| Hotline: 0983.970.780

Hơn 2.600 người hưởng lợi từ dự án 'Sử dụng phân bón đúng'

Thứ Sáu 05/04/2024 , 16:19 (GMT+7)

Hơn 2.600 cá nhân tại 6 địa phương ở ĐBSH và ĐBSCL sẽ được hưởng lợi từ Dự án 'Sử dụng phân bón đúng' do Bộ NN-PTNT và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tổ chức.

Hơn 2.600 cá nhân sẽ được hưởng lợi từ Dự án Sử dụng phân bón đúng. Ảnh: Tùng Đinh.

Hơn 2.600 cá nhân sẽ được hưởng lợi từ Dự án Sử dụng phân bón đúng. Ảnh: Tùng Đinh.

Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm với ngân sách dự kiến là 4,4 triệu USD, do Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN-PTNT làm chủ dự án và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc (IRRI) là cơ quan thực hiện dự án.

"Sử dụng phân bón đúng" là một dự án được chủ trì và tài trợ bởi Cục Nông nghiệp Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nằm trong khuôn khổ Chương trình Thách thức Phân bón Toàn cầu (Global Fertilizer Challenge) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Các hoạt động của dự án được xây dựng và thực hiện dựa trên nguyên tắc 4 đúng (4Rs) trong quản lý dinh dưỡng, bao gồm yêu cầu sử dụng đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm và đúng địa điểm. Nguyên tắc mà dự án xây dựng tương ứng với nguyên tắc bón phân 5 đúng quy định tại Luật Trồng trọt của Việt Nam, bao gồm đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách.

Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế hiệu quả hơn trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp cận thị trường và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cụ thể, mục tiêu của Dự án là nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng phân bón, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa từ việc sử dụng phân bón đúng.

Dự án được triển khai tại 3 tỉnh đồng bằng sông Hồng (gồm Hải Dương, Thái Bình, Nam Định) và 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (gồm Cần Thơ, Đồng Tháp và Sóc Trăng).

Dự án gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần một là phát triển công nghệ và công cụ nhằm sử dụng phân bón hiệu quả trong trồng lúa. Dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ quản lý dinh dưỡng dựa trên đất; phát triển ứng dụng (App) tích hợp bản đồ dinh dưỡng, sử dụng phân bón đúng và khuyến nông điện tử; đề xuất giải pháp và phát triển công nghệ cơ giới hoá tích hợp với sinh học để xử lý phụ phẩm lúa tại đồng ruộng làm phân bón hữu cơ.

Hợp phần hai là nâng cao năng lực truyền thông cho các bên liên quan về thực hành bón phân đúng cho cây lúa. Trong hợp phần này, dự án hỗ trợ phát triển diễn đàn, kết nối hợp tác quản lý, nghiên cứu, sử dụng và thị trường phân bón; xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón đúng và tập huấn về bón phân theo vùng chuyên biệt, kỹ thuật xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ v.v.

Và hợp phần ba là giám sát và đánh giá việc thực hiện dự án.

Về kết quả, dự kiến sẽ có hơn 2.600 cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ đào tạo ngắn hạn do dự án hỗ trợ với 24 tổ chức tham gia và được tăng cường năng lực trong khi triển khai dự án.

Trong quá trình thực hiện dự án, các loại khí nhà kính như CH4, N2O cũng được tiết giảm, tính tương đương sang CO2 sẽ là 56.000 tấn CO2/năm so với thời điểm trước đó.

Để thực hiện dự án, 1 mạng lưới đối tác được thành lập trong nước hoặc khu vực để thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt sử dụng phân bón bền vững (GAP), phát triển dựa trên các nền tảng có sẵn của Cục Bảo vệ thực vật. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ mạng lưới này tham gia vào diễn đàn phân bón quốc tế của USDA.

Ngoài ra, còn có 4 công nghệ hoặc thực hành được phát triển, chia sẻ hoặc hỗ trợ để giúp tăng hiệu suất sử dụng phân bón, nâng cao hiệu quả của phân bón và phát triển các giải pháp thay thế cho phân bón hóa học nhằm cải thiện sức khỏe và độ phì nhiêu của đất.

Thêm vào đó, các quy trình kỹ thuật và sổ tay hướng dẫn sử dụng phân bón đúng cho các đối tượng nghiên cứu tại các vùng cụ thể thực hiện Dự án sẽ được xây dựng.

Dự kiến trong thời gian 4 năm triển khai Dự án (từ năm 2024 đến 2027), với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các nhà khoa học của Việt Nam, đối tượng thụ hưởng chính của dự án là người nông dân tại các tỉnh dự án sẽ được tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hành nông nghiệp chính xác nhằm sử dụng tối ưu đầu vào bao gồm phân bón trong trồng lúa, để từ đó có thể nhân rộng các kinh nghiệm tốt trong cả nước.

Xem thêm
Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?