| Hotline: 0983.970.780

Hôm nay, nhãn hiệu ST25 được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Mỹ

Thứ Ba 04/05/2021 , 07:33 (GMT+7)

Nhãn hiệu ST25 số 90009521 của I&T Enterprises Inc sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Mỹ vào ngày 4/5, theo thông báo của Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO).

Chứng cứ do Chủ đơn cung cấp cho USPTO để chứng minh bắt đầu sử dụng trong thương mại tại Mỹ từ tháng 1/2020.

Chứng cứ do Chủ đơn cung cấp cho USPTO để chứng minh bắt đầu sử dụng trong thương mại tại Mỹ từ tháng 1/2020.

Theo Thông báo ngày 14/4/2021 của Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO), nhãn hiệu ST25 số 90009521 của I&T Enterprises Inc (Hoa Kỳ) sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Mỹ vào ngày hôm nay - 4/5/2021. Sau 30 ngày, nếu không có bên thứ ba nào nộp Đơn phản đối thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ.

Trong thời gian qua, dư luận Việt Nam rất quan tâm đến việc một số doanh nghiệp Hoa Kỳ nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho sản phẩm gạo tại Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Có ý kiến cho rằng các cơ quan có liên quan tại Việt Nam cần có biện pháp cần thiết để bảo vệ thương hiệu Việt ở nước ngoài. Trong bài viết này, tác giả xin được góp một góc nhìn mang tính thuần túy chuyên môn về vấn đề này.

Dưới góc nhìn của tác giả bài viết này, thương hiệu hoặc nhãn hiệu là một trong những tài sản của doanh nghiệp. Nó giá trị hay không tùy thuộc vào việc chủ sở hữu của nó khai thác, sử dụng nó có hiệu quả không.

Từ khi đổi mới đến nay, doanh nghiệp Việt đã xây dựng được nhiều thương hiệu có giá trị như Dạ Lan, P/S, Kinh Đô, Bia Sài Gòn và hiện tại là Vincom, Vietcombank, Viettel…  Trong số đó có những thương hiệu mang tính biểu tượng, là niềm tự hào của người Việt Nam như ô tô Vinfast, bánh trứng TIPO, tương ớt Chinsu, cà phê G7 và hiện giờ là gạo ST25. Tuy nhiên, có phải cứ là thương hiệu lớn thì nhà nước phải đứng ra bảo vệ nó ở nước ngoài hay không? Câu trả lời của tôi là không.

Cần khẳng định một cách chắc chắn rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp. Nó mang lại lợi ích và vì lợi ích của doanh nghiệp chứ không phải cho cộng đồng. Do đó, người duy nhất cần quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu phải chính là chủ sở hữu thương hiệu đó.

Việc bảo hộ thương hiệu được chủ sở hữu thương hiệu thực hiện theo các công ước quốc tế như Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Nghị định thư và Công ước Madrid về bảo hộ nhãn hiệu, Hiệp định các khía cạnh thương mại về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)… và nội luật của từng quốc gia. Nhà nước không đóng vai trò là người bảo hộ thương hiệu giúp doanh nghiệp mà chỉ là người lập ra cơ chế bảo hộ mà thôi.

Như vậy, cần nhấn mạnh là nhà nước không thể làm thay, làm giúp hay chịu trách nhiệm gì về việc thương hiệu bị mất ở nước ngoài. Chính chủ sở hữu thương hiệu phải tự mình có ý thức và chủ động bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách đăng ký bảo hộ. Nếu thương hiệu bị ai đó đăng ký trước thì người bị thiệt hại duy nhất là chủ sở hữu thương hiệu.

Liên quan đến thương hiệu gạo ST25, chính chủ sở hữu thương hiệu này chưa nghĩ đến việc xuất khẩu gạo sang Hoa Kỳ, họ mới chỉ chú trọng phát triển giống lúa. Với cách tiếp cận đó, việc “ai đó” đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Hoa Kỳ không hề ảnh hưởng gì tới chủ sở hữu thương hiệu tại Việt Nam.

Đến đây xuất hiện hai câu hỏi quan trọng: (1) ST25 có phải là thương hiệu gạo có thể được bảo hộ tại Hoa Kỳ hay không? Và (2) nếu nó được bảo hộ thì ảnh hưởng tới ai?

Về vấn đề thứ nhất, quan điểm của nhiều chuyên gia nhãn hiệu cho rằng ST25 là tên một loại gạo, do đó không đáp ứng yêu cầu bảo hộ tại Mỹ. Tôi không bình luận về nhận định này bởi vì pháp luật sở hữu trí tuệ tại từng nước là khác nhau. ST25 có thể không đáp ứng yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam nhưng điều đó không có nghĩa là nó cũng không được bảo hộ tại Mỹ.

