Theo đó, hai đơn vị đã có những trao đổi xoay quanh chương trình hợp tác đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản cho cán bộ, công chức, viên chức khối ngành NN-PTNT và “mở khóa” chương trình đào tạo sau đại học tại Việt Nam.
GS.TS.Kaneko Shinji, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hiroshima cho biết: Chương trình hợp tác sẽ được triển khai dựa trên tinh thần hữu nghị, hai bên cùng phát triển. Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ hợp tác cùng Bộ NN-PTNT mở cơ sở vệ tinh, đào tạo chương trình tiến sỹ tại Việt Nam. Hoạt động này thể hiện mong muốn của nhà trường trong việc được hỗ trợ Bộ NN-PTNT Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trẻ về khả năng quản lý với những lĩnh vực quan trọng.
Nội dung đào tạo sẽ tuân theo bộ khung chương trình do Đại học Hiroshima đặt ra dựa trên yêu cầu của Bộ NN-PTNT về những ngành nghề đào tạo, năng lực cán bộ cũng như hệ thống cơ sở vật chất...
GS.TS.Kaneko Shinji bày tỏ mong muốn Bộ NN-PTNT tạo điều kiện hỗ trợ Đại học Hiroshima mở một cơ sở vệ tinh tại Việt Nam. Cơ sở vệ tinh này sẽ là cầu nối trong hoạt động nghiên cứu và hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Đại học Hiroshima. Đồng thời, là nòng cốt để kết nối với các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam cũng như của Nhật Bản để đầu tư sang Việt Nam và ngược lại. Nhà trường sẽ cử những giáo sư đầu ngành sang giảng dạy, hỗ trợ tại cơ sở vệ tinh này.
Về lâu dài, trên cơ sở hợp tác triển khai chương trình thành công, Đại học Hiroshima sẽ nghiên cứu xây dựng một trường Đại học mới của Hiroshima tại Việt Nam.
Trước những đề nghị của đại diện Đại học Hiroshima, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Bộ NN-PTNT Việt Nam hiện nay rất quan tâm tới việc phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững, phát thải thấp. Điều này có những điểm tương đồng với nền nông nghiệp của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nhu cầu về cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ mới, phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững của Việt Nam rất lớn. Do đó, mong muốn với những thế mạnh của mình, Đại học Hiroshima sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT triển khai có hiệu quả chương trình này.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị: Trước mắt, Đại học Hiroshima hỗ trợ Bộ NN-PTNT triển khai chương trình đào tạo ngắn hạn cho cán bộ, công chức, viên chức ngành NN-PTNT về chính sách quản lý đầu tư công và nông nghiệp thông minh.
Về cách thức triển khai, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý, có thể tổ chức một lớp nòng cốt đầu tiên là các cán bộ chủ chốt sang Nhật Bản học tập, nghiên cứu, phát triển toàn diện các hoạt động. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, lực lượng nòng cốt này sẽ phối hợp cùng các Giáo sư của Đại học Hiroshima triển khai các lớp tiếp theo tại cơ sở của nhà trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, phía Đại học Hiroshima cần cung cấp thêm thông tin về kinh phí, chương trình đào tạo cụ thể để Bộ NN-PTNT có sự chuẩn bị cho phù hợp.
Trên cơ sở hợp tác thành công hai nội dung này, hai bên sẽ nghiên cứu mở rộng nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nội dung khác như công nghệ nuôi trồng thủy sản, phương thức khai thác xa bờ, quản lý tài nguyên trên biển...
Thứ trưởng Nam cũng nêu rõ quan điểm: Hiện nay, do yêu cầu của thị trường, xu thế chung của thế giới nên nhiều lĩnh vực trong hệ thống ngành nông nghiệp đang thiếu cán bộ chất lượng cao, do đó, Đại học Hiroshima sẽ phối hợp chặt chẽ, tiến hành đào tạo theo đơn đặt hàng của Bộ NN-PTNT.
Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, với thế mạnh là một trong những đơn vị hàng đầu nghiên cứu, phát triển những công nghệ thông minh, mong muốn Đại học Hiroshima có thể triển khai thí điểm 1-2 mô hình tại Việt Nam theo hướng xây dựng nông thôn thông minh.
Đối với đối tượng là học sinh, sinh viên của các trường đại học trong hệ thống do Bộ NN-PTNT quản lý, chương trình hợp tác đào tạo sau đại học không chỉ dừng ở việc liên kết đào tạo, cung cấp kiến thức mà phải gắn với việc làm.