| Hotline: 0983.970.780

Hướng sản phẩm chè giá trị cao

Thứ Bảy 06/07/2019 , 19:12 (GMT+7)

Tín hiệu thị trường, xu thế tất yếu của thị hiếu người tiêu dùng đã kéo theo và đòi hỏi người làm chè ở Thái Nguyên không ngừng thay đổi phương thức sản xuất...

Ở hầu khắp các vùng chè xứ Thái hiện nay, người làm chè đều đã tạo ra cho riêng mình những sản phẩm chè đặc biệt với giá trị rất cao. 

Định dạng khách hàng

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trước đây, chúng ta mặc dịnh lối tư duy truyền thống là có cung ắt có cầu. Vậy nên, hầm bà lằng các loại sản phẩm chè được làm ra đều đi đến chợ.

11-24-20_3
Sản xuất trà xanh chất lượng cao tạo sức sống mới cho sản phẩm trà Thái Nguyên. Ảnh: Đào Thanh.

Người làm chè thông thái bây giờ định dạng cho mình một nhóm khách hàng cố định, bền vững, cột chặt mối quan hệ đó bằng chất lượng đặc trưng của sản phẩm chè, khiến họ sử dụng sản phẩm như một thói quen cố hữu, không thể biến đổi. Các loại sản phẩm chè vì đó mà đa dạng hơn.

Đơn cử như chè đinh có giá từ 3 - 5 triệu đồng/kg; trà hoa nghệ thuật với giá trên dưới 10 triệu đồng/kg. Một số loại chè có công năng đặc biệt như chè tím với các nghiên cứu khẳng định ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư; matcha (bột trà xanh), thức uống có lợi cho sức khỏe... Chung quy lại, tất thảy mọi sản phẩm đều đảm bảo nền tảng cốt lõi, đó là trà xanh chất lượng cao.

Đó là hướng đi tất yếu, sống còn và duy nhất đảm bảo cho sự phát triển ổn định của cây chè.

Một số giải pháp cụ thể đã được như xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, đổi mới hình thức sản xuất, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất… Xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện và thực tiễn sản xuất, nhiệm vụ cốt lõi là phải nâng cao chất lượng theo hướng đảm bảo ATVSTP, phù hợp với tiêu chuẩn và đáp ứng thị hiếu Quốc tế.

Năm 2011, tại Thái Nguyên, diện tích chè Trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7%. Đến năm 2015 diện tích chè giống mới đã chiếm 62,4%.

Đến năm 2020, Thái Nguyên xác định chè Trung du chỉ còn chiếm 20% diện tích; các giống mới chiếm 80% diện tích. Trong đó, các giống được ưu tiên để sản xuất chè xanh chất lượng cao là LDP1 và các giống chè nhập nội chất lượng cao Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... Việc chuyển dịch nhanh và hiệu quả cơ cấu giống mang tính đột phá, như một cuộc cách mạng về giống, góp phần tiếp tục duy trì vị thế thủ phủ trà Việt của chè Thái Nguyên trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và chất lượng.  

Hiện nay, Thái Nguyên có trên 22 nghìn ha chè, trong đó, diện tích chè kinh doanh là 19.600ha, năng suất đạt gần 118 tạ/ha. Thái Nguyên thực hiện hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cho cấp giấy chứng nhận chè VietGAP (6 triệu đồng/ha) và hỗ trợ phần chênh lệch giá trị phân bón do chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ là 217 nghìn đồng/sào, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học 500 nghìn đồng/sào. Toàn tỉnh đã có 137 mô hình sản xuất chè VietGAP được chứng nhận với diện tích khoảng 1.600ha.

11-24-20_che1
Hiện nay, Thái Nguyên có trên 22 nghìn ha chè. Ảnh: Đào Thanh.

Năm 2019, Thái Nguyên thực hiện kế hoạh trồng mới, trồng lại 875ha chè, đưa diện tích chè giống mới có năng  suất, chất lượng cao chiếm trên 74%.
 

Lan tỏa

Ảnh hưởng của sức ép sản xuất chè an toàn đã lan tỏa, thẩm thấu đến các địa phương, các làng nghề và trên hầu khắp nương chè.

Giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, những vùng chè nổi tiếng được chọn lựa thực hiện như Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Hùng Sơn, Tức Tranh… thì nay đã được người làm chè đón nhận, tự nguyện làm. Nhiều sản phẩm chè mới, giá trị cao có nguồn gốc từ những địa phương mà ít người nghĩ đến như chè Văn Hán, Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ), chè Cổ Lũng, Yên Lạc (huyện Phú Lương) hay Hà Thượng, Phục Linh (huyện Đại Từ)...

Bà Tống Thị Xuyến (Trưởng Làng nghề chè Trung Thành 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương) cho biết, nghề trồng, chế biến chè đã có mặt trên đất Trung Thành từ những năm 70 của thế kỷ trước khi những người dân ở Hà Nam, Thái Bình… lên đây xây dựng kinh tế mới. Mặc dù chè là cây trồng chính của 90% người dân trong xóm nhưng trước đây, người dân sản xuất chè ồ ạt và làm theo cảm tính, kinh nghiệm là chính, máy móc làm chè cũng thô sơ nên sản phẩm làm ra thô mộc, giá trị thấp.

Bà Xuyến đã đứng ra kêu gọi hơn 30 người dân trong làng nghề để thành lập Tổ hợp tác chè VietGAP, thực hiện sản xuất trên diện tích gần 12ha. Chè VietGAP cho hiệu quả lập tức. Sản phẩm làm ra đến đâu được bán hết tới đó với giá bao giờ cũng cao hơn giá chè thường.

Địa phương có bước chuyển đổi nhanh chóng, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất chè xanh chất lượng cao phải kể tới là thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ). Sức lan tỏa từ những cân chè mới có giá gấp rưỡi giá của sản phẩm chè trước đó đã tạo ra phong trào chính quyền, người dân cùng nhau làm chè an toàn. Chỉ trong hơn một năm qua, ¼ diện tích chè của thị trấn nông trường này đã được áp dụng quy trình VietGAP.

11-24-20_2
Chỉ trong hơn một năm qua, ¼ diện tích chè của thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ) đã được áp dụng quy trình VietGAP. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Dương Sơn Hà (Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên) cho biết, qua thực hiện mô hình, năng suất chè bình quân đã tăng từ 8,6 tấn/ha/năm lên 11,2 tấn/ha/năm, bằng 30,2% so với trước khi thực hiện mô hình. Đặc biệt với giá bán cao hơn hẳn nên giá trị sản lượng đã tăng tới 74%.

Sản xuất chè xanh chất lượng cao có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tập quán canh tác chè từ truyền thống sang thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm mang lại năng suất, chất lượng, giá trị cao hơn. Từ việc định dạng khách hàng, Thái Nguyên đã định hình được hướng đi bền vững, có ý nghĩa quan trọng đối với việc gìn giữ hình ảnh, thương hiệu của trà Thái Nguyên.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm