| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã chi tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên

Thứ Hai 06/05/2024 , 07:15 (GMT+7)

Dự báo nắng nóng gay gắt còn kéo dài, trong khi nước tích trữ trong các hồ chứa ngày càng suy giảm, Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nước tưới…

Các hợp tác xã nông nghiệp nỗ lực tiết kiệm nước tưới

Việc tiết kiệm nước trong bối cảnh khô hạn kéo dài ở Bình Định không chỉ được ngành chức năng cấp tỉnh và chính quyền các địa phương thực hiện, mà các hợp tác xã nông nghiệp cũng tích cực tham gia để ứng phó với mùa khô hạn năm nay.

Theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT Bình Định, từ năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) đã thành lập tổ thủy lợi cơ sở do Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã làm tổ trưởng, 2 nhân viên thủy nông trong tổ chịu trách nhiệm phối hợp với tổ tưới của Xí nghiệp Thủy lợi 4 (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định) đưa nước từ kênh chính về đến đồng ruộng. Ngoài ra, còn có lực lượng thủy nông viên do hợp tác xã hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ dẫn nước tưới vào tận đồng ruộng và nạo vét kênh mương.

Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) nạo vét kênh mương bằng cơ giới để tránh thất thoát nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) nạo vét kênh mương bằng cơ giới để tránh thất thoát nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

“Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ có 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 300 ha đất sản xuất lúa và 200 ha đất sản xuất rau màu các loại. Trên địa bàn có 11 xóm, mỗi xóm chúng tôi hợp đồng 2 thủy nông viên, nếu còn thiếu thì ban cán sự xóm linh hoạt điều động thêm nhân sự. Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thủy nông viên thì trong phương án tổ chức thủy lợi cơ sở đã có đầy đủ từ bảo hộ lao động, tiền lương cho đến bảo hiểm. Hợp tác xã tự bỏ tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên gồm 22 người để họ toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ, chia sẻ. 

Ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), do đồng lúa ở đây là ruộng bậc thang nên việc dẫn nước vào đồng ruộng gặp không ít khó khăn. Do đó, lực lượng thủy nông viên của HTX chỉ dẫn nước từ kênh cấp 2 do Xí nghiệp Thủy lợi 4 quản lý về đầu kênh cấp 3, sau đó nông dân tự dẫn nước về ruộng của mình.

“Do địa hình là ruộng bậc thang nên nước tự chảy không thể phân phối đều cho cả cánh đồng. Những đám ruộng sâu thì nước tự chảy vào được, còn những đám ruộng cao thì nông dân phải tát nước hoặc bơm tưới. Tổ thủy nông viên của hợp tác xã gồm 10 người phải điều phối nước đủ cho từng khu vực, dẫn nước đến đầu kênh cấp 3, sau đó nông dân tự dẫn nước về ruộng của mình”, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hiệp cho hay.

Tránh lãng phí nguồn nước

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định đang quản lý, khai thác 63 hồ chứa lớn và vừa với tổng dung tích hơn 643 triệu m3, mỗi năm tưới cho khoảng 60.000 ha lúa và cây trồng các loại. Tuy nhiên, hiện chỉ có 40 hồ chứa là còn khả năng tưới cho vụ hè thu năm nay, 17 hồ mực nước đã xuống thấp, không đảm bảo cung ứng nước tưới, ngành chức năng buộc phải khoanh vùng không sản xuất gần 972 ha. Ngoài ra 6 hồ chứa khác đang thi công sửa chữa, nâng cấp nên phải cắt nước tưới cho những cánh đồng ăn nước từ những hồ chứa này.

“Chúng tôi yêu cầu các xí nghiệp trực thuộc đang quản lý 40 hồ chứa còn đủ nước tưới phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ nguồn nước qua các cống đầu mối, kênh mương ngay từ lúc cấp nước làm đất gieo sạ. Thực hiện nạo vét thông thoáng kênh mương, triển khai lịch tưới nước luân phiên, tưới tiết kiệm. Đặc biệt là các đơn vị phải lập lịch tưới, cấp nước cho từng kênh, vùng cụ thể”, ông Nguyễn Văn Tánh - Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho hay.

Nhân viên của Công ty KTCTTL Bình Định quản lý hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão, Bình Định) đang kiểm tra nguồn nước trong hồ. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên của Công ty KTCTTL Bình Định quản lý hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão, Bình Định) đang kiểm tra nguồn nước trong hồ. Ảnh: V.Đ.T.

Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình (Công ty KTCTTL Bình Định) đang quản lý 4 hồ chứa nước gồm các hồ: Định Bình, Hòn Lập, Hà Nhe và Tà Niêng, mỗi năm phục vụ tưới cho khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp của huyện miền núi Vĩnh Thạnh và 1 phần đất sản xuất của thôn Tiên Thuận thuộc xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn). Trong bối cảnh mực nước trong hồ chứa này đang xuống mức thấp, đơn vị này đang lo lắng nếu thực hiện đúng quy trình liên hồ chứa thì nguy cơ sẽ không đảm bảo nước tưới đến cuối vụ hè thu năm nay.

Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đã báo cáo và xin ý kiến của Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh lưu lượng xả từ các hồ chứa để đảm bảo phân bổ nguồn nước hợp lý phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Văn Quế, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình cho biết.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.