10h sáng 18/4, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững tại trụ sở Bộ NN-PTNT.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống LTTP bền vững có chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới", diễn ra từ ngày 24-27/4.
Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu trong đó, khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Về lãnh đạo cấp cao, những đại biểu đã đăng ký dự trực tiếp có Bộ trưởng của Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Ethiopia; Thứ trưởng của Cu Ba, Campuchia, Ghana, Kenya, Saint Vincent và Grenadines; Giám đốc điều hành UNIDO, Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế - CGIAR, Tổng giám đốc - Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và CIAT sẽ đến Việt Nam tham dự Hội nghị.
Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Chăn nuôi Costa Rica và Tổng Giám đốc FAO sẽ tham dự trực tuyến.
Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ, sự kiện sắp tới sẽ có một trung tâm báo chí ngay tại Khách sạn Sheraton. Hiện Ban tổ chức, với đầu mối là Báo Nông nghiệp Việt Nam, đang lên danh sách và sẽ gửi giấy mời đến tận tay các cơ quan thông tấn báo chí.
Theo ông Thạch, các phiên chính của hội nghị sẽ đều có thông cáo báo chí, đồng thời Ban tổ chức sẽ thiết lập đường truyền ra màn hình, và chia sẻ dữ liệu rộng rãi.
Về Đêm hội Tam Nông, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết đây là chương trình văn hóa nghệ thuật để tôn vinh ngành nông nghiệp, kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Trong chương trình, các nhạc cụ, trang phục…truyền thống, cũng như nét đặc trưng của những quốc gia tham dự sẽ được biểu diễn.
Cũng trong không gian này, văn hóa ẩm thực của Việt Nam sẽ được trình diễn, trong đó có giới thiệu và thưởng thức các món ăn truyền thống.
Hội nghị gồm chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong vòng 4 ngày, gồm 9 phiên họp chính thức và 10 phiên họp kỹ thuật. Xen kẽ là đêm hội Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn được tổ chức vào tối 26/4 và một phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới cùng một buổi tham quan thực địa.
Bốn nhóm vấn đề được xem xét tại hội nghị sắp tới gồm: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; Các chính sách quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; Các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; Các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP.
Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống LTTP ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.
Một số hình ảnh các phóng viên, nhà báo đặt câu hỏi trong phần hỏi đáp của buổi họp báo:
11 giờ 00 phút
Chung tay quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam
Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp hy vọng các nhà báo chung tay cùng Bộ NN-PTNT giúp chuyển tải nội dung của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Hệ thống LTTP, trong đó có nhiệm vụ quảng bá về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.
“Hội nghị sắp tới rất lớn. Quá trình tác nghiệp gồm nhiều nội dung, tại nhiều nội dung. Trong quá trình đó, khó tránh khỏi sơ suất. Hy vọng các nhà báo sẽ kiên định đồng hành cùng ngành nông nghiệp”, Thứ trưởng bày tỏ.
Thời gian hội nghị sắp tới kéo dài trong 4 ngày, từ 24-27/4, nhưng gồm 9 phiên chính thức và 10 phiên họp kỹ thuật. Theo Thứ trưởng, đây là lịch làm việc rất “thách thức”, không chỉ với Bộ NN-PTNT, mà còn với các nhà báo tham gia đưa tin.
Gửi lời chúc sức khỏe tới các nhà báo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp hy vọng hội nghị LTTP sẽ là cơ hội để Bộ NN-PTNT có dịp chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn những thông điệp của ngành, tiến tới việc xây dựng “Nông nghiệp sinh thái – Nông thôn hiện đại – Nông dân thông minh”.
10 giờ 40 phút
Nêu cao vấn đề trách nhiệm trong xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm
Chia sẻ thêm về thông điệp “One planet eat with care”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, Hội nghị lần này muốn truyền tải thông điệp, trách nhiệm đầu tiên trong xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững là mỗi người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình.
Đó cũng chính là hướng đi giúp chuyển đổi cơ cấu, tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp, tránh tình trạng mất cân đối dinh dưỡng giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, muốn xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, người tiêu dùng cần sử dụng thực phẩm có trách nhiệm với môi trường, có trách nhiệm với xã hội.
