| Hotline: 0983.970.780

Sống trong di sản

Hướng đi nào giúp người dân thoát nghèo?

Chủ Nhật 04/06/2023 , 09:02 (GMT+7)

Hà Giang đang sở hữu cùng lúc hai di sản, nhưng cũng đang sở hữu tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Đường đi nào giúp người dân sống trong di sản thoát nghèo?

Theo kết quả rà soát năm 2022, tỉ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh Hà Giang, giảm 5,17%, vượt chỉ tiêu tỉnh đề ra 3%, vượt cả chỉ tiêu của Chính phủ giao. Bằng các giải pháp đồng bộ, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Tổng số hộ tại thời điểm rà soát là 189.615 hộ; số hộ nghèo đa chiều là 94.727 hộ, chiếm 49,95%. Một số huyện thực hiện tốt việc giảm nghèo đa chiều gồm Mèo Vạc, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình; 3 huyện không đạt chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của tỉnh là Yên Minh, Hoàng Su Phì và Bắc Mê.

Tuổi thơ trên cao nguyên đá. Ảnh: Thanh Đào.

Tuổi thơ trên cao nguyên đá. Ảnh: Thanh Đào.

Đó là con số trong báo cáo. Nhưng, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cả xã có gần 1.500 hộ thì có hơn 900 hộ nghèo, tương đương trên 64%.

Tôi khá bất ngờ khi nghe thông tin từ chị Linh Thị Vị, phó chủ tịch xã. Và khái niệm “nghèo đa chiều” cứ làm tôi thắc mắc mãi. Vị nữ lãnh đạo xã 41 tuổi lý giải: chúng em xét trên nhiều tiêu chí, như thu nhập, diện tích canh tác, thiếu tư liệu sản xuất, không tiếp cận được thông tin, nhà ở, chế độ chính sách…

Thì ra, nghèo đa chiều là như vậy. Những người dân nghèo đa chiều trong chính vùng đất toàn di sản - điều mà rất nhiều địa phương thèm muốn, khao khát, bởi nó là nguồn lực, tiềm lực, là giá trị không thể thay thế để phát triển kinh tế xanh, “kinh tế không khói”: du lịch. Từ vùng núi đá sang vùng núi đất, 6/11 huyện, thành phố của Hà Giang nằm trong lõi vùng di sản. Nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo của Hà Giang đều cố gắng giúp địa phương thoát nghèo, rũ bỏ danh hiệu “tỉnh nghèo nhất nước”. Nhưng, cụm từ đó dường như vẫn còn đeo đẳng Hà Giang, như là một “mã định danh”.

Hà Giang đang có tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức gần 50%, ở nhiều xã, tỷ lệ này hơn 60%. Ảnh: Thanh Đào.

Hà Giang đang có tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức gần 50%, ở nhiều xã, tỷ lệ này hơn 60%. Ảnh: Thanh Đào.

Tôi bất giác nhớ đến hình ảnh con gà mẹ bị cột chân, ủ rũ bên chiếc cột trước cửa nhà Lầu Mí Mua, thôn Làng Chải, xã Cán Chu Phìn. Đám gà con tha thẩn bên cạnh mẹ. Xung quanh con gà mẹ u buồn, lố nhố hơn chục con người, lớn bé, gái trai, trẻ già tụm lại. Trời xẩm tối, bé gái bế con gà mẹ vào nhà, rồi cẩn thận đặt nó vào trong một chiếc hòm gỗ. Có lẽ, đàn gà là tài sản quý giá của nhà Mua, phải trông chừng thật cẩn thận.

Đọc những con số mà thấy sốt ruột cho Hà Giang. Ngay như hai huyện Đồng Văn – Mèo Vạc chia nhau Cổng trời Mã Pì Lèng làm ranh giới, Đồng Văn thu ngân sách một năm ở 2 con số, vài chục tỷ/năm, trong khi Mèo Vạc thu ngân sách hơn 100 tỷ một năm. So sánh với Mèo Vạc, Đồng Văn thuận lợi hơn đủ đường: địa hình bằng phẳng hơn, có nhiều danh thắng, là trung tâm của Công viên địa chất toàn cầu, nhưng thu ngân sách chỉ chưa bằng một nửa. Nguyên nhân, Mèo Vạc có nhiều dự án thuỷ điện, mỗi năm đóng góp ngân sách lớn hơn. Đó là lý do khiến Mèo Vạc hơn hẳn “ông hàng xóm”, dù các yếu tố khác vẫn kém hơn nhiều.

