Ngày 11/9, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc hướng các HTX nông nghiệp đến sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, qua đó phát triển nền kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ông Lê Đức Thịnh, nhấn mạnh, xu hướng phát triển HTX là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Không phải ngẫu nhiên mà trong xu thế hiện nay, với quá trình gần 200 năm phát triển kinh tế tập thể trên thế giới, gần đây, phong trào phát triển HTX đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, đồng thời, dưới tác động của dịch bệnh cũng như biến đổi khí hậu, kinh tế hợp tác và mô hình HTX đóng vai trò quan trọng và là một trong những thể chế giúp định hình lại sản xuất theo hướng phát triển xanh, an toàn và bền vững.
“Hiện nay, nền kinh tế thị trường yêu cầu quá trình sản xuất phải được liên kết và đảm bảo an toàn, có thương hiệu, có thế truy xuất nguồn gốc. Do đó, HTX sẽ là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp, các tổ chức thương mại hỗ trợ liên kết giúp cho nông dân sản xuất định hướng theo thị trường”, ông Lê Đức Thịnh phân tích.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng rộng mở với tính cạnh tranh cao hiện nay, ông Thịnh cho rằng, mặc dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2022 có thể đạt mức 50 tỷ USD nhưng việc mở cửa cho nhiều loại nông sản của thế giới có thể tạo ra cuộc đua cạnh tranh về chất lượng và giá thành nông sản.
“Nông dân cũng không nằm ngoài cuộc đua đó khi phải thực hiện những mệnh lệnh để hoàn thiện các sản phẩm với chất lượng theo yêu cầu của thị trường cũng như mệnh lệnh đẩy mạnh sản xuất với giá thành thấp nhất”, đại diện Bộ NN-PTNT đánh giá.
Để có thể làm được điều đó, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh các HTX sẽ là giải pháp. Thông qua mô hình HTX, người dân có thể mua bán chung, chia sẻ kinh nghiệp với nhau thông qua các phương thức quản trị hiệu quả, qua đó sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm và hướng đến việc phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
“Kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn chỉ có thể được triển khai khi ngành nông nghiệp được tổ chức lại sản xuất, người dân thực hiện theo các quy trình sản xuất an toàn, trách nhiệm và hiệu quả. Qua đó, các HTX và kinh tế hộ có thể ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc hướng dẫn người dân thực hành các quy trình sản xuất thích ứng mới; thay đổi mùa vụ; áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi ưu việt; tăng cường năng lực quản lý, quản trị của HTX; thúc đẩy liên kết thông qua HTX; ứng dụng công khoa học công nghệ để hướng đến kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Đến hết năm 2022, dự kiến sẽ có khoảng gần 30.000 HTX trên cả nước, trong đó có khoảng hơn 19.000 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng số HTX trên cả nước.