Nhiều nhà ở xã hội đang gặp khó khăn về chính sách gây nhiều bức xúc cho khách hàng và chủ đầu tư |
Sau 3 năm Nhà nước triển khai chính sách gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc thậm chí bất cập. Bởi lẽ khi đưa vào thực hiện thì xảy ra nhiều mâu thuẫn, bức xúc gay gắt từ khách hàng với chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư với các quy định chính sách, pháp lý của Nhà nước… Tại TP.HCM tình trạng trên đang diễn ra một cách phổ biến, buộc Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phải kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai nhà ở xã hội.
Bất cập về chính sách
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết: Theo Luật Nhà ở 2014, trong đó có chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 thì tới ngày 20/10/2015 mới có Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”, nhưng trên thực tế, cho đến nay, người mua, thuê mua nhà ở xã hội và các chủ đầu tư dự án chưa được tiếp cận với lãi suất ưu đãi theo chính sách của Luật Nhà ở 2014.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM: Thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ hiện nay đã có khoảng 10.000 người được mua nhà ở xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố kết thúc gói tín dụng ưu đãi này sau 3 năm thực hiện. Tuy nhiên, hiện đã phát sinh hai vấn đề tồn tại cần phải được xem xét, giải quyết như: Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang đã không còn được tiếp tục vay vốn ưu đãi, dẫn đến dự án thiếu vốn, chủ đầu tư phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại (vừa khó được vay, vừa phải chịu lãi suất cao gấp đôi), làm cho công trình bị kéo dài, thậm chí bị dở dang.
Thế nên, hiện có nhiều chủ đầu tư không giao được căn hộ cho người mua, điển hình như: Dự án Bright City (Hà Nội) đang là điểm nóng tranh chấp, khiếu kiện; hoặc dự án HQC Plaza, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trong khi đó, theo quy định: Kể từ ngày 1/1/2017 đến nay, người mua nhà ở xã hội mà chưa được nhận nhà trong năm 2016 thì không được tiếp tục giải ngân vốn tín dụng ưu đãi, mà phải chuyển sang vay ngân hàng với lãi suất thương mại khiến cho người mua nhà lâm cảnh cực kỳ khó khăn, điển hình như tại Dự án Bright City (Hà Nội)…
Thế nên, HoREA nhận thấy có nhiều vướng mắc, bất cập, chồng chéo về quy định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội và lãi suất nợ quá hạn trong các quyết định hành chính khi thực hiện. Cụ thể: Quyết định 370/QĐ-TTg và Quyết định số 117/QĐ-TTg của Chính phủ nêu: Cùng mua nhà ở xã hội nhưng nếu được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2018 thì lãi suất vay chỉ 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất vay. Nhưng, nếu vay tại các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank thì người mua nhà ở xã hội phải trả lãi suất 5%/năm. Trong khi đó, theo Quyết định 2735/QĐ của Ngân hàng Nhà nước thì những trường hợp đã mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng phải chịu lãi suất 5%/năm trong năm 2018 còn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thì chỉ 4,8%/năm.
Cần nghiên cứu và sớm tháo gỡ bất cập
Từ những bất cập về chính sách gây khó cho cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà, HoREA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét các đề xuất tháo gỡ các vấn đề như: Kiến nghị áp dụng một mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm; áp dụng lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong năm 2018 đối với tất cả các đối tượng mua nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hay các ngân hàng khác được chỉ định như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank. Không phân biệt trường hợp vay trong năm 2018 để mua nhà ở xã hội liên quan tới gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza điển hình gặp khó xử lý, thực hiện nghị quyết trong thời gian dài, khiến nhiều người mua nhà ở xã hội mệt mỏi |
HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội dở dang thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ để hoàn thành dự án, bàn giao nhà ở cho người mua nhà; cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân cho người đã mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 do dự án bị dở dang kéo dài đến nay, điển hình như trường hợp dự án Bright City (Hà Nội), dự án HQC Plaza (TP.HCM).
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm hướng dẫn để triển khai thực hiện Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg ngày 2/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai thực hiện, tạo điều kiện các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này để tạo lập nhà ở…