| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị lần thứ 4 về Hệ thống Lương thực thực phẩm:

Việt Nam thể hiện trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu

Thứ Hai 17/04/2023 , 19:22 (GMT+7)

Ngày 18/4, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo, giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững và một số nội dung trong chương trình.

Việt Nam, với nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa gạo, được đông đảo bạn bè thế giới quan tâm và bày tỏ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm.

Việt Nam, với nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa gạo, được đông đảo bạn bè thế giới quan tâm và bày tỏ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm.

9 phiên họp chính thức, 10 phiên họp kỹ thuật

Dự và chủ trì chương trình là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Cùng tham dự có Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch.

Ban Tổ chức cho biết, hội nghị sắp tới là kết quả của sự phối hợp giữa Bộ NN-PTNT phối hợp Ban Thư ký Chương trình Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững - Mạng lưới Một hành tinh của Liên Hợp Quốc. Đây là một trong số những nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT thực hiện nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản 1638/VPCP-QHQT ngày 14/3/2023.

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống LTTP bền vững có chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới" sẽ diễn ra từ ngày 24-27/4/2023 tại Khách sạn Sheraton. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu trong đó bao gồm khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế.

Về lãnh đạo cấp cao, những đại biểu đã đăng ký dự trực tiếp có Bộ trưởng của Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Ethiopia; Thứ trưởng của Cu Ba, Campuchia, Ghana, Kenya, Saint Vincent và Grenadines; Giám đốc điều hành UNIDO, Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế- CGIAR, Tổng giám đốc - Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và CIAT sẽ đến Việt Nam tham dự Hội nghị. Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Chăn nuôi Costa Rica và Tổng Giám đốc FAO sẽ tham dự trực tuyến.

Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Hội nghị lần này sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống LTTP, đồng thời thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động, tập trung vào 4 nhóm vấn đề sau: i) Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; ii) Các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; iii) Các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; iv) Các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP. Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống LTTP ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế. 

Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, ví dụ điển hình về các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện kế hoạch quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP ở cấp quốc gia và địa phương, cũng như các sáng kiến của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống LTTP (UNFSS).

Việt Nam đã triển khai thành công Dự án VnSAT từ nguồn tài trợ của WB, giúp tái canh thành công hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê và lúa gạo.

Việt Nam đã triển khai thành công Dự án VnSAT từ nguồn tài trợ của WB, giúp tái canh thành công hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê và lúa gạo.

Hội nghị gồm là một chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong vòng 4 ngày. Đầu tiên, là 9 phiên họp chính thức từ 24 - 27/4/2023; 10 phiên họp kỹ thuật bên lề đồng thời vào chiều 25/4/2023; 1 ngày họp của Ban Cố vấn Đa bên vào chiều ngày 27/4 và sáng 28/4/2023 tại Khách sạn Sheraton Hà Nội.

Song song với đó, Ban tổ chức sẽ bố trí 1/2 ngày cho phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức vào chiều ngày 25/4/2023 tại Khách sạn Inter Continental Hà Nội và 1/2 ngày tham quan thực địa vào sáng 26/4/2023 (chia làm 5 nhóm thực địa tại Thái Nguyên và Hà Nội).

Tiệc chiêu đãi chính thức của hội nghị diễn ra vào tối 24/4/2023; Đêm hội Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn (3N Gala Dinner) được tổ chức vào tối 26/4/2023

Xuyên suốt thời gian hội nghị, đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ tham gia làm diễn giả các phiên họp toàn thể và bên lề về: i) Xem xét lại các mô hình, kiến trúc toàn cầu về Hệ thống LTTP; ii) Thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo; iii) Đối thoại của các Đầu mối quốc gia về Hệ thống LTTP; và iv) Đầu tư có trách nhiệm và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan tổ chức 3 phiên họp bên lề về: i) An toàn thực phẩm trong chuyển đổi hệ thống LTTP và các chiến lược tại địa phương để duy trì hệ thống LTTP nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn dinh dưỡng của hộ gia đình tại Việt Nam; ii) Làm thế nào để chuyển đổi hệ thống LTTP từ lý thuyết sang chính sách: trường hợp của Việt Nam; iii) Khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững.

Ông Stefanos Fotiou, Giám đốc Văn phòng Mục tiêu Phát triển Bền vững của FAO nói thấy hào hứng với hội nghị sắp tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/4. Là người theo dõi sự thay đổi của hệ thống thực phẩm nhiều năm qua, ông bày tỏ sự tin tưởng, rằng phiên họp ở Hà Nội sẽ đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay, đồng thời giúp mọi thành viên tham gia có quyền chia sẻ và được chia sẻ.

“Mục tiêu của chúng tôi là chuyển từ thách thức sang giải pháp. Trong hội nghị này, chúng ta sẽ chuyển trọng tâm từ câu hỏi “tại sao” sang "làm thế nào" để việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể diễn ra ở cấp quốc gia”, ông Fotiou nói.

Theo Giám đốc FAO, Hội nghị lần thứ 4 về Hệ thống Thực phẩm là một không gian đầy hứa hẹn để thu hút các bên nâng cao tham vọng và chuẩn bị cho lần kiểm tra Hệ thống Thực phẩm đầu tiên của Liên hợp quốc, diễn ra vào ngày 24 - 26/7 tới tại Rome (Italia). Đồng thời, đây sẽ là bệ phóng để các chuyên gia về lương thực thực phẩm chia sẻ các khuyến nghị từ hội nghị này trong sự kiện tháng 7 của Liên Hợp Quốc, nơi các quốc gia sẽ được mời trình bày giải pháp về hệ thống thực phẩm.

