HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thượng (xã An Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Đỗ Văn Tuấn đã thực hiện rất tốt chức năng làm cầu nối giữa nhà nông với nhà nước và nhà khoa học. Những năm qua, HTX đã tổ chức thực hiện hiệu quả hàng loạt mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất do các viện nghiên cứu khoa học và cơ quan chuyên môn chuyển giao. HTX đã xây dựng được tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh giống cây cà chua ghép, hình thành được cánh đồng chuyên canh cà chua VietGAP hơn 10ha.
Anh Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc HTX cho biết, toàn bộ diện tích cà chua thương phẩm của HTX đều sản xuất theo quy trình VietGAP, gieo trồng chủ yếu trong vụ thu đông, mỗi năm cho sản lượng gần 600 tấn quả.
Để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhà nông ở đây đều thực hiện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) với các giải pháp kỹ thuật như: Trồng bằng cây giống cà chua ghép, luân canh cà chua với lúa hoặc các cây rau màu khác họ cà, cày phơi ải ruộng 1 - 3 tháng cho đất nghỉ, dùng vôi bột xử lý đất trước khi xuống giống, gieo trồng mật độ phù hợp, ưu tiên bón phân hữu hoai mục, sử dụng nguồn nước tưới sạch… Nhờ vậy, đã giảm thiểu đáng kể các loại sâu bệnh hại, năng suất cà chua luôn đạt cao, giá trị sản xuất đạt 500 - 700 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Đỗ Văn Tưởng ở thôn Đông Giàng (xã An Thượng) trồng 5 sào (sào 360m2) cà chua, năm nào cũng thu hoạch được ngót 11 tấn quả, trị giá 100 - 120 triệu đồng, lợi nhuận 80 - 90 triệu đồng (tùy năm). Để duy trì ổn định thu nhập, hàng năm ông Tưởng chỉ sản xuất 1 vụ cà chua thu đông, sau đó chuyển sang trồng ngô nếp vụ xuân hè rồi cày phơi ruộng 3 tháng để đất phục hồi "sức khỏe", giảm bớt các loại nấm bệnh và trứng sâu, sau đó mới tiếp tục trồng cà chua và chỉ trồng bằng cây giống cà chua ghép trên gốc cà tím.
Ông Đỗ Văn Xuyên (cùng thôn Đông Giàng) cho hay, về kỹ thuật trồng trọt, các nhà nông ở đây đều “nhìn nhau" để cùng áp dụng chung quy trình VietGAP trên cây cà chua nên hiệu quả sản xuất đạt sàn sàn như nhau. Theo đó, ông Xuyên trồng 6 sào cà chua, luân canh với lúa vụ xuân hè. Tuy chỉ cho đất nghỉ để lấy lại "sức khỏe" khoảng hơn 1 tháng nhưng năng suất cà chua vẫn đạt hơn 60 tấn/ha, lợi nhuận ngót 100 triệu đồng.
Ông Xuyên bật mí, nhờ có giống cà chua ghép ngọn, bệnh héo rũ đã căn bản không còn phát sinh gây hại. Bón lót nhiều phân gà hoai mục cũng giúp giảm đáng kể lượng đạm urê bón thúc cây cà chua. Qua đó giúp sản phẩm cà chua sau thu hoạch đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vẫn ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc HTX cho biết, An Thượng có truyền thống trồng cà chua từ những năm 1970, vào thời kỳ cao điểm, toàn xã trồng tới trên 100ha cà chua. Sau này, do chuyên canh cà chua lâu năm nên đã phát sinh nhiều loại bệnh như héo xanh, héo vàng (héo rũ)... làm chết tới 70% số cây trên đồng ruộng, phun đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng không thể cứu vãn, nhà nông buộc phải chuyển đổi sang trồng các cây rau màu khác.
Tới năm 2013, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã chuyển giao kỹ thuật ghép cà chua lên gốc cà tím, giúp khắc phục căn bản bệnh héo rũ trên cây cà chua, nhờ đó phong trào trồng thâm canh cây cà chua của địa phương từng bước được khôi phục. Tuy diện tích trồng cà chua hiện chưa thể lớn bằng trước kia nhưng HTX đã hình thành được nghề sản xuất cây cà chua giống ghép, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 1,2 triệu cây giống cà chua các loại. Nghề kinh doanh cây cà chua ghép của HTX đã hình thành kể từ năm 2014.
Ông Nguyễn Văn Tiền (thành viên HTX) kể, sau khi làm chủ kỹ thuật ghép giống cây cà chua, ông trồng thử 5 sào cà chua ghép và thấy tỷ lệ cây bị bệnh héo rũ giảm chỉ còn dưới 2%, năng suất quả đạt cao. Kết thúc vụ sản xuất này, ông Tiền “bỏ ống” được trên 100 triệu đồng. Biết tiếng ông Tiền lãi lớn từ trồng giống cà chua ghép, người thân của ông ở Quảng Ninh liền nhờ ghép hộ 5.000 cây cà chua.
Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thượng đã thành lập được tổ hợp tác với 10 hộ chuyên ghép cây cà chua giống, doanh thu đạt 2,4 tỷ đồng/năm, trung bình mỗi hộ sản xuất được 120.000 - 130.000 cây giống/năm. Bên cạnh sản xuất cho nhu cầu tại chỗ, tổ hợp tác còn xuất bán hơn 1 triệu cây cà chua giống ghép sang các tỉnh Thải Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh.
Ông Đỗ Văn Viết (thành viên tổ hợp tác) cho biết, do kỹ thuật ghép cà chua đơn giản nên các hộ trong tổ hợp tác đều ghép đạt tỷ lệ sống của giống từ 85% trở lên. Trong đó, hạt cà tím phải gieo trước 2 tháng, cà chua giống gieo khoảng 25 ngày có thể lấy ngọn ghép. Quan trọng nhất, phải có nhà “úm” giống giúp vết ghép nhanh liền mạch, đạt tỷ lệ sống cao. Sau khi úm dưỡng, cây giống ghép được đưa dần ra ngoài tự nhiên, huấn cho sống thành thục, khỏe mạnh mới xuất vườn.
"Nhằm nâng cao chất lượng cây giống cà chua ghép, HTX tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện mô hình sản xuất giống cà chua CTV40 ghép lên gốc cây cà tím GanGan lai F1 (Hàn Quốc). Sau theo dõi cho thấy cây sinh trưởng, phát triển khỏe, không bị bệnh héo rũ, quả ngon, cùi dày, thịt chắc, thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất tăng 10% so với giống đối chứng trồng phổ biến tại địa phương“, ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thượng cho biết.
TS Ngô Thị Hạnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) thông tin, cùng với mô hình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thượng, Viện Nghiên cứu Rau quả còn trình diễn sản xuất giống cà chua CTV40 ghép trên gốc cà tím GanGan tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và cà chua CTV40 ghép trên gốc cà chua Pootan ở Mộc Châu (Sơn La), đều cho kết quả tốt.
Đặc biệt, cà chua ghép trên gốc cà tím Gangan có khả năng chịu ngập úng tốt trong điều kiện sản xuất cà chua trái vụ ở các vùng đồng bằng. Lưu ý, chỉ nên trồng giống ghép trên gốc cà chua Pootan ở Mộc Châu và các địa phương có điều kiện sinh thái tương tự hoặc trồng vụ đông ở khu vực đồng bằng.