Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản
Với địa hình đồi núi cao, địa chất phức tạp, nhiều hộ dân sinh sống, canh tác nông nghiệp ven sông, suối trên địa bàn tỉnh Yên Bái thường xuyên ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn chia sẻ, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 24/24 xã, thị trấn thành lập, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với 1.736 thành viên.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Phó Giám đốc sở NN-PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 173/173 đơn vị hành chính cấp xã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với hơn 13.000 người tham gia. Lực lượng dự bị có trên 62.000 người sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên toàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái đang vận hành 132 trạm đo mưa tự động, 5 trạm đo thủy văn, một trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng tại thành phố Yên Bái, một hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất đặt tại huyện Mù Cang Chải, một trạm tại huyện Văn Yên.
Mọi thông tin về thiên tai, cảnh báo về mưa lũ, khu vực sạt lở đất và lũ quét đã được cập nhật và truyền tin kịp thời đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các ứng dụng trên mạng xã hội.
Còn gặp vô vàn khó khăn
Ông Sang cũng cho rằng, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn thì công tác dự báo sớm là một trong những biện phát tốt nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, các địa phương cần nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại vào công tác dự báo phòng chống thiên tai.
Trước mỗi mùa mưa bão, tổ chức các đoàn công tác cùng các địa phương điều tra, khảo sát, lập bản đồ khoanh vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn; rà soát, kiểm tra các công trình hồ chứa nước, các tuyến đê, điểm xung yếu để dự báo và xây dựng phương án ứng phó phù hợp...
Đến nay, 100% chính quyền các cấp trên địa bàn đã xây dựng phương án ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp độ, đặc biệt là phương án ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Công tác chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai lũ, lũ quét, sạt lở đất luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái, qua thực tế cho thấy công tác phòng tránh thiên tai vẫn còn một số khó khăn: Địa hình phức tạp, chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa to, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục xảy ra theo hướng tăng cả về cường độ và tần xuất trong những năm gần đây.
Hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất còn thiếu nên các địa phương còn thụ động trong việc phòng, chống khi thiên tai xảy ra. Người dân còn có tư tưởng chủ quan trong phòng chống mưa, lũ, bão, lốc. Việc chằng chống nhà cửa, tu sửa công trình trước mùa mưa bão chưa được coi trọng...
Để sẵn sàng chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, để chủ động ứng phó trong mọi tình huống có thể sảy ra, đơn vị sẵn sàng đưa vào sử dụng gần 350 nhà bạt các loại, 200 máy phát điện, 120 máy bơm, trên 4.000 áo phao cùng nhiều trang thiết bị hỗ trợ quan trọng khác...