| Hotline: 0983.970.780

Huyện Cao Lộc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo từ 3% mỗi năm

Thứ Sáu 27/10/2023 , 22:54 (GMT+7)

Lạng Sơn Nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời được UBND các cấp trên địa bàn Cao Lộc phối hợp thực hiện, nhằm giữ vững an ninh biên giới và phát triển đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, huyện Cao Lộc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết, huyện Cao Lộc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), người dân trên địa bàn xã Thanh Lòa trước đây chỉ làm ruộng, cuộc sống rất khó khăn. Người dân nơi đây luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, được đầu tư các dự án giảm nghèo và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

"Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế đồi rừng, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh biên giới. Chính quyền và đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn luôn sâu sát, đồng hành cùng bà con để tìm ra những giải pháp phù hợp, giúp bà con ổn định sinh kế ở vùng phên dậu của Tổ quốc", ông Thịnh nói.

Thanh Lòa chỉ là một trong số nhiều xã thuộc huyện Cao Lộc gặp khó khăn. Thống kê cho thấy, hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ khoảng 20%, tương đương hơn 3.000 hộ, trong đó tỷ lệ nghèo là hơn 8%.

Do đó, trong nhiều năm qua, chính quyền huyện đều đặt mục tiêu và hoàn thành giảm tỷ lệ nghèo mỗi năm từ 3% trở lên, đồng thời dành nguồn ngân sách và các nguồn vốn ưu tiên cho người nghèo thực hiện vay để sản xuất, phát triển kinh tế, hỗ trợ việc làm.

Nhờ quyết tâm của Đảng ủy, UBND huyện và toàn hệ thống chính trị, tỷ lệ xã và thôn có đường giao thông nông thôn cứng hóa liên tục tăng. Hiện nay, gần 100% số xã đã có đường giao thông kiên cố từ huyện đến xã. Đi kèm là sự gia tăng về cơ sở hạ tầng cho văn hóa, giáo dục, y tế ở cơ sở.

Định kỳ hàng năm, huyện Cao Lộc đều tổ chức kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo trên địa bàn, từ đó xác định lộ trình, thời gian và tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền rõ ràng cho các cấp để giảm nghèo. 

Ngoài ra, công tác điều tra hộ nghèo cũng được phân loại một cách chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở đó, huyện sẽ đề ra những giải pháp có tác động tích cực, phù hợp.

"Chúng tôi cần phân định rõ, người dân nghèo là do thiếu tư liệu sản xuất hay chưa được đảm bảo về vệ sinh nước sạch, hoặc các yếu tố liên quan đến giáo dục. Song song với đó, UBND huyện tập trung nâng cao mức sống cho các hộ nghèo, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ cận nghèo, tiến tới thoát nghèo bền vững", ông Thịnh bày tỏ.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc làm đường.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc làm đường.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc nhìn nhận, muốn người dân thoát nghèo bền vững, nhiệm vụ cốt yếu, căn cơ nhất là tạo công ăn việc làm lâu dài, tiến tới tạo thu nhập ổn định, đồng thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cho cộng đồng.

Một số giải pháp trọng tâm được huyện Cao lộc xác định, như tăng cường giới thiệu việc làm và tổ chức công tác dạy nghề cho người lao động ở nông thôn. Đồng hành với đó là kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, đặc biệt là những khu công nghiệp lớn để lực lượng thanh niên tham gia kết nối vào làm.

Với những đối tượng thuộc tầng lớp trung và cao tuổi, không thể đi làm tại các khu công nghiệp, huyện bố trí các lớp dạy nghề tại chỗ để bà con có thể vận dụng và triển khai thực hiện luôn vào trong hoạt động thường ngày.

Bên cạnh đó, huyện Cao Lộc quan tâm, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để phát triển kinh tế sản xuất, việc làm. "Đây là sự tiếp sức rất lớn", ông đánh giá.

Là một huyện biên giới, nên Cao Lộc còn định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là nét chủ đạo cho người dân đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập, cũng là phương hướng để huyện tích hợp nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thời gian tới, thay mặt UBND huyện Cao Lộc, ông Nguyễn Văn Thịnh cam kết sẽ đẩy mạnh công tác giảm nghèo ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2024, đồng thời nêu cao trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn liên quan và sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan trên địa bàn.

"Chúng tôi sẽ đa dạng hóa phương thức giúp đỡ người nghèo như hỗ trợ cây giống, phân bón, hoặc giúp đỡ sửa chữa nhà nát, xây nhà đại đoàn kết, phối hợp làm đường giao thông nông thôn ở khu vực vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa", ông bộc bạch.

Đặc biệt, lãnh đạo huyện Cao Lộc thổ lộ, sẽ liên kết chặt chẽ với khối doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.