| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng xanh, phát thải thấp

Nhiều mô hình tuần hoàn, nhưng nhân rộng còn hạn chế

Thứ Năm 20/10/2022 , 13:47 (GMT+7)

Hiện đã có nhiều mô hình hay về sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Làm sao nhân rộng những mô hình này để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn khép kín?

thanh bình

Bẹ chuối tách phơi khô làm ra sản phẩm xơ, sợi xuất khẩu.

Không bỏ đi thứ gì

Từ phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã nghiên cứu, tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhờ đó, sau thu hoạch không phải tốn công chặt bỏ cây chuối, người nông dân có thể vừa trực tiếp bán chuối tươi vừa bỏ công tách bẹ chuối, phơi khô bán lại cho HTX thu về hàng chục triệu đồng/năm.

Việc thu gom, xử lý, chế biến và sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường, duy trì sự đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, nền nông nghiệp tuần hoàn, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, cho xã hội, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Với lợi thế vừa xuất khẩu chuối tươi, vừa sản xuất chuối chế biến nên trái chuối của HTX gần như được tận dụng hết và không phải vứt bỏ thứ gì. Những trái có mẫu mã đẹp thì xuất khẩu tươi, còn trái có hình thức xấu hơn thì chuyển qua làm chuối sấy.

Không những thế, HTX Thanh Bình còn là một trong những đơn vị đã tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ chuối. Đặc biệt, sản phẩm xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng thân thiện với môi trường đang được HTX xuất khẩu liên tục sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này không chỉ tận dụng được những bẹ chuối bỏ đi sau thu hoạch mà còn mở ra cơ hội phát triển chuối bền vững cho bà con nông dân.

Ông Lý Minh Hùng cho biết, thời gian tới HTX đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm, hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này tại vùng đất 'thủ phủ chuối".

Công ty CP Giống & Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (xóm Trường Yên, xã Yên Mông, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã xây dựng được bài toán cân đối các nguồn phế thải từ các giai đoạn để tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào cho từng công đoạn khép kín trồng trọt - chăn nuôi - xử lý môi trường - tạo sản phẩm hữu ích cho xã hội mang tính tuần hoàn.

Kết thúc vòng tuần hoàn, doanh nghiệp có 2 sản phẩm là bò vỗ béo (lấy thịt) và phân bón hữu cơ vi sinh.

Với quy mô chăn nuôi tập trung từ 20.000 đến 28.000 (lượt) con trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất đã thu gom, xử lý để sử dụng 200.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, 150.000 tấn phế phụ phẩm khác làm đệm lót sinh học và làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất khoảng 60.000 tấn phân bón hữu cơ.

Trong năm 2016, công ty đã thu gom và xử lý 43.500 tấn phế phụ phẩm, trị giá 44 tỉ đồng; năm 2017, thu gom và xử lý 32.000 tấn phế phụ phẩm, trị giá 30 tỉ đồng và đến năm 2020, thu gom và xử lý 123.000 tấn phế phụ phẩm, trị giá 137 tỉ đồng.

nuôi trùn quế

Tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùn quế đem bón cho cây trồng đang được nhiều nông hộ, HTX, doanh nghiệp ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Tuần hoàn tại chỗ

Bài liên quan

Theo đại điện Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, hộ chăn nuôi vẫn chiếm 55% về mặt số lượng và chiếm 45% về mặt sản lượng, nhưng đối tượng này đang bỏ đi phụ phẩm (phân, nước tiểu) với 61 triệu tấn phân, và khoảng 290 triệu tấn chất thải. Vì vậy, rất cần để giải bài toán liên kết hài hòa hiệu quả giữa chăn nuôi, trồng trọt, chế biến phân thành chuỗi kinh tế tuần hoàn.

Hiện nhu cầu đối với thức ăn thô xanh (sản phẩm phụ của sản phẩm) cho chăn nuôi là 75 triệu tấn, nhưng đến năm 2030 chiến lược phát triển chăn nuôi thì nhu cầu khoảng 128 triệu tấn.

“Chiến lược có rồi, văn bản có rồi nhưng phải có chính sách kịp thời cho các doanh nghiệp, cơ sở áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ vi sinh, công nghệ thu, chế biến, bảo quản phụ phẩm trong trồng trọt… phát triển thức ăn thô xanh cho chăn nuôi và chăn nuôi hướng an toàn.

Cần có chính sách kịp thời cho hướng phát triển bền vững và có những liên kết kịp thời, biến những cái bỏ đi thành tài nguyên đáng quý, vừa giảm thiểu môi trường vừa có những sản phẩm đầu vào trong bối cảnh giá thức ăn rất cao”, đại diện Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nói.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trước đây mô hình truyền thống vườn - ao - chuồng đã làm rất nhiều. Hiện nay, chương trình khuyến nông cũng có nhiều mô hình tôm - cá, tôm - lúa, tôm - cá - lúa, lúa - tôm - vịt mang tính chất nông nghiệp tuần hoàn.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai hai mô hình lớn về nông nghiệp tuần hoàn liên quan đến trồng trọt và chăn nuôi, đó là nuôi bò thịt vỗ béo, trồng ngô sinh khối. Hay như ở Hà Nam, mô hình vừa nuôi bò vừa trồng cây quế để sản xuất tinh dầu xuất khẩu đang rất phát triển. Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng, những mô hình thực tế mà bà con nông dân làm thì rất nhiều, nhưng để nhân rộng thành những mô hình có thể áp dụng rộng rãi tùy từng vùng sinh thái, từng mùa vụ thì chưa nhiều, đặc biệt là biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc canh tác của bà con.

“Trung tâm Khuyến nông quốc gia có đầy đủ các mô hình liên quan lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên mô hình mang tính chất tuần hoàn chỉ chiếm khoảng 12 - 14%. Sau khi có chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, chúng tôi quan tâm hơn đến chuỗi giá trị cũng như nâng cao giá trị sản phẩm thương hiệu”, bà Hạnh nói.

Theo bà Hạnh, thời gian tới, ngoài cơ giới hóa nông nghiệp thì công nghệ vi sinh rất quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tái sử dụng lại để làm sao trong một quá trình tuần hoàn không vứt đi cái gì, đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình kia.

Vì vậy, cần tăng cường thông tin tuyên truyền những mô hình hay, hiệu quả trong việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ. Có những chương trình đào tạo, tập huấn truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái tạo, cũng như vấn đề sử dụng hữu cơ.

Nên xây dựng các mô hình khuyến nông liên quan đến vấn đề tuần hoàn tại chỗ, đây là phần quan trọng, bởi hiện nay tỷ lệ nông hộ còn lớn thì nông nghiệp tuần hoàn tại chỗ rất quan trọng để tái sử dụng phế phụ phẩm ở các nông hộ cũng như đưa tổng thể các chương trình chung. “Trung tâm Khuyến nông quốc gia mong muốn phối hợp với các tổ chức quốc tế để xây dựng một số tài liệu hướng dẫn cho người dân dễ sử dụng nhất, hiệu quả nhất, ngắn gọn nhất để thực hiện được tuần hoàn tại chỗ, vừa nâng cao giá trị nông nghiệp, vừa giảm thiếu tác động đến môi trường, khí hậu”, bà Hạnh nói.

Tương lai, nông nghiệp Việt Nam cần phải dựa vào tri thức nhiều hơn, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng của các quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Theo tính toán từ các chuyên gia, việc ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn tái tạo nguồn phế phụ phẩm sau thu hoạch sẽ giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.