Làm thế nào để người dân sống trong vùng di sản, mảnh đất toàn di sản thoát nghèo?

Dọc hành trình, tôi gặp rất nhiều con người, từ Hoàng Văn Hùng, người Nùng ở Khâu Vai chấp nhận cho người khác bỏ thuốc cỏ để hại bè cá lồng anh nuôi trên sông Nho Quế, tìm cách vượt qua hủ tục để làm homestay; hay như Lý Văn Tinh, cậu trai ở bản Tráng Kìm (xã Cán Tỷ) dựng một chiếc chòi tre dưới chân cổng trời Quản Bạ để làm điểm dừng chân cho khách, bán café, đồ ăn vặt; Mùa Mí Vàng, bản Lao Xa (xã Sủng Là) đập bỏ cả khu chuồng bò kiên cố bê tông cốt thép xây dựng hơn 200 triệu để có không gian phù hợp với ngôi nhà cổ; cả bản Lô Lô dưới chân Lũng Cú bảo nhau làm du lịch… Nơi nơi, râm ran những kế sách sinh nhai, thoát nghèo, học nhau làm giàu… Nhưng tất cả, những mô hình ấy dường như chưa tới, chưa chạm đến gốc rễ, chưa giải tận gốc bài toán vừa dễ, vừa khó bao nhiêu năm vẫn để ngỏ ở Hà Giang…

Hoàng Văn Hùng, cán bộ xã Khâu Vai quyết tâm làm giàu. Ảnh: Thanh Đào.

Hoàng Văn Hùng, cán bộ xã Khâu Vai quyết tâm làm giàu. Ảnh: Thanh Đào.

Một giáo viên mầm non của Hoàng Su Phì thật thà nói với tôi: các trường đều được giao chỉ tiêu xã hội hoá, nghĩa là kêu gọi sự hỗ trợ, đóng góp của xã hội, các Mạnh Thường Quân, các đoàn từ thiện… để các cháu có quần áo, bữa ăn, sách vở chăn màn, hay xây dựng phòng học… Nếu trường nào không hoàn thành, thì bị đánh giá, xếp hạng không hoàn thành nhiệm vụ!!!

Từ khi nào, tâm lý trông chờ, bị động, lệ thuộc đã ăn vào nếp nghĩ, thành hẳn chỉ đạo, chỉ tiêu, nhiệm vụ - tất nhiên không phải tất cả các ngành, lĩnh vực, nhưng nó đã tạo nên một thành trì tâm lý cản trở sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, tự vượt khó, tự mình cứu mình?

Hà Giang nên lấy lợi thế để xoá nghèo

Câu hỏi đau đáu ấy, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico – doanh nghiệp hoạt đông trong lĩnh vực nông nghiệp, và hơn hết, bà Thực là người yêu mảnh đất Hà Giang tới mức đau đớn, thẳng thắn: “Tôi không tìm được lý do khiến ai đó phải nghèo, nhất là với những địa phương có nhiều thế mạnh, lợi thế, có nhiều di sản như Hà Giang”.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: NVCC.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực. Ảnh: NVCC.

Gần đây, bà Thực đã có chuyến công tác khá dài ngày ở huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang). Bà đã gặp gỡ, chia sẻ với các lãnh đạo của huyện để “hiến kế” giúp người dân thoát nghèo, từ chính những nguồn lực tại chỗ của địa phương.

Chìa khoá để giải quyết vấn đề này, theo bà Thực, đó là phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn. “Tôi nói với các đồng chí lãnh đạo địa phương, là với địa hình núi non hiểm trở, đường sá xa xôi, trình độ văn hoá dân cư thấp như hiện tại…, các anh ấy không trông chờ phát triển công nghiệp, và cũng không có nhà đầu tư nào dám lên vùng núi khó khăn như này để mở nhà máy sản xuất công nghiệp.