10 giờ 32 phút
Bộ NN-PTNT lên kế hoạch và chuẩn bị triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi "Bộ NN-PTNT có những chính sách hỗ trợ nào cho khối doanh nghiệp trong việc phát triển hệ thống lương thực?" của nhà báo Bích Hồng, Báo Thông tấn xã, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thông tin, rằng hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là vấn đề được Chính phủ quan tâm. Với ngành nông nghiệp, khối này có ý nghĩa rất quan trọng khi tham gia đảm bảo bữa ăn, cũng như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Theo ông Tuấn, một số cơ chế, chính sách đã được Bộ NN-PTNT lên kế hoạch và chuẩn bị triển khai. Nội dung cụ thể, ông Tuấn hứa sẽ cung cấp qua đầu mối thông tin của Hội nghị sắp tới – Báo Nông nghiệp Việt Nam.
10 giờ 28 phút
Ngành nông nghiệp Việt Nam phối hợp thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Tại buổi họp báo, nhà báo Hoài Phương, Đài VTC1 đặt câu hỏi: “Hội nghị là cơ hội để Việt Nam quảng bá được các sản phẩm nông nghiệp ra thế giới. Thông qua sự kiện này, Bộ NN-PTNT mong muốn lan tỏa những thông điệp gì?”.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ HTQT cho biết, “Hội nghị bao gồm nhiều phiên họp, tuy nhiên, nhắc đến hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) là nhắc đến bảo tồn hệ sinh thái, chứ không chỉ là câu chuyện sản xuất và phân phối LTTP. Đây là một vấn đề bao trùm, với mục tiêu hướng đến hệ thống LTTP bền vững”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống LTTP, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã kêu gọi sự tham gia của các quốc gia, tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội, chung tay giải quyết các nội dung trong 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp lương thực trách nhiệm - minh bạch - bền vững. Đây là một thông điệp quan trọng. Minh bạch không chỉ là cho ngành sản xuất, mà là cơ sở để chúng ta có tiếng nói trên trường quốc tế. Tính trách nhiệm không chỉ xuất hiện trong vấn đề an ninh lương thực thế giới. Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phối hợp với các ngành sản xuất khác để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đảm bảo bền vững với biến đổi khí hậu.
10 giờ 23 phút
Việt Nam sẵn sàng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại họp báo, nhà báo Thanh Hậu, Báo Thanh Niên nêu câu hỏi: “Việt Nam đã có có một sản phẩm mang tầm quốc tế là gạo ST25. Thông qua hội nghị này, Bộ NN-PTNT đã có định hướng xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn của lương thực Việt Nam như thế nào?”
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, vấn đề lương thực toàn cầu là vấn đề lớn. Hiện tại, vấn đề không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà “ăn cũng phải có trách nhiệm”. Việt Nam hiện được thế giới đánh giá cao về những đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Điều này không chỉ nằm ở xuất khẩu những sản phẩm nổi tiếng như ST25, hay đảm bảo nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân, mà còn xuất khẩu lương thực, tham gia vào cộng đồng có trách nhiệm trên thế giới.
“Rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến điều này và đã có nhiều cam kết giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Việc này trước hết giúp ích cho nước ta, sau đó là giúp ích chung cho người dân toàn thế giới”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, thế giới hiện trải qua khủng hoảng lương thực mới. Do đó, Hội nghị này diễn ra nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị toàn cầu lần thứ 4, Ban tổ chức mong muốn liên kết các quốc gia, không chỉ trên lý thuyết mà còn là những cam kết cụ thể bằng hành động.
“Không quốc gia nào có thể tự giải quyết được những vấn đề này. Do đó, các quốc gia phải liên kết và có sự hỗ trợ lẫn nhau, trên cả hợp tác đa phương lẫn song phương”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong dòng chảy ấy, Việt Nam với tư cách là nước đăng cai, kỳ vọng trở thành nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, cũng như đáp ứng được yêu cầu từ EU về việc xuất khẩu cà phê nhưng không làm giảm suy thoái rừng.
Về vấn đề cụ thể là xuất khẩu gạo, Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường gạo, bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, các nước châu Phi thông qua các cuộc gặp song phương. Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT còn muốn truyền tải thông điệp “sẵn sàng” của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
10 giờ 20 phút
Quốc tế đồng hành cùng Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Tại buổi họp báo, nhà báo Nguyễn Kiểm, Báo Quân đội Nhân dân đặt câu hỏi: "Hội nghị đặt ra 1 vấn đề. Đó là hiện nay bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Việt Nam còn có sứ mạng đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Xin Ban tổ chức cho biết, những hỗ trợ của quốc tế đối với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước?".
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, là một quốc gia xuất khẩu lớn trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, Việt Nam đã đảm đương trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho cả trong và ngoài nước.
