

Hội thảo về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Thứ Hai 20/04/2015 , 09:18 (GMT+7)

Tại hội thảo, nhiều đại biểu có chung đề xuất là cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời tích tụ ruộng đất song song với quy hoạch ruộng đất, quy hoạch lại sự phát triển nông nghiệp và nông thôn. 

Cuối tuần qua, tại Hà Nam, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa - đột phá phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị - từ thực tiễn Hà Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu nhất quán là nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, đưa đời sống của người nông dân ngày một nâng cao.

Những năm qua, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đạt được những thành tích to lớn. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi mạnh mẽ, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn cho thấy, công cuộc này còn những hạn chế, thách thức cần sớm phải giải quyết.

Ông Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, cho biết, tỉnh  luôn coi trọng vấn đề phát triển nông thôn, nông thôn. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng nông thôn, hình thành liên kết SX giữa DN với hộ nông dân, tổ chức các mô hình SX… nhằm phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng SX hàng hóa có quy mô lớn, công nghệ hiện đại.

Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng nông thôn, Hà Nam đã xây dựng được gần 3.000 km đường thôn xóm bằng bê tông, trên 600 km đường nội đồng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, quá trình phát triển, hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tỉnh vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức.

GS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế nông nghiệp của miền Bắc vẫn chủ yếu dựa vào kinh tế hộ có tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Hiện chỉ có chưa đến 10% số HTX DVNN hoạt động hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ, muốn có công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiệu quả thì năng lực quản lý của cán bộ cấp cơ sở trực tiếp với người nông dân phải được củng cố, nâng cao.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu có chung đề xuất là cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời tích tụ ruộng đất song song với quy hoạch ruộng đất, quy hoạch lại sự phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thời gian tới, cần phải đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo hướng giúp người nông dân trở thành người nông dân công nghiệp, có tri thức, có khả năng áp dụng khoa học vào SX. Bên cạnh đó, phải tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả chuỗi liên kết SX giữa "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông).

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.