Cái cần làm, đó là tập trung những thế mạnh cây con tại chỗ, nâng tầm sản phẩm lên để có thương hiệu, từ đó cải thiện thu nhập cho người dân. Cùng với phát triển nông nghiệp, kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá. Cùng với các danh thắng, di sản…, nông nghiệp bản địa là thứ giữ chân du khách”.

Bà Thực bên một cây hồng cổ thụ được ứng dụng công nghệ giâm, chiết cây để nhân giống. Ảnh: NVCC.

Bà Thực bên một cây hồng cổ thụ được ứng dụng công nghệ giâm, chiết cây để nhân giống. Ảnh: NVCC.

Bà Thực nói, và nhấn mạnh quan điểm, “tôi không tìm thấy lý do để Hà Giang nghèo, người dân sống trong vùng di sản nghèo”.

Bà cho rằng, du lịch của Hà Giang thời điểm hiện tại, đó mới đang là sự manh mún, tự phát, chưa thành đường hướng. Con số hàng triệu khách du lịch lên Hà Giang mỗi năm, phần lớn là khách phượt – những người đi - ngắm - khám phá để thoả mãn sự tò mò. Đối tượng ấy, chỉ làm giàu cho một nhóm nhỏ những người mở hàng ăn, gắn biển “Cơm phượt” như dưới xuôi gắn tấm biển “Cơm xe tải”; mở điểm lưu trú, hay những điểm dừng chân check-in như Panorama mà báo chí một thời gian dài lên tiếng.

Còn đại đa số người dân bản địa, những người sống trong vùng di sản, họ không được hưởng lợi gì từ việc mảnh đất của họ được phong tặng di sản, danh thắng. Họ vẫn nghèo, dù quê hương họ có được phong là di sản hay không.

Vì sao Hà Giang sở hữu nhiều di sản nhưng lại vẫn nghèo? Ảnh: Huy Hà.

Vì sao Hà Giang sở hữu nhiều di sản nhưng lại vẫn nghèo? Ảnh: Huy Hà.

Lấy Xín Mần làm ví dụ, bà Thực phân tích: địa phương này có rất nhiều giống cây, con đặc sản, đã được chọn lọc qua bao nhiêu năm để trở thành thương hiệu, như cây hồng, cây mận máu, cây chè, giống bò H’mông to khoẻ, lực lưỡng, chịu được rét, chịu được địa hình dốc, khó khăn… Nếu để cho người dân sản xuất tự phát, manh mún theo mô hình hộ cá thể, họ sẽ dừng lại khi nhu cầu cuộc sống của họ đạt đến ngưỡng mà họ mong chờ. Họ không có nhu cầu làm giàu, nhu cầu sản xuất quy mô lớn.

“Nếu lấy lý do kinh tế khó khăn, không đủ tiềm lực để làm mô hình trang trại, tại sao không gom họ lại. 10 hộ sẽ có 10 con bò Mông, nhưng 100 hộ, 1.000 hộ sẽ có một hợp tác xã chăn nuôi hàng ngàn con. Giống bò Mông khoẻ, thịt ngon, giá trị thương phẩm rất lớn, ngon hơn nhiều so với những giống bò nhập ngoại.

Với những cây trồng đặc hữu như chè, hồng, mận máu…, áp dụng khoa học công nghệ, chiết cành, kích rễ, ghép mầm…, thời gian cho thu hoạch sẽ được rút ngắn thay vì trồng cây giống. Khoa học công nghệ bây giờ cho phép chúng ta rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Dòng Nho Quế kiêu hùng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Huy Hà.

Dòng Nho Quế kiêu hùng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Huy Hà.

Nếu chưa biết thì đi học. Học ở trường, ở lớp, học trên mạng xã hội, học lẫn nhau. Cái cần thiết là cho người dân kiến thức. Bây giờ, tôi thấy cần một cuộc cách mạng tiếp theo, đó là cách mạng “xoá mù công nghệ”, bà Thực nói.