Theo Thông báo ngày 14/4/2021 của Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO), nhãn hiệu ST25 số 90009521 của I&T Enterprises Inc (Hoa Kỳ) sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Mỹ vào ngày 4/5/2021. Sau 30 ngày, nếu không có bên thứ ba nào nộp đơn phản đối thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ.

Như vậy, theo quan điểm chính thức của USPTO thì nhãn hiệu ST25 đáp ứng yêu cầu bảo hộ độc quyền tại Mỹ cho I&T Enterprises Inc.

Thứ hai, nếu nhãn hiệu ST25 được bảo hộ độc quyền tại Mỹ cho I&T Enterprises Inc sẽ ảnh hưởng tới ai?

Khi nhãn ST25 được bảo hộ độc quyền, I&T Enterprises Inc sẽ có quyền ngăn cản tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, bán gạo gắn nhãn hiệu ST25 trên thị trường Mỹ. Bất kỳ sản phẩm gạo nào trên bao bì có chữ ST25 đều có thể bị coi là hàng giả và gặp rủi ro nghiêm trọng về mặt kinh tế, hành chính, thậm chí là về hình sự.

Như vậy, không phải nhà tạo giống ST25 mà là các thương nhân xuất khẩu gạo ST25 vào thị trường Mỹ mới là người cần quan tâm đến việc này và phải có các biện pháp pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền của mình. Trong giai đoạn này, biện pháp tốt nhất là phản đối việc cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu ST25 cho I&T Enterprises Inc. Nếu không kịp thì vẫn có thể theo đuổi một vụ kiện hủy hiệu lực nhãn hiệu này. Tuy nhiên, hủy hiệu lực nhãn hiệu đã được cấp tại Hoa Kỳ luôn là biện pháp đắt đỏ, tốn thời gian và chứa đựng nhiều rủi ro, dù cho theo nhận định chủ quan của tôi, khả năng thành công là khá cao.

Phạm vi bài viết không đi sâu phân tích cách thức phản đối và hủy hiệu lực vì nó là các vấn đề chuyên môn sâu và khá phức tạp.

Tóm lại, cần xác định rõ ST25 là tài sản của nhà tạo giống. Việc bảo hộ thương hiệu ST25 tại bất cứ đâu là sự lựa chọn của họ. Họ có thể bảo hộ nó để được hưởng độc quyền hoặc để nó rơi vào tay người khác hoặc trở thành tài sản chung của loài người mà không ai có thể can thiệp. Và nếu doanh nghiệp nào nhận thấy sự nguy hại khi ST25 rơi vào tay bên thứ ba tại Mỹ hay tại bất cứ đâu thì chính doanh nghiệp ấy phải là người chủ động có biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình, không thể trông chờ hay ỷ lại vào sự can thiệp của nhà nước.

Phản đối doanh nghiệp Mỹ đăng ký nhãn hiệu gạo ST25

Ông Hồ Quang Cua và Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để phản đối doanh nghiệp Mỹ đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ.

Trong 10 ngày qua sự kiện một số doanh nghiệp (DN) Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ liên tục thu hút sự chú ý của các thương nhân trong ngành sản xuất kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo ở Việt Nam và quốc tế. Giống lúa ST25 là niềm tự hào Việt Nam, do nhóm các nhà khoa học tại tỉnh Sóc Trăng - Việt Nam chọn tạo. Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines ST25 đã đạt giải nhất và giải nhì năm 2020 tại Mỹ.

Dự kiến ngày hôm nay (4/5) Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) công bố thông tin về hồ sơ đăng ký nhãn hiệu ST25 của I&T Enterprise, Inc. - một trong 4 DN Mỹ (có 5 hồ sơ) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ. Sau đó, các bên có thể nêu ý kiến phản đối trước và trong 30 ngày sau ngày 4/5. Nếu không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không thuyết phục, USPTO sẽ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại Mỹ.

Được biết, tiếp nhận thông tin trên, về phía ông Hồ Quang Cua đã thuê luật sư của một Công ty Luật quốc tế tại Mỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam hỗ trợ DNTN Hồ Quang Trí thực hiện các thủ tục cần thiết để phản đối doanh nghiệp Mỹ đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ. Tuy nhiên phía gia đình ông Cua từ chối tiết lộ chi tiết vì cho rằng do liên quan tới quyền lợi chung cũng như bảo mật thông tin.

Theo nguồn tin của Báo NNVN, vừa qua Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã trao đổi công hàm với USPTO và cho rằng ST25 là tên một giống lúa nên không thể cấp quyền bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho bất kỳ ai. USPTO đã tiếp nhận và phản hồi tích cực, ghi nhận về vấn đề này. 

Được biết vừa qua, ngày 22/4 tại Úc có một công ty ở nước này nộp đơn đến Văn phòng sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia) xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.

Thời gian kiểm tra hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Úc khoảng 3-4 tháng. 

Hữu Đức

Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ Việt Á

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.