| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Thứ Sáu 14/12/2018 , 08:42 (GMT+7)

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới (NTM) theo hướng nâng cao, kiểu mẫu nhằm không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Mục tiêu đến năm 2020, Tân Hiệp và Giồng Riềng ít nhất mỗi huyện có 1 xã đạt tiêu chí nâng cao, hàng năm toàn tỉnh có thêm từ 9- 10 xã NTM và tối thiểu có thêm 2 huyện NTM được công nhận.
 

Chọn xã điểm để nhân rộng

Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, tỉnh Kiên Giang còn triển khai chọn các xã đã được công nhận để làm xã điểm xây dựng thành xã NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn từ nay đến năm 2020, theo đúng phương châm là “chương trình xây dựng NTM có khởi đầu chứ không có điểm dừng”.

07-00-31_1tn_hiep__duoc_chon_l_x_diem_xy_dung_ntm_nng_co_kieu_mu_cu_huyen_ntm_tn_hiep_1
Tân Hiệp A được chọn là xã điểm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện NTM Tân Hiệp

Ông Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, để triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, thời gian tới Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã chọn 10 xã trên toàn tỉnh để làm xã điểm thực hiện. Đang chờ Hội đồng nhân dân tỉnh họp ban hành nghị quyết thông qua. Đây là cơ sở để các địa phương căn cứ, đăng ký thực hiện.

Tân Hiệp A là xã được công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vào năm 2013, đến năm 2018 là tròn 5 năm sẽ thẩm định lại. Ông Hà Trường Giang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “5 năm qua, kể từ khi xây dựng NTM, xã luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, để khi thẩm định lại không chỉ giữ vững mà còn phải nâng chất các tiêu chí. Hiện xã đã được tỉnh và huyện chọn là xã điểm thực hiện theo tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu. Xã đang nỗ lực để đến cuối năm tới sẽ được công nhận”.

Huyện Giồng Riềng đang dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, với 15/18 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 11 xã đã được công nhận chính thức. Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM huyện cho biết, cuối năm 2018 này, các ban ngành đã thẩm định thêm 4 xã của Giồng Riềng là Ngọc Hòa, Ngọc Thuận, Thạnh Hòa và Bàn Tân Định hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Hiện đang chờ BCĐ tỉnh họp thẩm định và UBND tỉnh ra quyết định công nhận.

Như vậy, nếu được thông qua huyện Giồng Riềng sẽ có 15/18 xã đạt chuẩn NTM tính đến hết năm 2018. Còn 3 xã lã Vĩnh Phú, Vĩnh Thạnh và Bàn Thạch sẽ tiếp tục thực hiện trong 2 năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2020 huyện sẽ có 100% số xã đạt chuẩn NTM và Giồng Riềng sẽ được công nhận là huyện NTM của tỉnh Kiên Giang.

“Song song với việc xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM, địa phương còn chọn xã NTM Thạnh Hưng làm điểm thực hiện tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu. Từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các xã khác. Thạnh Hưng là xã có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Đây cũng là xã có làng nghề truyền thống làm bánh tráng khá nổi tiếng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương”, ông Khải cho biết.
 

Lồng ghép các chương trình, dự án

Tại hội nghị sơ kết 3 năm (giai đoạn 2) chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2018 của tỉnh, triển khai giải pháp, nhiệm vụ giai đoạn 2019-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phạm Vũ Hồng, chỉ đạo: “Cần lồng ghép, thực hiện song song các chương trình trong giai đoạn tiếp theo để đạt được hiệu quả cao nhất”.

07-00-31_2thnh_hung_co_lng_nghe_truyen_thong_lm_bnh_trng_kh_noi_tieng_gop_phn_tng_thu_nhp_cho_nguoi_dn_di_phuong_2
Xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) có làng nghề truyền thống làm bánh tráng khá nổi tiếng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương

Theo đó, cần gắn chặt chẽ việc thực chương trình MTQG xây dựng NTM với thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chương trình khoa học- công nghệ phục vụ xây dựng NTM.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối các cấp; bố trí cán bộ công chức chuyên trách Văn phòng điều phối cấp tỉnh, huyện và cán bộ chuyên trách xã theo Quyết định 1920/QĐ-TTg ngày 5/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm tốt công tác giúp Ban chỉ đạo các cấp triển khai hiệu quả chương trình.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu về hệ thống điện an toàn, đường giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại, hệ thống thông tin và truyền thông, trạm y tế và trạm cấp nước sạch cho người dân.

Thực hiện có hiệu quả việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, nhất là đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là việc xử lý rác thải, bao bì thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tạo lập và phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao vùng nông thôn; tăng dần khả năng tiếp cận, thụ hưởng từ các thiết chế văn hóa, thể thao đã được hình thành, tạo môi trường sống văn hóa, văn minh ở nông thôn. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Tập trung triển khai đầu tư cho các mô hình chủ lực phù hợp với với điều kiện địa phương mang lại hiệu quả cao, có tính nhân rộng, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Triển khai có hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình. Đồng thời, tăng cường vận động tạo nguồn theo phương thức xã hội hóa góp phần xây dựng NTM, nhằm đạt mục tiêu đề ra. Tổng nguồn vốn dự kiến huy động thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2019-2020 là 3.358 tỷ đồng. Trong đó, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác 2.052 tỷ, nhân dân đóng góp 380 tỷ, vốn vay tín dụng 180 tỷ và DN đầu tư, hỗ trợ 260 tỷ… Riêng nguồn ngân sách Trung ương 485 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn đầu tư phát triển 388 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương 582 tỷ”.
“Trong xây dựng NTM, tiêu chí số 19 về an ninh trật tự là tiêu chí nhạy cảm rất khó đạt, khó lường. Vì vậy, để thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM, tỉnh Kiên Giang đã chọn phương án dự phòng là 4 huyện, gồm: Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Lương để phấn đấu thực hiện. Hàng năm, các xã phải hoàn thành thêm ít nhất 1-2 tiêu chí, để đến năm 2020 toàn tỉnh bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã, không còn xã nào đạt dưới 11 tiêu chí. Thu nhập 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,5%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 2%/năm.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.