Việc triển khai đề án sản xuất hè thu - vụ mùa năm nay đúng vào thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid- 19.
Vì vậy việc triển khai đề án đã được tiến hành dưới hình thức họp trực tuyến với lãnh đạo các huyện, thành, thị để tỉnh truyền đạt đầy đủ nội dung các mục tiêu phấn đấu và các giải pháp thực hiện giành bằng được một vụ thắng lợi toàn diện trong điều kiện có nhiều khó khăn như hiện nay.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu gieo cấy 59.000 ha lúa hè thu, năng suất bình quân 46,5 tạ/ha, sản lượng 274.350 tấn và 31.000 ha lúa mùa, chủ yếu ở các vùng cao ít bị ngập lụt thuộc các huyện miền núi. Số diện tích này phấn đấu đạt năng suất bình quân 35,5 tạ/ha, sản lượng 110.050 tấn.
Gieo trồng 12.000 ha ngô, năng suất bình quân 38 tạ/ha, sản lượng 53.200 tấn; trồng trỉa 800 ha lạc, 2.800 ha vừng, 2.800 ha đậu đỗ các loại và 11.000 ha rau, củ, quả, dưa hấu…
Để tập trung chỉ đạo thực hiện đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất hè thu - vụ mùa với nội dung trước hết, yêu cầu các địa phương quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất.
Nếu để dân bỏ hoang ruộng nhiều, sâu bệnh gây hại nặng làm mất mùa cục bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống thì Chủ tịch UBND huyện, thành, thị ở đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Nội dung chỉ thị nêu rõ, để vụ sản xuất hè thu giành được thắng lợi toàn diện, đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị bám sát đề án sản xuất của Sở NN-PTNT. Các địa phương căn cứ vào đặc điểm của mỗi vùng miền mà bổ sung và hoàn thiện đề án sản xuất hè thu - vụ mùa 2020 sâu sát hơn, thực tế hơn, đạt được hiệu quả cao nhất.
Để việc tổ chức chỉ đạo thực hiện được xuyên suốt, kịp thời, hiệu quả từ tỉnh xuống đến huyện, thành, thị và xã, thị trấn đều phải thành lập Ban chỉ đạo sản xuất hè thu - vụ mùa có sự tham gia của các ban, ngành và các tổ chức đoàn thể do người đứng đầu chính quyền các cấp làm trưởng ban.
Một số biện pháp chủ yếu trong chỉ đạo thực hiện sản xuất hè thu - mùa năm nay ở Nghệ An được UBND tỉnh và Sở NN-PTNT rất quan tâm để chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt, gồm:
Một là, khả năng hạn, mặn rất dễ xẩy ra, vì vậy phải chủ động tích trữ nước, tiết kiệm nước tưới từ bây giờ bằng nhiều biện pháp đã được ngành NN-PTNT đề nghị.
Trong đó, lưu ý không gieo cấy lúa trên đất không có khả năng chủ động tưới nước để chuyển sang trồng ngô, lạc, vừng, đậu đỗ…
Hai là, chỉ tập trung gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng không quá 105 ngày trong vụ hè thu và không quá 110 ngày trong vụ mùa để thu hoạch sớm, nhằm hạn chế ảnh hưởng của mùa mưa, gió, bão, lụt cuối vụ.
Ba là chủ động gieo cấy lúa, trồng trỉa nhanh gọn các cây rau màu khác ngay sau khi đã thu hoạch xong cây trồng vụ xuân để cây trồng nào cũng được thu hoạch an toàn trước mùa mưa bão, lụt.
Trong đó riêng vùng đất sâu trũng, dễ bị ngập lụt khi có mưa to, các cơ sở sản xuất phải chủ động gieo mạ sớm, cây mạ có thể già tuổi để thu hoạch càng sớm càng tốt khi mùa mưa, bão, lụt chưa xuất hiện, chậm nhất phải được thu xong trước ngày 2/9/2020.
Bốn là, sản xuất vụ hè thu - mùa trong điều kiện nắng nóng và hạn hán nặng, thời gian sinh trưởng của tất cả các loại cây trồng ngắn lại. Vì vậy, để đạt được năng suất lúa cao phải đầu tư phân bón đủ, nhiều và chỉ nên tập trung phân bót lót đậm trước khi gieo cấy để cây lúa phát triển nhanh, mạnh, tốt trước khi làm đòng và hạn chế kéo dài thời gian sinh trưởng.
Năm là, trong vụ sản xuất hè thu - mùa bao giờ cũng là vụ sản xuất có nhiều loại sâu bệnh phát triển, nhất là sâu cuốn lá, đục thân, bệnh bac lá, bệnh khô vằn và hiện nay còn thêm cả nạn chuột, ốc bươu vùng phá hoại mạnh. Do đó trong chỉ đạo sản xuất, các cơ sở sản xuất phải chủ động phát triển sớm các đối tượng trên để phòng trừ ngay khi mới xuất hiện mới có hiệu quả.