| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Trồng cà chua trái vụ trong nhà màng

Thứ Sáu 14/08/2020 , 10:34 (GMT+7)

Mô hình trồng cà chua trái vụ trong nhà màng ở Sa Pa (Lào Cai) của gia đình chị Trần Thị Kim Phượng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cà chua trồng trong nhà mạng cho quả tròn đều, đẹp. Ảnh: H.Đ

Cà chua trồng trong nhà mạng cho quả tròn đều, đẹp. Ảnh: H.Đ

Tìm hướng đi mới

Tại Sa Pa, Lào Cai phần lớn người nông dân vẫn sản xuất theo lối canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thị trường. Quá trình trồng trọt, sản xuất thường cho ra các loại rau quả có chất lượng không ổn định, giá trị hàng hóa thấp. Chưa kể đến là khâu kiểm soát quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... thì gần như là con số không.

Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi, sở hữu khí hậu cận ôn đới, quanh năm mát mẻ, thuận lợi cho việc trồng rau quả trái vụ ưa lạnh, có thể đem lại thu nhập cao cho người dân. Sinh sống và làm việc tại Sa Pa nhiều năm, chị Phượng luôn trăn trở làm sao có thể biến những mét vuông đất nông nghiệp thành vàng và có một mô hình để bà con có thể làm theo.

Nhận thấy, quả cà chua thường xuyên được sử dụng làm nguyên liệu trong bữa ăn hằng ngày của nhiều hộ gia đình, chị Phượng đã tìm hiểu về thị trường về loại quả này. Hiện thị trường cà chua trái vụở các tỉnh phía Bắc khá lớn trong khi nguồn cung chủ yếu nhập từ Trung Quốc hoặc Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Chị Phượng cho biết, vì lợi nhuận nên thương lái trà trộn hàng Trung Quốc với hàng nhập từ Đà Lạt nên người tiêu dùng rất khó phân biệt, chưa kể nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, làm nguy hại cho sức khỏe. Mua về không ai dám ăn sống. Tuy nhiên, mặt hàng của họ có giá rất rẻ nên khi người dân trồng ra quả cà chua không thể cạnh tranh nổi, rất khó bán. Từ đó chị Phượng đã tìm được hướng đi mới đó là trồng cà chua trái vụ trong nhà màng.

“Trồng cây cà chua trong nhà màng khắc phục được các hạn chế của việc canh tác truyền thống, phụ thuộc vào thời tiết, theo mùa vụ, sản lượng, chất lượng thấp và đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phun diệt trừ sâu bệnh…”, chị Phượng cho biết.

Một góc vườn cà chua trong nhà màng. Ảnh: H.Đ

Một góc vườn cà chua trong nhà màng. Ảnh: H.Đ

"Trồng trái vụ thu hoạch đúng thời điểm theo ý muốn, không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, cà chua thu đúng TGST, đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng và giá cả ổn định", chị Phượng chia sẻ.

Thu nhập cao từ cà chua sạch

Cũng theo chị Phượng, công nghệ trồng cà chua trong nhà màng không mới, nhưng gần như là đầu tiên triển khai ở Sa Pa. Vì vậy, từ bước triển khai ban đầu như dựng khung thép, phủ lưới chắn côn trùng… cũng đều phải tìm hiểu, học hỏi kỹ ở nhiều nơi rồi mới đem về áp dụng.

Có thể thấy ngay ưu điểm của nhà màng là ngăn được sâu hại cây trồng, ngăn các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng... gây hại cho cây trồng.

Với mỗi nhà màng có kích thước 10mx100m, gia đình chị được làm luống dọc theo chiều dài nhà, chia làm 5 luống có kích thước 1,2mx100m và trồng cây… Sau đó, đặt dây nhỏ giọt chạy dọc theo luống, song song và cách hàng cây khoảng 5cm-7cm. Cây khi phát triển tốt được treo lên dây của hệ thống cáp treo cây trồng trong nhà màng nhằm mục đích tiết kiệm diện tích, giúp cây có đủ không gian, ánh sáng phát triển. Ngoài ra, việc này cũng thuận lợi cho việc chăm sóc cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây dễ dàng và hiệu quả.

“Trồng trong nhà màng chủ động được thời gian thụ phấn cho cây, giúp quả đồng đều theo loạt, dễ chăm sóc và thu hoạch. Trong quá trình cây phát triển, chất dinh dưỡng và nước được hệ thống tưới nhỏ giọt vận chuyển đến từng gốc cây, hệ thống này được lập trình sẵn để cung cấp đầy đủ và chính xác chất dinh dưỡng, nước tưới cho cây theo từng giai đoạn phát triển”, chị Phượng cho biết.

Hiện nay, khu vực trồng cà chua của gia đình chị Phượng đã triển khai được khoảng 2ha, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm và giải quyết cho một số lao động làm việc thời vụ tại đây.

Đánh giá về mô hình nhà màng trồng ca chua trái vụ này, bà Trần Thị Lan Hương – Phó trưởng phòng NN-PTNT Sa Pa cho biết, đây là mô hình mang lại hiệu quả cao nhưng đầu tư tương đối lớn, và làm được phải có kỹ thuật. Một số nơi ở Sa Pa có thể triển khai mô hình này hiệu quả nhất như Tả Phìn, Bản Khoang… Tuy nhiên khi trồng cần tránh khu vực có nhiều gió, sương muối để đạt hiệu quả tốt nhất.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.