Tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng hướng đi tất yếu
Đồng Tháp là địa phương có vùng trồng hoa kiểng truyền thống lớn nhất ở ĐBSCL với diện tích trồng hoa, kiểng đạt gần 3.000ha, với trên 2.000 chủng loại, giá trị hơn 6.100 tỷ đồng (từ 2016 đến nay), phân bố tại TP Sa Đéc và các huyện Lai Vung, Lấp Vò, TP Cao Lãnh.
Hoa, kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Những năm gần đây, ngành hàng hoa, kiểng của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tăng về số lượng và chất lượng, có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận cho người trồng hoa, kiểng Đồng Tháp.
Việc tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng Đồng Tháp không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành hàng hoa kiểng không thể chỉ dựa vào phương thức sản xuất truyền thống. Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, việc tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng là một bước đi cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng Tháp đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu giống cây hoa kiểng, ứng dụng công nghệ cao và cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này giúp ngành hàng hoa kiểng của tỉnh có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tỉnh đã và đang chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm hoa kiểng chất lượng cao, độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường xuất khẩu. Làng hoa nổi tiếng như Sa Đéc không chỉ tập trung vào việc sản xuất các loại hoa truyền thống mà còn đa dạng hóa sản phẩm với các giống hoa mới lạ, cây cảnh nghệ thuật và bonsai.
Việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, kết hợp với kinh nghiệm trồng hoa lâu đời của người dân địa phương, đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Thanh Khang, thành viên HTX Hoa kiểng Tân Quy Đông, tại TP Sa Đéc, cho biết: Để sản xuất hoa, kiểng hiệu quả bền vững cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân để xây dựng chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Việc phát triển ngành hàng hoa kiểng phải gắn liền với chiến lược quảng bá du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ để người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, Đồng Tháp cũng cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người nông dân trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đồng thời phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp thân thiện với môi trường, nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và đảm bảo phát triển bền vững.
Gắn kết với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp
Song song với tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng, Đồng Tháp còn triển khai chương trình OCOP nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch trải nghiệm. Sản phẩm OCOP không chỉ giúp tạo dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm nông sản, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Tháp đến với du khách trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cơ sở du lịch nông nghiệp tại xã Tân Quy Đông, TP Sa Đéc cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để đưa sản phẩm hoa kiểng của làng hoa Sa Đéc vào danh mục sản phẩm OCOP, đồng thời xây dựng các tour du lịch trải nghiệm trồng hoa, chăm sóc và trang trí cây cảnh. Điều này không chỉ giúp khách du lịch có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ngành trồng hoa kiểng của Đồng Tháp, mà còn tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm”.
Việc kết hợp giữa ngành hàng hoa kiểng và du lịch nông nghiệp đã và đang tạo ra một hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp – du lịch bền vững. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm tại các điểm du lịch đạt trên 4 triệu lượt. Du khách đến làng hoa kiểng Sa Đéc ngày một tăng đáng kể, chỉ tính riêng trong dịp Tết 2024, làng hoa Sa Đéc đón khoảng 31.700 lượt khách, tổng doanh thu trên 4,5 tỷ đồng. Du khách khi đến với Đồng Tháp không chỉ được ngắm nhìn những vườn hoa tuyệt đẹp, mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào các hoạt động nông nghiệp như trồng và chăm sóc cây hoa kiểng, trải nghiệm các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Ngành hàng hoa kiểng gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp mà còn tạo ra những cơ hội phát triển bền vững cho địa phương. Việc tái cơ cấu ngành hàng hoa kiểng, kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời khẳng định vị thế của Đồng Tháp trên bản đồ du lịch nông nghiệp Việt Nam.