Về bài toán tổng thể, bà Thực phân tích: cần có một quy hoạch chiến lược mang tính tầm nhìn. Bài toán thiếu nước, chúng ta có phương án giữ nước bằng các hồ bạt; trồng tre ven chân đồi, chân núi để giữ nước. Giống tre bụi, tre dây bản địa chịu hạn, sống khoẻ, chỉ ba năm cho thu hoạch, vừa bảo vệ môi trường, giữ nước vẫn khai thác được giá trị kinh tế. Lá tre không có tinh dầu, nhanh mục, tái cải tạo đất. Quy hoạch phân vùng trồng trọt, chăn nuôi, tiếp đó phát triển du lịch bản làng gắn với nông nghiệp nông thôn tạo thành một chuỗi liên kết, tuần hoàn…

Cuối tháng 4 vừa qua, bà Thực đã có một bản tham luận “hiến kế” cho huyện Xín Mần về hướng phát triển du lịch Trước đó, bà Thực được biết đến với những dự án triển khai hiệu quả về du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn tại các tỉnh như Ninh Thuận; Tam Đường (Lai Châu); Trùng Khánh, Quảng Uyên (Cao Bằng); Đà Bắc, Mai Châu (Hoà Bình); Vân Hồ (Sơn La).

Thế hệ trẻ vùng cao Hà Giang, sau xoá mù chữ cần một cuộc cánh mạng, đó là 'xoá mù công nghệ' để tận dụng các trí thức của nhân loại được phổ biến trên nền tàng mạng xã hội.  Ảnh: Kiên Trung.

Thế hệ trẻ vùng cao Hà Giang, sau xoá mù chữ cần một cuộc cánh mạng, đó là "xoá mù công nghệ" để tận dụng các trí thức của nhân loại được phổ biến trên nền tàng mạng xã hội.  Ảnh: Kiên Trung.

So với các địa phương khác, Xín Mần (Hà Giang) có cảnh quan đẹp và hoang sơ, vị trí trung tâm, nhiều danh thắng, cửa khẩu tiềm năng (Cốc Pài) thông thương với Trung Quốc. Có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp, đặc sản nông nghiệp phong phú, phù hợp với du lịch chăm sóc sức khoẻ và trị liệu. Nếu phát triển du lịch gắn với nông nghiệp sẽ bổ sung vào phần khuyết của tuyến du lịch Đông – Tây Bắc; Cao Bằng - Hà Giang - Lào Cai - Lai Châu - Yên Bái. Về tương lai, địa phương này sẽ là điểm thay thế, cạnh tranh cho Sapa hiện đang bị du lịch hoá, băm nát quy hoạch…

Vậy du lịch Xín Mần cần làm gì? Theo bà Thực, đó là cần thu hút các nhà đầu tư có tâm và có tầm; có quy hoạch du lịch chuẩn chỉ; có các sản phẩm du lịch đặc thù giữ người ở lại, không phải hút người vào. Và, một điều quan trọng khác, đó là cân bằng lợi ích giữa các bên: người dân – du khách – nhà đầu tư và chính quyền. Phát triển bền vững, không phát triển nóng và kiểm soát chặt chẽ việc phát triển du lịch.

Đối với cây chè cổ thụ Xín Mần, bà Thực cho rằng, cần xây dựng chuỗi liên kết chế biến, tiêu thụ chè chất lượng cao gắn với du lịch trải nghiệm; nghiên cứu bảo tồn, phát triển vùng chè cổ thụ Xín Mần trong đó có hướng “trẻ hóa cây chè”, bảo tồn các cây chè cổ thụ bằng phương pháp giâm/chiết cành chè cổ thụ để mở rộng vùng chè tập trung cho năng suất chất lượng cao; xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa chè có các hộ dân tham gia chuỗi để họ tự làm du lịch homestay, vừa đón khách du lịch tham gia trải nghiệm sản xuất chè, vừa cung ứng chè nguyên liệu cho chuỗi…

“Tôi không nhìn thấy lý do dể bất kỳ ai nghèo. Với vùng đất tiềm năng như Hà Giang, nếu người dân còn nghèo, điều đó khiến chúng ta có lỗi”, bà Thực nói.

Có lẽ, suy nghĩ ấy cũng là niềm đau đáu của những lương tâm yêu quý mảnh đất Hà Giang!

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất