| Hotline: 0983.970.780

Hơn 900 nhân viên y tế BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm ngừa vacxin đợt 1

Thứ Bảy 06/03/2021 , 15:18 (GMT+7)

Dự kiến ngày 8/3 sẽ có hơn 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiêm vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca đợt đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sáng 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, với số lượng vacxin Covid-19 hiện nay mà Việt Nam có rất hạn chế, vì vậy trong đợt tiêm đầu tiên, Bộ Y tế sẽ điều phối cho 13 tỉnh, thành có dịch Covid-19, trong đó Hải Dương sẽ được ưu tiên tiêm vacxin trước. Bộ Y tế sẽ ưu tiên tiêm cho đối tượng là tuyến đầu chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Còn các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn. Khi có vacxin về trong tháng 3 này, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.

“Hiện nay, Bộ Y tế đang rất tích cực phối hợp với COVAC và đề nghị COVAC chuyển vacxin về Việt Nam sớm nhất có thể. Trong tháng 3 này, sẽ có thêm 1,3 triệu liều vacxin của COVAC về Việt Nam. Đến tháng 4 và tháng 5 chúng ta sẽ có nguồn vacxin dồi dào hơn. Khi có vacxin lập tức Bộ Y tế sẽ chuyển ngay cho địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thứ 2 tuần tới (ngày 8/3) sẽ tiến hành tiêm vacxin Covid-19 tại Hải Dương và một số bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.

117.600 liều vacxin AstraZeneca về tới Việt Nam ngày 24/2.

117.600 liều vacxin AstraZeneca về tới Việt Nam ngày 24/2.

Bộ Y tế cũng đã phân công 3 Thứ trưởng chỉ đạo các điểm tiêm vì đây là vacxin lần đầu tiên tiêm, tiêm cho người lớn và cũng là lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng vacxin lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu công tác triển khai tiêm chủng phải đảm bảo thận trọng, phải có theo dõi, giám sát, đánh giá và trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm để từ đó tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn nhất có thể.

Người được tiêm vacxin phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, theo dõi tại nhà tiếp tục 24h. Đối với trường hợp cấp cứu thực hiện theo đúng hướng dẫn và theo dõi tiếp 24h tại cơ sở y tế.

Theo kế hoạch tiêm chủng, Bộ Y tế cho phép bất kỳ cán bộ tiêm chủng, y tá có thể thực hiện tiêm Adrenalin ngay khi phát hiện người tiêm bị sốc phản vệ.

Theo thông tin ban đầu, có trên 900 nhân viên y tế của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ sẽ được tiêm vacxin luân phiên đợt này.

Cụ thể sẽ có 7 đối tượng của bệnh viện được tiêm đợt này, bao gồm khoa nhiễm D; khoa cấp cứu; khoa khám bệnh; phòng công tác xã hội; phòng xét nghiệm sinh học phân tử; hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc bệnh viện. Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là nơi thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa cho người dân do đó việc tổ chức tiêm vacxin tại đây rất phù hợp khi nhân sự có kinh nghiệm; có các phác đồ chống sốc, cùng các trang thiết bị để hồi sức. Bên cạnh đó, ban giám đốc bệnh viện đã có các “kịch bản”, thông tin đầy đủ cho nhân viên trước các tình huống xảy ra. 

Đây là bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, chuyên điều trị các căn bệnh liên quan đến truyền nhiễm và phòng chống dịch tại khu vực phía Nam. Trong cuộc chiến chống Covid-19, đây là đơn vị nòng cốt trong việc tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng; điều động lực lượng quản lý Bệnh viện dã chiến Củ Chi và chi viện cho các tỉnh miền Trung chống dịch. Ngoài ra, cùng với Viện Pasteur TP.HCM, bệnh viện còn là một trung tâm lớn ở khu vực phía Nam về năng lực xét nghiệm, nghiên cứu và phân tích các mẫu bệnh phẩm để xác định các biến thể của virus.

Trước đó, ngày 24/2, hơn 117.600 liều vacxin AstraZeneca đã về tới Việt Nam và đến nay có giấy kiểm định chất lượng lô vacxin này, khẳng định đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam. Hiện 117.600 liều vacxin phòng Covid-19 đang được bảo quản tại kho lạnh của Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC). Đây là vacxin Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, với phác đồ tiêm hai liều tiêu chuẩn cho người từ 18 tuổi trở lên.

Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 21 về việc mua và sử dụng vacxin phòng Covid-19 với số lượng khoảng 150 triệu liều, được mua theo cơ chế đặc biệt.

Ngày 5/3, Sở Y tế TP.HCM đã gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Pasteur TP.HCM kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vacxin Covid-19 trên địa bàn thành phố. TP.HCM hiện không có ổ dịch trong cộng đồng nên không xác định là địa bàn ưu tiên tiêm chủng.

Do đó, TP.HCM xác định có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 trong đợt đầu tiên với 44.175 người gồm 285 nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện; 388 thành viên tổ truy vết; 1.362 nhân viên tham gia điều tra dịch tễ; 600 người thuộc lực lượng quân đội; 1.042 công an; 38.000 người tổ COVID-19 cộng đồng; 1.710 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; 513 nhân viên khu cách ly tập trung; 275 cán bộ trực tiếp tiêm chủng vacxin Covid-19.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.