| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 19/11/2017 , 07:12 (GMT+7)

07:12 - 19/11/2017

Họp liên miên, họp trường kỳ, họp vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Rất nhiều người cũng mơ ước có một hội nghị toàn quốc tìm cách xóa bớt đi những cuộc họp vô bổ, những cuộc họp “bình phong” bởi họp nhiều thế lấy thời gian đâu mà làm việc, rồi còn “dân nuôi sao nổi”…

Tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" diễn ra hôm 15/11 tại Hà Nội, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra một con số không khỏi giật mình.

Đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM trong 7 tháng đầu năm 2017 phải dự hơn... 2.000 cuộc “họp”. Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, từ đầu năm đến tháng 8/2017 ít hơn một chút, có hơn… 1.500 cuộc họp.

Đến cấp chính quyền “bé bằng cái móng tay” như cấp phường xã cũng có đến 2 cuộc/ngày.

Đọc những thông tin trên, người viết bài này không thể không bày tỏ sự khâm phục cao độ bởi mấy lý do.

Thứ nhất, xin lấy con số từ Sở KH-ĐT chẳng hạn. Sở này có 4 lãnh đạo, tức là nếu chia bình quân, mỗi lãnh đạo phải dự 500 cuộc/7 tháng, tức là mỗi ngày gần 3 cuộc họp. Nếu trừ ngày lễ tết, chủ nhật, phép tắc… thì con số này có thể xấp xỉ 4 cuộc/ngày.

Chao ôi! Các bác tài thế, “chạy sô” còn giỏi hơn… ca sĩ!

Mà không biết họp hành liên miên vậy thì thời gian đâu đi cơ sở, thời giờ đâu tiếp dân và thời gian đâu mà tư duy, mà giải quyết biết bao công việc khác nhỉ?. Có khi việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng chả có thời gian. Vất vả thế, thương thương các bác là…

Điều phục thứ hai, phải thừa nhận không hiểu sao họ lại có thể “sáng tác” ra được nhiều nội dung cho các cuộc họp thế nhỉ? Cũng chả hiểu họp hành thế, các bác có “phong bì, phong bao” hay “bổng lộc” gì không mà liên miên thế? Chịu!

Một câu hỏi vì sao lại họp hành nhiều thì được TS Nguyễn Đình Thiên lý giải khá thuyết phục. Đó là bởi cái “thể chế vận hành” của ta. Nếu ở các nước là trách nhiệm cá nhân thì ở ta, là trách nhiệm tập thể.

Điều này đã khiến không ít các cuộc họp thành cái “bình phong che chắn”. Mỗi khi có một quyết định sai lầm thì xin báo cáo, đây là ý kiến tập thể, đã được thống nhất tại cuộc họp ngày X, tháng Y, năm Z. Tập thể quyết thì tập thể chịu trách nhiệm, mà một khi “tập thể chịu” tức là không ai chịu cả.

Thành công thì cá nhân hưởng, thất bại thì tập thể chịu nên dại gì mà không họp, không lấy ý kiến tập thể, lại còn được tiếng là dân chủ.

Thế nên họp liên miên, họp trường kỳ, họp vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!

Chợt nhớ cách đây gần 100, khi chính quyền Liên bang Xô viết mới thánh lập, Nhà thơ Maiacopxki có một bài thơ mà Lê nin rất thích, được dịch ra tiếng Việt với tên “Dịch họp” kể về nỗi gian truân khi đến gặp chính quyền thì tất cả đều… bận họp.

Và cuối bài, Nhà thơ mơ ước”: “Kích động quá, không tài nào chợp mắt - Trời đã sáng tờ mờ - Tôi đón ban mai với một ước mơ: "Ôi ước sao - Được họp thêm một cuộc - Để tìm cách thanh toán - Các cuộc họp trên đời".

Vâng, nếu gần một thế kỉ trước, có một Nhà thơ Nga từng mơ ước về một cuộc họp “Để tìm cách thanh toán - Các cuộc họp trên đời" thì hôm nay ở Việt Nam, có lẽ không chỉ có một mà có nhiều, rất nhiều người cũng mơ ước như ông.

Đó là có một hội nghị toàn quốc tìm cách xóa bớt đi những cuộc họp vô bổ, những cuộc họp “bình phong” bởi họp nhiều thế lấy thời gian đâu mà làm việc, rồi còn “dân nuôi sao nổi”…

 

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm