| Hotline: 0983.970.780

Hơn 50 doanh nghiệp Tứ Xuyên tìm cơ hội hợp tác với Việt Nam

Thứ Hai 03/04/2023 , 13:57 (GMT+7)

Thông qua Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, doanh nghiệp hai bên muốn đưa kim ngạch xuất nhập khẩu tương xứng tiềm năng.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu khai mạc hội nghị.

Ngày 3/4, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên). Khoảng 120 công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực tham dự.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, dù vẫn còn dư âm ảnh hưởng của Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt khoảng 175,6 tỉ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam.

Trong số 22 tỉnh và 4 thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc, Tứ Xuyên là thị trường lớn bậc nhất với Việt Nam. Theo ông Tài, điều này có được một phần nhờ các bên liên quan đã tận dụng triệt để Hiệp định RCEP, tuyến đường sắt liên vận. Nhiều doanh nghiệp lớn của Tứ Xuyên đã khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Tứ Xuyên đạt khoảng 11,3 tỉ USD, sụt giảm hơn 20% so với 2021, chiếm tỷ trọng 7,4% tổng kim ngạch của tỉnh Tứ Xuyên. Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định: "Kim ngạch với Tứ Xuyên mới chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch Việt Nam - Trung Quốc, và chưa tương xứng với tiềm năng".

Đầu năm 2023, các hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc đang phục hồi sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhân dịp này, Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên đã tổ chức đoàn công tác gồm hơn 50 doanh nghiệp đến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Bà Hoàng Lê, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên, đánh giá cao tiềm năng, dư địa của sự hợp tác với Việt Nam.

Bà Hoàng Lê, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên, đánh giá cao tiềm năng, dư địa của sự hợp tác với Việt Nam.

Bà Hoàng Lê, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên cho biết, hội nghị ngày 3/4 là cơ hội để hai bên thực hiện các mục tiêu kinh tế, cũng như mở ra một chương mới, một giai đoạn mới cho hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Tứ Xuyên là trung tâm của miền Tây Trung Quốc, có thủ phủ là Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc. Nằm ở vị trí quan trọng trong vành đai kinh tế Thành Đô - Trùng Khánh, tỉnh tiên phong trong các cuộc cải cách, mở cửa, góp phần kết nối khu vực Đông Bắc - Tây Nam Trung Quốc, và làm cầu nối giữa Trung Quốc với ASEAN. 

Năm 2022, Tứ Xuyên có dân số 84 triệu, quy mô dân số đứng thứ tư trong các tỉnh, thành phố Trung Quốc; đứng thứ sáu về kinh tế của Trung Quốc với GDP năm 2022 đạt hơn 820 tỉ USD, tăng 2,9% và GDP bình quân theo đầu người đạt 10.072 USD. Quy mô ngoại thương của tỉnh năm 2022 đạt 151,1 tỉ USD.

Theo bà Hoàng Lê, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Tứ Xuyên trong các nước ASEAN. Do đó, những năm qua Tứ Xuyên luôn nằm trong các quy hoạch chiến lược phát triển liên kết vùng trọng điểm của Trung Quốc như: Tuyến đường vận tải liên vận quốc tế trên bộ - trên biển mới; Vành đai kinh tế sông Trường Giang; Tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu...

"Hơn 2000 năm trước, con đường tơ lụa khởi đầu từ Tứ Xuyên, mang trà, gốm sứ và nhiều sản phẩm khác đến với thế giới. Hy vọng, Tứ Xuyên sẽ phát triển xứng tầm là cầu nối giao thương của Trung Quốc, đồng thời đưa thương hiệu 'Made in Sichuan' được biết đến rộng rãi", bà Hoàng chia sẻ.

Nhiều sản phẩm như lẩu Tứ Xuyên được người dân Việt Nam biết đến rộng rãi.

Nhiều sản phẩm như lẩu Tứ Xuyên được người dân Việt Nam biết đến rộng rãi.

Sau Đại hội Đảng 20 của Trung Quốc, Tứ Xuyên đã ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ để tăng tốc phát triển. Tỉnh đang là điểm đầu tư sôi nổi ở miền Tây Trung Quốc, với định hướng phát triển kinh tế gắn liền với khai thác các giá trị bản địa về văn hóa, du lịch như khu thắng cảnh Cửu Trại Câu, danh nhân Tô Đông Pha hay hình ảnh gấu trúc nổi tiếng.

"Tứ Xuyên trước sau như một, mong muốn mở rộng hợp tác xuống phía Nam, trong đó Việt Nam. Đất nước các bạn có tiềm năng thương mại to lớn với chúng tôi. Sau hội nghị hôm nay, chúng ta có thể thiết lập thêm những kênh ngoại giao thuận tiện, trực tiếp hơn cho doanh nghiệp hai nước", bà Hoàng Lê bày tỏ.

Tại hội nghị, đại diện Cục Xúc tiến thương mại và Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên giới thiệu về các cơ hội và tiềm năng trong hợp tác thương mại, đầu tư trong ngành công thương. Ngoài ra, đại biểu tham dự đã chứng kiến lễ ký 3 bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, đặt nền móng cho việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 18/4/2022, Trung Quốc khai trương chuyến tàu chở hàng đầu tiên từ Thành Đô đến Hà Nội mang tên "Song Lưu". Đây là mô hình liên vận tải quốc tế đường không - đường sắt. Việc mở ra chuyến tàu góp phần cải thiện hơn nữa mạng lưới vận tải hàng không, đường biển, đường bộ phía Tây Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp nước này tận dụng tối đa các cơ hội kết nối với ASEAN.

Cũng trong năm 2022, ngày 11/6, tuyến vận tải đường bộ cao tốc xuyên biên giới ASEAN Việt Nam – Tứ Xuyên được thông xe hai chiều. Sau đó, vào 29/9, Trung Quốc tiếp tục khai trương chuyến tàu vận tải thẳng từ Thành Đô đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn, mở ra một kênh hậu cần quốc tế mới, an toàn và nhanh chóng.

Lô hàng đầu tiên được vận chuyển từ Tứ Xuyên, đi qua các cảng Đông Hưng, Bằng Tường và đến Hà Nội sau 6 ngày.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.