“Trong ngoại giao ngành nông nghiệp, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực trong khu vực, trên toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu. Trong 2 vấn đề lớn đó, Việt Nam luôn là thành viên tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế. Điển hình như những chương trình hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo việc xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững của các tổ chức châu Âu hay tổ chức quốc tế khác.
10 giờ 10 phút
Việt Nam là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) thông tin: Thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT phối hợp Ban Thư ký Chương trình Lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) của Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững – Mạng lưới một hành tinh.
Chủ đề của Hội nghị lần thứ 4 là “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”.
Hội nghị sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) và đề xuất các giải pháp, tập trung vào bốn vấn đề sau: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP.
Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống LTTP ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu trong đó bao gồm khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế.
Về lãnh đạo cấp cao, hiện đã có Bộ trưởng của Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Ethiopia; Thứ trưởng của Cu Ba, Campuchia, Ghana, Kenya, Saint Vincent và Grenadines; Giám đốc điều hành UNIDO, Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế - CGIAR, Tổng giám đốc - Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và CIAT sẽ đến Việt Nam tham dự Hội nghị. Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp Costa Rica và Tổng giám đốc FAO sẽ tham dự trực tuyến.
Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương; cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Hội nghị gồm các sự kiện chính:
- 9 phiên họp chính thức (plenary session) từ 24 – 27/4/2023; 10 phiên họp kỹ thuật bên lề đồng thời (side event) vào chiều 25/4/2023; 1 ngày họp của Ban Cố vấn Đa bên vào chiều ngày 27/4 và sáng ngày 28/4/2023 tại Khách sạn Sheraton Hà Nội.
-½ ngày cho phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức vào chiều ngày 25/4/2023 tại Khách sạn Inter Continental Hà Nội.
- ½ ngày tham quan thực địa vào sáng ngày 26/4/2023 (chia làm 5 nhóm thực địa tại Thái Nguyên và Hà Nội).
- Đêm hội Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn (3N Gala Dinner) vào tối 26/4/2023.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan tổ chức 3 phiên họp bên lề về An toàn thực phẩm trong chuyển đổi hệ thống LTTP và các chiến lược tại địa phương để duy trì hệ thống LTTP nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn dinh dưỡng của hộ gia đình tại Việt Nam. Làm thế nào để chuyển đổi hệ thống LTTP từ lý thuyết sang chính sách: trường hợp của Việt Nam. Khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững.
Theo ông Tuấn, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống LTTP năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.
Kế hoạch hành động đề cập tới hợp tác đa ngành, đa cấp và đưa ra các nhiệm vụ, hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.
Việc đăng cai Hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...
10 giờ 03 phút
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, chủ đề của Hội nghị lần thứ 4 là “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”. Nội dung chính của hội nghị là xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp, tập trung chính vào các giải pháp cho việc xây dựng, đảm bảo an ninh lương thực.
Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.
Bên cạnh 9 phiên họp chính thức của hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị còn dự 10 phiên họp kỹ thuật bên lề đồng thời. Trong đó, Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trong việc đối thoại cấp quốc gia về hệ thống lương thực thực phẩm, an toàn thực phẩm, cũng như các chiến lược tại địa phương để duy trì hệ thống lương thực thực phẩm.
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, giúp Việt Nam có thêm “động lực” để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp sử dụng mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn sẽ truyền tải được thông điệp về thương hiệu nông nghiệp ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.
Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi.
“Rất mong cơ quan thông tấn báo chí đồng hành Bộ NN-PTNT các sự kiện chính, bên lề để thông tin được kịp thời, chính xác, góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cam kết hỗ trợ và cung cấp mọi thông tin một cách chính xác, như định hướng mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã cam kết là “Minh bạch – Trách nhiệm – Bền vững”.
10 giờ 00 phút
Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững
Mở đầu buổi họp báo, ông Tô Đức Huy, Phó Tổng thư ký Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, họp báo sáng 18/4 có sự tham gia của khoảng 60 nhà báo và đại diện các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng.
Theo ông Huy, hội nghị tổ chức tại Việt Nam là lần thứ 4 Hội nghị cấp Bộ trưởng được tổ chức. Lần đầu tiên, hội nghị được tổ chức vào năm 2017 tại Nam Phi; lần 2 năm 2019 tại Costa Rica; lần 3 năm 2021 được tổ chức trực tuyến.
Hội nghị sắp tới, diễn ra từ 24-27/4, do Bộ NN-PTNT phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Trung tâm Điều phối các hệ thống thực phẩm của LHQ tổ chức.