Trên cơ sở học hỏi lẫn nhau giữa các bên, ông Fotiou nhận định, các quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ chung tay tạo ra những giải pháp từ chương trình nghị sự lần này.

Nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Cho đến nay, 3 hội nghị toàn cầu đã được tổ chức. Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất Hệ thống LTTP bền vững được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Nam Phi. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 2/2019 tại Costa Rica. Hội nghị lần thứ ba được tổ chức trực tuyến vào tháng 11-12/2020.

Theo báo cáo của FAO, nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021 - tăng thêm khoảng 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019. Hiện nay có đến 3,1 tỷ người trên toàn thế giới vẫn không thể có khả năng có được một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ đề về an ninh lương thực, vì thế rất được quan tâm và thảo luận tại các diễn đàn song phương, đa phương, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính trị, khủng khoảng an ninh lương thực, đứt gẫy chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraina và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh…

Bên cạnh việc góp phần quảng bá thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh lương thực và dinh dưỡng, nông nghiệp xanh, phát thải thấp gắn với phát triển bền vững, huy động các nguồn lực phục vụ các mục tiêu quốc gia và 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được đề ra trong Chương trình nghị sự 2030, Hội nghị lần thứ 4 đặt ra một số mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, trình bày các hành động, công cụ và sáng kiến ​​mang tính chuyển đổi đã nêu ra kể từ Hội nghị toàn cầu lần thứ 3 về Hệ thống LTTP bền vững, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Hệ thống LTTP hồi tháng 9/2021.

Thứ hai, tăng cường nhận thức rằng Hệ thống LTTP phải được lồng ghép và giải quyết một cách tổng thể, trong tất cả các thỏa thuận và diễn đàn chính sách đa phương có liên quan, đặc biệt là trong các Công ước Rio.

Thứ ba, thúc đẩy hơn nữa cách tiếp cận Hệ thống LTTP, quản trị toàn diện và hợp tác ở tất cả các cấp trong các quá trình hoạch định chính sách quốc gia và địa phương, đặc biệt tập trung vào khu vực Châu Á.

Thứ tư, tạo cơ hội cho các đầu mối quốc gia, các liên minh Hệ thống LTTP và các sáng kiến liên quan khác cũng như các bên tham gia Hệ thống LTTP, nhằm tăng cường nỗ lực tập thể của họ hướng tới các lộ trình Hệ thống LTTP bền vững và thực hiện rà soát, đánh giá Hệ thống LTTP trong quý III/2023.

Thứ năm, phát huy hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và giải quyết các nhu cầu về lương thực; thúc đẩy đầu tư chuyển đổi hệ thống LTTP; xây dựng các hệ thống LTTP và chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững hơn; nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư pháp triển nông nghiệp bền vững.

Cuối tháng 10/2022, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu thành công lô gà thịt chế biến sang thị trường Nhật Bản.

Cuối tháng 10/2022, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu thành công lô gà thịt chế biến sang thị trường Nhật Bản.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, ngoài các phiên họp chính Ban tổ chức sẽ tổ chức các phiên họp bên lề và triển lãm, quảng bá những thành tựu nông nghiệp Việt Nam và hệ thống LTTP của Việt Nam; các nông đặc sản Việt Nam, các sản phẩm OCOP.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Việc đăng cai Hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...

Với chủ đề nóng hổi, thời sự, những nội dung chính của hội nghị sẽ được Báo Nông nghiệp Việt Nam cập nhật liên tục. Là cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối, triển khai các hoạt động truyền thông trong nước trước, trong và sau hội nghị, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp phiên khai mạc và bế mạc hội nghị qua hệ thống website và mạng xã hội của báo. 

Tại phiên khai mạc vào sáng 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự kiến tham dự và phát biểu ý kiến.

Ngay sau đó, ở phiên họp cấp Bộ trưởng, hội nghị sẽ được nghe tham luận của ông Victor Carvajal Porras, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Costa Rica và ông Christian Hofer, Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ.

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 2 về Hệ thống LTTP bền vững, Costa Rica - với tư cách nước chủ nhà - đã có nhiều cam kết mạnh mẽ. Trong đó, Bộ Môi trường và Năng lượng với Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi nước này để thống nhất cùng xây dựng các thể chế nhằm phát triển toàn diện, đa dạng các hệ thống canh tác thông qua thực hành nông lâm kết hợp. Cùng với đó, những dịch vụ hệ sinh thái rừng cho các hộ sản xuất nhỏ được cam kết ưu đãi về tín dụng và giao dịch thanh toán.

Bà, Estrella Penunia, Tổng Thư ký, Hiệp hội Nông dân Châu Á cũng sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc, nhân dịp hội nghị toàn cầu về hệ thống LTTP lần đầu tiên được tổ chức tại lục địa đông dân nhất thế giới.

Đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp của các quốc gia như Malawi, Rwanda, Ethiopia, Campuchia, Ghana, Kenya, Saint Vincent và Grenadies… sẽ dự buổi tọa đàm trong phiên khai mạc. Dự kiến, buổi tổng kết sẽ diễn ra trong buổi sáng, trước khi các thành viên dự hội nghị tham dự phiên họp chuyên đề vào chiều cùng ngày.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.