Theo giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Miện, Hải Dương chúng tôi đến thăm mô hình trồng cà chua hữu cơ của anh Nguyễn Danh Khương, xã Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện).
Giống cà chua anh Khương phải kén mua giống cà chua “xách tay” từ Israel về trồng. Đây là giống năng suất, chất lượng rất cao, có khả năng cho năng suất lên tới 130 tấn quả/ha. Trong quá trình sản xuất, anh Khương tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc "6 không" để đạt chuẩn sản phẩm hữu cơ: Không dùng giống biến đổi gien, không bón phân hóa học, không hóa chất bảo vệ thực vật, không kích thích sinh trưởng cây trồng và không dùng chế phẩm bảo quản quả.
Trước khi bước vào mùa thu hoạch quả, phải lấy mẫu, gửi đến đơn vị chuyên môn test kiểm tra, đạt các chỉ số yêu cầu với một sản phẩm hữu cơ, sẽ được cấp giấy chứng nhận, được các cửa hàng rau sạch (Hà Nội) mua với giá cao gấp 3 lần cà chua bán tự do ngoài chợ. Nếu sản phẩm không đạt chuẩn, sẽ bị phạt hợp đồng theo quy định.
Để rau quả đạt chuẩn hữu cơ, trong quá trình canh tác, anh Khương luôn chọn cây giống khỏe; làm nhà màng chống sương, chống côn trùng gây hại; chăm bón bằng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma và nấm xanh vi sinh... Anh còn tự sản xuất chế phẩm vi sinh theo quy trình của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trên cơ sở các nguyên liệu thô sẵn có, dễ mua trên địa bàn.
Nét mới trong cách thâm canh cà chua của anh Khương là: Tự ghép giống cây trồng bằng cách, dùng ngọn cà chua năng suất chất lượng cao (Israel) ghép lên gốc cà chua chuyên dụng (có đặc tính chống chịu tốt). Nhờ cách làm mới này, vườn cà chua của anh Khương sinh trưởng phát triển nhanh, ít nhiễm bệnh héo xanh, năng suất, chất lượng vượt trội hơn hẳn các vườn trồng bằng giống cà chua ghép trên gốc cà tím phổ biến trên miền Bắc nước ta.
Theo anh Khương, cây cà chua ghép trên gốc cà tím vẫn có khả năng chống chịu cao, nhưng quả nhỏ, cùi mỏng, ít bột, năng suất chất lượng thấp, không phát huy được hết các đặc tính ưu tú của giống mẹ (cây gieo lấy ngọn ghép).
Để tích lũy được những kinh nghiệm thâm canh rau quả hữu cơ cho thu nhập cao, ổn định, anh Khương phải đi học hỏi kỹ thuật ở khắp mọi miền đất nước, đã phải trả giá bằng nhiều thất thu. Thoạt đầu là lên Viện Nghiên cứu Rau quả học ghép cà chua trên gốc cà tím. Rồi ngược lên Sa Pa (Lào Cai) tham quan các mô hình trồng cà chua hữu cơ, Sau lại vào Đà Lạt (Lâm Đồng) tìm mua giống cà chua chuyên gốc ghép…
Anh Khương còn phải gieo đi gieo lại cây giống rồi tập luyện ghép rất nhiều lần, khi tỷ lệ sống của cây giống sau ghép đạt trên 90% mới tiến hành sản xuất đại trà. Bởi kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà gốc cà tím khó hơn ghép cây ăn quả có gỗ rất nhiều, ghép cà chua trên gốc cà chua còn khó hơn nữa.
Do gốc cà chua mềm hơn gốc cà tím, yêu cầu về môi trường cho ghép rất khắt khe.Giá thể quá ẩm, nhiệt độ không khí hoặc ẩm độ không khí quá cao hay quá thấp, đều ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sống của cây giống sau ghép. Những người không khéo léo, không nhẫn nại, kiên trì, sẽ rất dễ ghép hỏng cây, gây thất thoát, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, bởi giá thành tạo 1 cây giống hoàn chỉnh tới trên 20.000 đồng.
Với diện tích nhà màng 0,3 ha, hiện mối năm anh Khương thu được khoảng 400 triệu đồng từ trồng cà chua hữu cơ.
“Cà chua trồng trong nhà màng, ít gió, không côn trùng (ong, bướm) qua lại, không thể tự thụ phấn nhờ môi trường. Hơn nữa giống càng cho năng suất càng khó tự thụ phấn nên cần nuôi một số đàn ong trong nhà, kết hợp rung cây giúp thụ phấn cho hoa vào mỗi buổi sáng ở thời kỳ cà chua ra hoa để tăng đậu quả”, kinh nghiệm anh Khương rút ra từ thực tế sản xuất.