Ngày 4/3, tại HTX New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH MTV Tư Sang tổ chức triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL trong vụ lúa hè thu 2024.
Mô hình nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính.
Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Trong vụ lúa hè thu năm nay, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh tại hộ ông Đồng Văn Cảnh ở phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt TP Cần Thơ) là thành viên HTX New Green Farm với diện tích tham gia thực hiện 1,2ha.
Giống lúa sử dụng trong mô hình là giống xác nhận OM18, mật độ gieo sạ 60kg/ha, khoảng cách hàng rộng - hẹp là 35 x 15cm. Lượng phân đạm sử dụng cho nghiệm thức trong mô hình là 73kg/ha (giảm 20% so với canh tác truyền thống).
Ngay sau khi gieo sạ, các đơn vị đã tiến hành lắp đặt buồng đo nồng độ khí metan tự động và cảm biến đo mực nước tự động. Mô hình được thực hiện nhằm đồng hành và hỗ trợ Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Ông Đồng Văn Cảnh, thành viên HTX New Green Farm tham gia mô hình cho biết: Trước khi cho gieo sạ, ông tiến hành trục trạc đất cho bằng phẳng, đánh đường nước. Việc gieo sạ được thực hiện bằng máy sạ hàng do Công ty Tư Sang sản xuất, đảm bảo vừa sạ lúa kết hợp bón vùi phân.
Giống sử dụng phải là hạt giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp xác nhận trở lên. Trước khi ngâm ủ, hạt giống được phơi khoảng 2 - 3 giờ và thử độ nảy mầm. Xử lý hạt giống với nước muối 15% khoảng 10 phút, sau đó rửa nhiều lần bằng nước sạch. Hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần phá miên trạng để tăng độ nảy mầm bằng cách xử lý axit nitric 0,2%. Hạt nứt nanh (ức bồ câu) đạt chuẩn mới đưa vào máy gieo. Mật độ gieo điều chỉnh 60kg/ha, gieo bằng máy sạ hàng.
Đối với phân bón, thực hiện theo quy trình bón phân của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, gồm 1 lần bón lót và 2 lần bón (bón vùi và bón đón đòng).
Bón lót sử dụng phân bón Đầu trâu Bio-Canxi Bình Điền (22% CaO, 2,2% MgO, N 1,5%), lượng bón 150kg/ha. Bón vùi sử dụng phân Đầu trâu Bio Lúa 1 (19-12-6), lượng bón từ 220 - 240kg/ha. Bón đón đòng phân bón Bình Điền Bio Lúa 2 (17-4-15), lượng bón từ 100 - 150kg/ha.
Quản lý dịch hại trước, trong và sau vụ lúa phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc BVTV, phòng chuột hại và ốc bươu vàng gây hại. Sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Phòng trừ cỏ dại sử dụng thuốc diệt cỏ kết hợp nhóm tiền nảy mầm (Pretilachlor, Butachlor) và nhóm thuốc hậu nảy mầm (Bispyribac Sodium, Pyrazosulfuron Ethyl).
Đối với ruộng có lúa cỏ, cần khử bỏ lúa cỏ trước khi rụng hạt, diệt lúa cỏ 1 lần trước khi xuống giống. Phòng trừ ốc hại lúa, chủ động tiêu diệt ốc từ khi còn là trứng như cắm cọc tre, gỗ ở chỗ ngập nước để thu hút ốc đến đẻ trứng, thả vịt, cá để ăn ốc non và trứng ốc. Phòng trừ sâu hại, tùy theo giai đoạn sinh trưởng tiến hành xử lý phòng trừ bằng các loại thuốc BVTV phù hợp.
Quản lý nước theo phương pháp khô - ngập xen kẽ trong điều kiện phù hợp (trước khi vào mùa mưa), khi nước trong ruộng dưới 10 - 15cm so với mặt ruộng mới cho nước vào. Rút nước trước khi gieo, cho nước vào ruộng sớm (5 - 7 ngày sau sạ) để hạn chế cỏ dại. Cho nước vào ngập 3 - 5cm trước mỗi lần bón phân, trước và sau giai đoạn trổ không để ruộng bị thiếu nước. Trước khi thu hoạch 10 - 15 ngày rút nước khô để máy gặt đập liên hợp dễ dàng hoạt động.
Để kiểm soát phát thải khí nhà kính, mô hình sử dụng buồng đo khí phát thải tự động và cảm biến đo mực nước tự động đặt trên ruộng. Rơm rạ phải được thu gom ra khỏi đồng, tránh tình trạng đốt rơm trên đồng sau thu hoạch.